Mỹ vượt hơn 600.000 ca nhiễm Covid-19
Theo Reuters, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt ở mức 614.246 ca nhiễm và 26.064 ca tử vong. New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19.
Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố "điều tồi tệ nhất đã kết thúc" bởi số ca tử vong, nhiễm mới và ca nguy kịch đều giảm, song ông cho biết sẽ không tuân theo nếu Tổng thống Donald Trump yêu cầu nới lỏng những hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 tại bang này.
Ông Trump trước đó khẳng định có "thẩm quyền tối cao" để quyết định khi nào các bang cần cho doanh nghiệp mở cửa trở lại, chứ không phải chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng không có cơ sở pháp lí. Tổng thống Donald Trump hôm nay cũng tuyên bố tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Số ca tử vong tại Tây Ban Nha giảm
Theo New York Times, Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm nay cho biết ghi nhận thêm 523 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 18.579. Số ca tử vong hôm nay tại quốc gia này giảm hơn so với 567 ca được báo cáo ngày hôm qua.
Hôm nay, tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha đã tăng lên 177.633 ca. Chính phủ Tây Ban Nha hôm 13/4 đã bắt đầu cho phép các lao động trong ngành xây dựng và sản xuất quay lại làm việc theo những qui định nghiêm ngặt về an toàn. Đây là một bước tiến nhỏ hướng tới nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bị đại dịch làm suy yếu.
Tuy nhiên, phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến 26/4.
Italy ghi nhận thêm 602 ca tử vong
Theo Reuters, Italy hôm nay ghi nhận thêm 602 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 21.067 và là nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, ghi nhận ca tử vong vượt 20.000. Ca nhiễm tại Italy hiện là 162.488 sau khi báo cáo thêm 2.972 ca nhiễm mới.
Italy tuần trước gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. Quyết định được các bác sĩ ủng hộ nhưng bị nhiều doanh nghiệp phản đối. Italy đã thí điểm mở lại một số hiệu sách và tiệm giặt ủi nhằm kiểm tra hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng.
Pháp ghi nhận gần 16.000 ca tử vong
Theo AFP, Pháp hôm nay ghi nhận thêm 762 ca tử vong tại các bệnh viện và viện dưỡng lão, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 15.729.
Số ca nhiễm tại Pháp hôm nay cũng tăng thêm 6.524, lên 143.303 người, trong đó 28.805 trường hợp đã bình phục. Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia Pháp Jerome Salomon cho biết, số bệnh nhân phải nằm phòng chăm sóc tích cực giảm thêm 91 người, xuống 6.730, đánh dấu ngày giảm thứ 6 liên tiếp.
Tổng thống Emmanuel Macron hôm 13/4 cũng cho biết dịch bệnh tại Pháp "đang bắt đầu ổn định" và cho rằng lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ ngày 11/5. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nhấn mạnh ngày nới phong tỏa cụ thể vẫn chưa được ấn định, phụ thuộc vào xu hướng dịch bệnh và ngày 11/5 chỉ là mục tiêu.
Số ca nhiễm mới tại Đức giảm
Theo Bloomberg, đại học Johns Hopkins hôm nay cho biết Đức ghi nhận thêm 2.138 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất trong tháng này, nâng tổng số lên 132.210. Số ca tử vong tăng 301, mức tăng cao thứ hai trong tháng này, khiến tỉ lệ tử vong của Đức ở mức 2,6%, với tổng số 3,495 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Angela Merkel hôm nay sẽ họp bàn với các quan chức chính phủ về việc có nên kéo dài các biện pháp cách biệt cộng đồng được nước này ban hành từ giữa tháng 3 hay không.
Trước đó, bà Merkel khẳng định các biện pháp cách biệt cộng đồng giúp làm chậm tốc độ lây lan virus, song cảnh báo Đức "chưa an toàn" trước đại dịch. Các biện pháp ứng phó dịch hiện tại sẽ hết hạn vào 19/4.
Nga tăng kỉ lục ca nhiễm mới
Theo Tass, Nga hôm nay ghi nhận thêm 3.388 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.490. Đồng thời, Nga cũng ghi nhận thêm 28 người chết, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 198.
Moskva, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn dịch. Hơn 850 lao động bất hợp pháp tại Moskva đã bị cách li ba người trong số này có triệu chứng hô hấp cấp tính và được đưa tới bệnh viện.
Tình hình dịch Covid-19 tại khu vực châu Á
Theo Reuters, Trung Quốc ngày 15/4 thông báo ghi nhận thêm 46 ca mắc mới, giảm gần một nửa so với 89 ca của ngày trước đó. Trong số các ca mới, 36 ca có nguồn gốc từ nước ngoài. Hiện Trung Quốc ghi nhận 82.295 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3.342 ca tử vong.
Theo Kyodo, Nhật Bản hôm nay ghi nhận thêm 457 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 8.812 ca nhiễm, trong đó có 131 ca tử vong. Tình hình dịch tại Nhật đang trở nên đáng lo ngại khi số ca không rõ nguồn gốc lây nhiễm ngày càng nhiều.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết số ca tử vong ở nước này có thể lên tới 400.000, nếu Nhật Bản không thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus.
Bộ Y tế Nhật Bản cũng ước tính số ca nghiêm trọng cần dùng máy thở có thể lên tới 850.000. Các số liệu được đưa ra dựa trên nghiên cứu từ giáo sư Hiroshi Nishiura ở Đại học Hokkaido - một trong các chuyên gia bệnh truyền nhiễm tham gia hỗ trợ chính phủ Nhật trong phản ứng với dịch Covid-19.
Theo AFP, Singapore đã vượt mốc 3.000 ca nhiễm. Cụ thể, Singapore ghi nhận 3.252 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Giới chức y tế nhận định lượng lớn công dân về nước giữa tháng ba làm tăng đáng kể ca ngoại nhập, song giảm dần sau khoảng một tháng.
Singapore từ hôm qua cũng bắt buộc người dân mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, trừ các trường hợp như người chạy bộ hoặc trẻ em dưới 2 tuổi. Người dân có thể bị phạt 300 đôla Singapore nếu vi phạm lần đầu và đến 1.000 đôla nếu vi phạm lần thứ hai.
Theo CNN, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca tử vong và 230 ca nhiễm mới. Như vậy, tổng số ca tử vong ở Philippines đã lên tới 349, còn tổng số ca nhiễm là 5.453. Trong khi đó, số ca hồi phục tăng thêm 58, lên tổng cộng 353. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Theo New York Times, Malaysia ghi nhận thêm 85 ca nhiễm và 1 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này 5.072 ca.
Theo Reuters, Thái Lan ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới và hai ca tử vong ngày 15/4, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.643 và 43. Cùng lúc, nước này quyết định mở rộng lệnh cấm các chuyến bay thương mại từ nước ngoài đến hết tháng 4/2020.
Theo New York Times, Indonesia hôm nay ghi nhận thêm 297 ca nhiễm và 10 ca tử vong mới, nâng tống số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 5.136 và 469. Đây là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Indonesia đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi các chuyên gia y tế cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất có thể lên tới 1,6 triệu ca nhiễm. Các phòng chăm sóc tích cực đang quá tải dù chính quyền đưa ra những biện pháp ngăn chặn dịch mạnh mẽ hơn.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020