Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Do tâm lí sợ lây nhiễm dịch bệnh cũng như lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại được áp dụng tại một số quốc gia đã khiến nhiều hãng hàng không phải cắt giảm đa số chuyến, thậm chí nghỉ bay.
Đặc biệt là ở Singapore, như Singapore Airlines (SIA) đã cho nghỉ bay hầu hết toàn bộ máy bay, khiến nhiều tiếp viên hàng không và phi công của hãng chật vật vì thu nhập bị ảnh hưởng.
Một số tiếp viên buộc phải tìm thêm việc làm để có thu nhập khi các hãng hàng không trên toàn cầu đang đối mặt với môi trường thách thức nhất trong nhiều thập kỉ qua.
"Số tiền tôi kiếm được hàng tháng phụ thuộc vào các chuyến bay mà tôi đi làm. Vì vậy, khi các chuyến bay bị hủy, tôi chỉ được hưởng mức lương cơ bản vốn không bền vững", một nữ tiếp viên 25 tuổi của hãng hàng không Singapore Airlines chia sẻ.
Cô đã xin nghỉ phép không lương vì cơ hội được bay trong tình cảnh hiện nay là rất thấp. Hiện tại, để có thu nhập, cô đang cân nhắc giúp đỡ người dì bán xe đồ ăn với mức lương 10 sgd mỗi giờ.
Một nam tiếp viên hàng không 29 tuổi, làm việc cho một hãng hàng không khác nhưng có trụ sở tại Singapore cho biết, anh đã bắt đầu làm công việc bán thời gian tại một cửa hàng bán lẻ, khoảng 3 lần/tuần sau khi thu nhập hằng tháng khoảng 3.500 sgd của anh bị giảm 50-80%.
Anh cũng chia sẻ thêm, trong một tháng bình thường, anh sẽ làm việc trung bình 16 ngày nhưng hiện tại do dịch bệnh nên trong tháng 3, anh chỉ được làm việc có 6 ngày.
Vào ngày 23/3, hãng hàng không Singapore Airlines đã tuyên bố cắt giảm 96% số chuyến bay cho tới cuối tháng sau và cho nghỉ bay 138 máy bay trong tổng số đội bay gồm 147 chiếc.
Có đến 10.000 nhân viên của hãng hàng không Singapore Airlines có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cắt giảm chi phí này.
Goh Choon Phong, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Singapore Airlines, cho biết cuộc khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19 có thể là thách thức lớn nhất mà hãng phải gặp trong suốt thời gian hoạt động.
Các hãng hàng không khác trên thế giới cũng đã ứng phó với đại dịch theo cách tương tự. Hãng Emirates vào hôm 22/3 đã cho biết cắt giảm số điểm đến từ 159 xuống còn 13 và giảm 25-50% lương cơ bản của phần lớn nhân viên trong vòng 3 tháng.
Một tiếp viên trưởng 50 tuổi, người đã làm việc tại hãng hàng không Singapore Airlines trong 27 năm, cho biết: "Thời điểm dịch SARS vào năm 2003 cũng không tệ như thế này. Khi đó chỉ hủy các chuyến bay tới Trung Quốc, còn các chuyến bay khác trên thế giới không hủy nhiều. Lúc đó chúng tôi cũng lo ngại nhưng không nhiều như bây giờ".
Nữ tiếp viên này cũng chia sẻ, cô từng làm việc khoảng 20 ngày mỗi tháng, nhưng giờ chỉ còn làm 6-8 ngày/tháng. Do cắt giảm giờ bay nên cô thu nhập của cô cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, cô không có trợ cấp nghỉ việc nên cô hầu như không thể trả tiền thế chấp và trả tiền cho người đang chăm sóc người mẹ ốm yếu của mình.
Nỗi lo lớn nhất của cô bây giờ là ngành hàng không cắt giảm nhân sự. Đây cũng là nỗi lo chung của các đồng nghiệp của cô.
"Một số nữ tiếp viên hàng không là bà mẹ đơn thân. Họ phải chăm sóc con cái và cha mẹ của họ. Tôi cũng giống như họ, vẫn đang phải chăm sóc cho ba đứa con và ba mẹ. Tôi không biết mình sẽ phải tìm một công việc khác như thế nào bởi tôi đã gắn bó với nghề này suốt 27 năm qua", cô tâm sự.
Một nữ tiếp viên hàng không 28 tuổi, làm việc cho hãng hàng không khác và có trụ sở tại Singapore cũng cho biết, chuyến bay cuối cùng mà cô làm việc là vào ngày 12/3, và chuyến bay được xác nhận tiếp theo của cô là vào ngày 13/4.
Hiện tại, cô không được nhận các khoản trợ cấp và thu nhập của cô cũng đã bị giảm 1/3 so với mức thu nhập thông thường. Mức lương cơ bản của cô là 1.200 sgd/tháng.
"Tôi cảm thấy lo lắng về công việc của tôi lúc này. Hiện giờ thì nhiều chuyến bay đã phải dừng, tôi lo sợ tôi có thể sẽ không được trả lương trong thời gian tiếp theo, thậm chí hãng hàng không có thể bị phá sản.
Ngay lúc này, rất nhiều nơi đã ngừng tuyển dụng, và tôi không biết mình nên làm gì để có thêm thu nhập bây giờ. Những kế hoạch trong năm nay của tôi đã bị thay đổi do việc giảm thu nhập. Tôi đã đặt cọc tiền thuê một căn hộ mới, nhưng giờ tôi có thể sẽ phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà và mất tiền cọc trước khi tôi có thể chuyển đến đó ở. Tôi cảm thấy rất buồn", nữ tiếp viên tâm sự.
Không chỉ có các tiếp viên hàng không mà các phi công cũng không phải ngoại lệ. Một phi công giấu tên của hãng hàng không Singapore Airlines, người đã làm việc 30 năm, nói rằng anh đã bị cắt giảm 55% lương và sẽ nghỉ phép không lương kể từ ngày 1/4.
Ngoài ra, anh còn lo ngại nguy cơ sức khỏe mà bản thân phải đối mặt.Có hai đứa trẻ đang chờ anh ở nhà sau mỗi chuyến bay, cùng với đó là bố mẹ già 80 tuổi. Anh không thể về với họ mà phải ra ở khách sạn vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020