Số ca tử vong tại Mỹ vượt 16.000, số ca nhiễm ở New York cao hơn Tây Ban Nha
Theo CNN, Mỹ hiện ghi nhận 468.895 ca nhiễm và 16.697 ca tử vong và có 25.410 người đã hồi phục. Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới nhưng số ca tử vong vẫn thấp hơn Italy.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 9/4 cho biết sẽ tăng cường người hộ tang "để đối phó tình trạng ca tử vong cao".
Theo Reuters, bang New York ghi nhận 10.621 ca nhiễm mới trong ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 159.937, cao hơn vùng dịch lớn thứ hai thế giới Tây Ban Nha.
Các bang New Jersey, Louisiana và Michigan cũng báo cáo gia tăng số người nhiễm và chết. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trước đó cảnh báo Philadelphia đang là "khu vực được quan tâm đặc biệt" khi số ca nhiễm tại thành phố tăng khoảng 1.400 mỗi ngày. Wyoming là bang duy nhất tại Mỹ chưa có người chết.
Điều phối viên về dịch Covid-19 của Nhà Trắng Deborah Birx nói các mô hình cho thấy số người chết tại Mỹ sẽ giảm đáng kể trong những ngày tới do người dân thay đổi mạnh mẽ hành vi. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci khẳng định dữ liệu thống kê cho thấy các biện pháp cách biệt cộng đồng đang có hiệu quả trong việc ngăn đại dịch.
Tây Ban Nha có thể gia hạn thêm phong tỏa
Theo Reuters, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 4.576 ca nhiễm mới. Theo Bộ Y tế nước này, tổng số ca nhiễm virus corona được xác nhận của Tây Ban Nha là 157.022, trong đó số ca tử vong đến nay là 15.843 người. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài lệnh "báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn dịch, bất chấp thiệt hại lớn về kinh tế.
Hơn 12.600 nhân viên y tế ở Italy nhiễm bệnh, trong đó hơn 100 người đã chết
Theo AFP, Hiệp hội các bác sĩ và nha sĩ Ý (FNOMCeO) cho biết số bác sĩ chết vì virus corona tại Italy đã tăng lên hơn 100 người. Trong số này có cả các bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng trở lại bệnh viện cứu người theo lời kêu gọi của chính phủ.
Truyền thông Ý cũng ước tính khoảng 30 y tá và điều dưỡng hỗ trợ cũng đã chết trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Hiện vẫn không có con số chính thức về số ca nhiễm là y bác sĩ và nhân viên y tế ở quốc gia này.
Italy phát hiện 4.204 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 143.626, trong đó 18.279 người chết, tăng 610 trường hợp. Số ca nhiễm mới và tử vong đều đang tăng trở lại, trong khi Italy vẫn là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Nước này gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 13/4. Nhiều doanh nghiệp kêu gọi mở cửa lại nhà máy, nhưng Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định Italy phải duy trì biện pháp khắt khe nếu muốn kiềm chế dịch, nhấn mạnh "các nhà khoa học khuyên chính quyền không nên nới lỏng hạn chế nào cả".
Đức ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm mới trong một ngày
Theo Reuters, Viện Robert Koch Institute (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, cho biết ghi nhận thêm 266 người chết, tăng nhẹ so với mức 246 hôm trước. Tổng số ca tử vong tại Đức là 2.373 người, trong khi đó có khoảng 49.900 người hồi phục.
Số ca nhiễm mới trong một ngày giảm trong ngày 2-6/4, nhưng tăng trở lại từ hôm 7/4. Đức hôm nay ghi nhận thêm 5.323 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm là 113.525 và trở thành vùng dịch lớn thứ tư thế giới.
Dù ghi nhận số ca nhiễm cao thứ ba châu Âu, Đức được đánh giá là chống Covid-19 tốt hơn nhiều nước trong khu vực như Pháp và Italy.
Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này đang tập trung vào chiến lược xét nghiệm qui mô lớn và đã xét nghiệm hơn 1,3 triệu người.
Ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm
Theo Reuters, Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới, giảm hơn 20 trường hợp so với một ngày trước, nâng số ca nhiễm cả nước lên 81.907.
Trung Quốc hiện ghi nhận 1.141 ca nhiễm có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó 408 người đã bình phục, không người nào chết. Nước này cũng báo cáo thêm một ca tử vong ở thành phố Vũ Hán, nâng tổng số người chết trên toàn quốc lên 3.336. Thành phố 11 triệu dân đã dỡ phong tỏa từ ngày 8/4.
Trung Quốc tuyên bố về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19 nhờ lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng kể từ tháng một. Tuy nhiên, giới chức nước này đang lo ngại về đợt bùng phát dịch lần hai từ các ca nhiễm ngoại nhập và ca nhiễm không triệu chứng.
Tâm dịch Hàn Quốc lần đầu không ghi nhận ca nhiễm mới
Theo Yonhap, thành phố Deagu - Tâm dịch tại Hàn Quốc, hôm nay không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, trong khi cả nước chỉ báo cáo 27 người nhiễm mới. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/2 nước này chỉ ghi nhận dưới 30 nhiễm mới.
KCDC cho biết cả nước hiện ghi nhận 10.450 ca nhiễm, trong đó 208 người đã chết, tăng thêm 4 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong khi 7.117 người đã bình phục.
Cập nhật tình hình dịch tại khu vực Đông Nam Á
Theo Bangkok Post, Thái Lan ghi nhận thêm 50 ca nhiễm và 1 ca tử vong mới. Trong số các ca bệnh mới tăng thêm, 27 người có liên quan tới những ca trước và 8 người vẫn đang được điều tra xem đã nhiễm bệnh từ đâu. Hiện, Thái Lan có tổng cộng 2.473 ca, trong đó có 33 người chết và 1.013 người đã bình phục.
Theo Channel News Asia, Singapore có 287 ca nhiễm virus corona mới trong vòng 24 giờ qua với hơn một nửa số trường hợp liên quan đến một ổ dịch tại một khu chung cư.
Số ca nhiễm mới này là kỉ lục bởi hơn gấp đôi số ca nhiễm của ngày hôm qua, vốn đã là ngày có số ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay. Tổng số ca nhiễm của Singapore hiện là 1.910 trường hợp và 6 trường hợp tử vong, 314 người đã hồi phục và xuất viện.
Theo Phil Star, Bộ trưởng y tế Philippines ngày 10/4 cho biết nước này có thêm 119 ca nhiễm virus corona mới và 18 ca tử vong. Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Philippines có 4.195 ca nhiễm virus corona và 221 ca tử vong. Tổng cộng 140 người được điều trị khỏi bệnh.
Theo Malay Mail, trong ngày 10/4, Malaysia có 118 ca nhiễm mới, tổng cộng nước này có 4.346 ca nhiễm và 70 trường hợp tử vong. Hiện nay Malaysia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á.
Ngày 10/4, Malaysia chính thức thông báo gia hạn biện pháp hạn chế di chuyển thêm 2 tuần, đến ngày 28/4.
Theo Reuters, Bộ Y tế Indonesia ngày 10/4 công bố thêm 219 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus corona của Indonesia là 3.512 trường hợp và tổng số ca tử vong là 306.
Theo Times of India, đến ngày 10/4, Ấn Độ hiện có tổng cộng 6.771 ca nhiễm và 228 ca tử vong. Ấn Độ đang là tâm điểm dịch bệnh trong khu vực Nam Á, chiếm hơn một nửa tổng số người nhiễm Covid-19 tại đây.
Các bang của Ấn Độ đang kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi kéo dài thời hạn phong toả đất nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020