Mỹ ghi nhận hơn 22.000 ca tử vong
Theo CNN, thống kê của Đại học Johns Hopkins cho biết, Mỹ ghi nhận 560.433 ca nhiễm và 22.115 ca tử vong do dịch Covid-19, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Wyoming là bang duy nhất của Mỹ chưa phát hiện người tử vong vì Covid-19.
New York vẫn là bang chịu thiệt hại nặng nề nhất với 188.694 ca nhiễm và 9.385 ca tử vong. Chuyên gia y tế cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 vào mùa hè nếu các biện pháp hạn chế đi lại và cách biệt cộng đồng được dỡ bỏ sớm.
Tổng thống Donald Trump hôm 10/4 nói ông đang đối mặt với quyết định khó khăn nhất sự nghiệp chính trị của mình, đó là xác định thời điểm mở cửa lại nền kinh tế Mỹ.
Số ca tử vong ở Tây Ban Nha giảm
Theo Reuters, số người chết vì dịch Covid-19 ở Tây Ban Nha ngày 13/4 đã giảm xuống còn 517, thấp hơn so với 619 người vào hôm qua. Bộ Y tế nước này cho biết đây là mức tăng hàng ngày nhỏ nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi.
Hiện Tây Ban Nha có 17.489 ca tử vong và 169.496 ca nhiễm, tăng 3.477 ca nhiễm so với 12/4. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Chính phủ Tây Ban Nha đã ra lệnh kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực.
Italy ghi nhận thêm hơn 4.000 ca nhiễm mới
Theo Reuters, Italy hôm nay phát hiện 4.092 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 156.363, trong đó 19.899 người chết, tăng 431 ca.
Italy từ ngày 9/3 phong tỏa toàn quốc, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 11/4 gia hạn phong tỏa đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào tuần tới, như hiệu sách, tiệm văn phòng phẩm và cửa hàng bán quần áo trẻ em.
Số ca tử vong tại Pháp thấp nhất từ đầu tháng
Theo CNN, Bộ Y tế Pháp hôm nay ghi nhận thêm 2.937 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 132.591, trở thành vùng dịch lớn thứ ba châu Âu và lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italy.
Bên cạnh đó, Pháp ghi nhận thêm 561 người chết trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất kể từ 1/4, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 14.393.
Pháp tuyên bố phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3 như một biện pháp quyết liệt ứng phó với Covid-19. Tổng thống Emmanuel Macron hôm nay sẽ có bài phát biểu lần thứ ba trước toàn quốc về cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Chính phủ Pháp dự kiến công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa, vốn sẽ hết hạn vào ngày 15/4.
Số ca nhiễm mới ở Nga tăng kỉ lục
Theo Reuters, Nga hôm nay ghi nhận thêm 2.558 ca nhiễm mới trong một ngày, mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất ở Nga từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 18.328, trong đó có 148 ca tử vong.
Trong số hơn 2.500 ca nhiễm mới, thủ đô Moskva ghi nhận thêm 1.355 ca, nâng tổng số người nhiễm ở thành phố lên hơn 11.500. Moskva từ cuối tháng 3 đã yêu cầu người dân ở nhà, chỉ được ra ngoài trong các trường hợp cần thiết. Nhiều địa phương tại Nga ban hành lệnh hạn chế đi lại tương tự thủ đô để ngăn chặn dịch lây lan.
Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tháng 4 cảnh báo đại dịch chưa đạt đỉnh tại Nga và trên toàn thế giới, nên quyết định kéo dài thời gian nghỉ có lương cho người lao động Nga đến hết 30/4. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo các vùng phải đưa ra biện pháp hạn chế đi lại nhằm ứng phó với dịch tùy tình hình tại địa phương.
Ca nhiễm mới tại Trung Quốc cao nhất 5 tuần qua
Theo Reuters, Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 108 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày cao nhất trong hơn 5 tuần qua, nâng số ca nhiễm lên 82.160, trong đó có 3.341 ca tử vong.
Trong số ca nhiễm mới, bao gồm 98 ca ngoại nhập và 10 ca nội địa. Mức tăng hàng ngày này cao hơn so với 99 ca một ngày trước đó và là mức tăng cao nhất tại Trung Quốc hơn 5 tuần qua. .
Dù ca nhiễm hàng ngày giảm mạnh so với hồi tháng 2, Trung Quốc đang lo ngại các ca nhiễm ngoại nhập có thể kích hoạt đợt bùng phát dịch thứ hai và khiến đất nước trở lại tình trạng gần như tê liệt.
Chỉ ghi nhận 25 ca nhiễm mới, Hàn Quốc vẫn cảnh giác
Theo Yonhap, ngày 13/4, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, nước này ghi nhận thêm 25 ca nhiễm và 3 ca tử vong mới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt 10.537 trường hợp và 217 trường hợp.
Đây là lần thứ hai kể từ cuối tháng 2, Hàn Quốc có dưới 30 ca nhiễm virus mới. Tuy nhiên nhà chức trách vẫn cảnh giác cao với những ổ dịch ở nhà thờ và bệnh viện cũng như các ca bệnh đến từ nước ngoài.
Ngoài ra, Hàn Quốc ghi nhận 116 ca dương tính Covid-19 trở lại chưa rõ nguyên nhân, trong khi giới chức cho biết sẽ sớm xem xét nới lỏng các hạn chế.
Tình hình dịch Covid-19 ở khu vực Đông Nam Á
Theo New York Times, Bộ Y tế Philippines ngày 13/4 ghi nhận thêm 18 ca tử vong và 284 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại quốc gia này lên lần lượt là 315 và 4.932 ca bệnh, trong đó có 242 người khỏi bệnh.
Với số ca nhiễm mới tăng cao, Philippines đã vượt Malaysia trở thành vùng dịch lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Theo Bangkok Post, Thái Lan ngày 13/4 ghi nhận thêm 28 ca nhiễm mới và 2 số ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này lên 2.579 và 40 ca.
Bộ Y tế Thái Lan thông báo cho biết tất cả các bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ được điều trị miễn phí tại tất cả các bệnh viện ở nước này. Các chi phí sẽ được 3 quĩ y tế chi trả. Dù mới được công bố, thông báo có hiệu lực ấn định từ 5/3.
Theo New York Times, Malaysia hôm nay chỉ có thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 77. Số ca nhiễm mới vẫn tăng thêm 134 ca, lên 4.817 ca. Ca tử vong mới nhất liên quan đến nghi lễ tôn giáo chịu trách nhiệm cho 1/3 ca nhiễm ở nước này.
Theo Straits Times, Indonesia ghi nhận thêm 316 ca nhiễm và 26 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này lên 4.557 và 399 ca. Indonesia vẫn là nước có số người chết cao nhất khu vực.
Theo Reuters, Singapore trong 24 giờ qua phát hiện thêm 233 ca nhiễm Covid-19 mới và không có thêm ca tử vong nào. Hiện quốc gia này có tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 2.532, trong đó 8 người tử vong.
Theo Reuters, Ấn Độ ghi nhận thêm 924 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 9.240 ca, trong đó có 311 ca tử vong.
Mặc dù kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến cuối tháng 4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ đạo các bộ trưởng lên kế hoạch nối lại hoạt động của một số ngành công nghiệp quan trọng sau ngày 15/4 trong bối cảnh sinh kế của người nghèo đang bị ảnh hưởng.
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020