Mỹ ghi nhận hơn 700.000 ca nhiễm Covid-19
Theo CNN, Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 710.272 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 37.175 ca tử vong.
New York, tâm dịch của Mỹ, sẽ mở thêm 5 trạm thực hiện xét nghiệm Covid-19 từ ngày 20/4, trong đó có một địa điểm tập trung vào những cư dân từ 65 tuổi trở lên tại các khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm với năng lực 2.400 lượt mỗi tuần và sớm tăng gấp đôi tốc độ.
4 trạm còn lại sẽ thực hiện tổng cộng 3.500 lượt xét nghiệm, chủ yếu phục vụ người lao động trong lĩnh vực thiết yếu, gồm người làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và người trên 65 tuổi có bệnh lí nền.
Tây Ban Nha vẫn là vùng dịch lớn thứ hai thế giới
Theo Reuters, Tây Ban Nha hiện ghi nhận 190.839 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 20.002 ca tử vong và đã có 74.797 người hồi phục. Đây vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới.
Giới chức Tây Ban Nha cho biết dữ liệu không bao gồm những người chết nghi do Covid-19, giống cách tính của nhiều quốc gia khác. Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ cân đối cách thống kê dữ liệu từ 17 vùng tự trị, sau khi Catalonia ngày 15/4 tính cả các trường hợp chết nghi do Covid-19.
Sau 4 tuần phong tỏa toàn quốc, Tây Ban Nha hôm 13/4 cho phép lao động ngành xây dựng và sản xuất quay lại làm việc trong nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bị đại dịch làm suy yếu.
Miền Nam Italy tuyên bố đã ngăn được Covid-19
Theo AFP, người đứng đầu hội đồng y tế công cộng Italy Franco Locatelli nói vào hôm 17/4: "Chúng tôi đã ngăn chặn được virus lây lan ở các khu vực miền Nam. Đây là thực tế đã được các số liệu chứng minh".
Italy hôm nay ghi nhận 3.493 ca nhiễm mới, mức tăng thấp hơn so với 3.786 ca hôm qua, nâng tổng số người nhiễm lên 172.434. Nước này ghi nhận thêm 575 ca tử vong, cao hơn mức 525 ca hôm qua, nâng tổng số người chết lên 22.745.
Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số ngành sản xuất và loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em.
Hơn 137.000 ca nhiễm tại Đức
Theo Reuters, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức cho biết, số người chết tại Đức tăng thêm 242, giảm so với mức 299 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong lên 4.110.
Đồng thời, Đức cũng ghi nhận thêm 3.609 ca nhiễm, nâng tổng người nhiễm lên 137.439. Đã có 83.114 trường hợp đã bình phục, nhiều hơn 1.314 người so với ngày trước đó.
Từ ngày 20/4, cửa hàng rộng dưới 800 m2 tại Đức sẽ được phép nối lại hoạt động. Trường học dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 4/5. Các qui tắc "cách biệt cộng đồng" vẫn có hiệu lực, như không cho phép tụ tập trên hai người ở nơi công cộng, trừ các thành viên gia đình sống cùng nhau. Các sự kiện lớn cũng bị cấm đến ngày 31/8.
Anh có thêm 847 người chết trong 24 giờ
Theo AFP, ngày 17/4 Anh ghi nhận thêm 847 người chết, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 14.576 trong số 108.692 ca nhiễm.
Mặc dù chỉ tăng nhẹ so với ngày trước đó nhưng vẫn là một trong những tỉ lệ chết vì dịch bệnh kinh hoàng nhất thế giới. Như vậy Anh chỉ đứng sau 4 nước là Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp về số người chết.
Chính phủ Anh ngày 16/4 đã quyết địng kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngoại trưởng Dominic Raad, người đang thay Thủ tướng Boris Johnson chủ trì các cuộc họp về Covid-19, cho hay nới hạn chế quá sớm "có nguy cơ gây thiệt hại cho cả y tế công cộng và nền kinh tế".
Nga tiếp tục tăng kỉ lục số ca nhiễm mới trong ngày
Theo Moscow Times, Nga ghi nhận thêm 4.785 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 36.793, trong đó có 313 ca tử vong.
Ca nhiễm ở Nga tăng mạnh trong tháng 4, dù ở giai đoạn đầu bùng phát, nước này báo cáo số ca nhiễm ít hơn so với nhiều nước Tây Âu. Giống như nhiều nước khác, cơ quan y tế Nga không tiến hành xét nghiệm hàng loạt mà chỉ ưu tiên các ca có dấu hiệu nặng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/4 tuyên bố hoãn duyệt binh kỉ niệm chiến thắng phát xít vào ngày 9/5 ở Moskva, cho biết kế hoạch có thể lùi đến cuối năm do Covid-19.
Trung Quốc không ghi nhận ca tử vong mới
Theo Reuters, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận 27 ca nhiễm mới, tăng thêm một ca so với hôm qua, gồm 17 ca ngoại nhập và 10 ca trong nước. Nước này cũng báo cáo thêm 54 ca nhiễm không triệu chứng, giảm so với 66 ca một ngày trước đó, và không có thêm ca tử vong nào.
Trung Quốc đại lục hiện ghi nhận 82.719 ca nhiễm và 4.632 ca tử vong. Số người chết tăng 50% tại Vũ Hán sau khi giới chức thành phố tính thêm những ca tử vong được báo cáo muộn, nhầm hoặc chưa được báo cáo và những trường hợp chưa được đăng kí chứng tử.
Trung Quốc đang lo ngại các ca ngoại nhập có thể dẫn đến đợt bùng phát dịch thứ hai. Nhiều thành phố của Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, yêu cầu người đi tới phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19.
Hàn Quốc tiếp tục duy trì số ca nhiễm mới dưới 30
Theo Yonhap, Hàn Quốc ngày 18/4 ghi nhận số ca nhiễm mới ngày thứ 6 liên tiếp duy trì ở ngưỡng trên dưới 30, tỉ lệ khỏi bệnh đạt trên 74%. Theo đó, hôm nay Hàn Quốc ghi nhận thêm 18 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 10.653 ca, trong đó có 232 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 108, nâng tổng số lên 7.937 người, chiếm 74,5%. Hiện vẫn còn hơn 10 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Tính đến ngày 18/4 Hàn Quốc đã ghi nhận có khoảng 1.000 ca nhiễm bệnh từ nước ngoài.
Nhật Bản có nguy cơ vỡ trận vì Covid-19
Theo NHK cho biết số người nhiễm virus corona ở Nhật Bản đã tăng lên 9.787 ca vào ngày 18/4, chỉ vài ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Hiện ở Nhật có 190 ca tử vong vì Covid-19 và Tokyo là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài nỗi lo thủ đô Tokyo liên tục ghi nhận ca nhiễm tăng vọt, nhiều người lo ngại hệ thống y tế sẽ sớm quá tải ở các vùng nông thôn, là nơi tập trung rất nhiều người cao tuổi.
Theo CNN, Ayako Kajiwara, y tá trưởng tại một bệnh viện ở tỉnh Saitama, lo sợ hệ thống y tế Nhật Bản sẽ không chịu nổi áp lực từ Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á
Theo Reuters, trung tâm Quản lí tình hình dịch Covid-19 của chính phủ Thái Lan ngày 18/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.733 ca. Trong số này, 11 ca là tại Bangkok và có lịch sử đi lại nơi công cộng. Hôm nay Thái Lan không ghi nhận ca tử vong nào, vẫn là 47 ca tử vong và 1.787 người đã hồi phục.
Theo Reuters, Singapore hôm nay tăng kỉ lục số ca nhiễm mới khi ghi nhận thêm 942 ca. Tổng số ca nhiễm trên đảo quốc sư tử đã lên 5.992, trong đó có 11 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới là người lao động nhập cư sống trong các kí túc xá cho công nhân nước ngoài.
Theo Straits Times, Indonesia tiếp tục đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm và ca tử vong do Covid-19. Ngày 18/4, Bộ Y tế Indonesia báo cáo nước này có 6.248 ca nhiễm và 535 ca tử vong.
Theo New York Times, Bộ Y tế Philippines thông báo tin vui đã có 516 bệnh nhân khỏi bệnh. Mặt khác, số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, với 209 ca mới ghi nhận trong ngày 18/4. Hiện Philippines có 6.087 ca nhiễm và 397 ca tử vong.
Theo Straits Times, Malaysia hôm nay ghi nhận 54 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ khi chính phủ áp đặt biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh vào ngày 18/3. Hiện nước này có 5.305 ca nhiễm và 88 ca tử vong (tăng thêm 2 ca).
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020