Chi phí lãi vay phình to, Vinahud có nguy cơ lỗ kỷ lục

9 tháng đầu năm, Vinahud lỗ ròng gần 162 tỷ đồng. Nếu tiếp tục không có lợi nhuận trong quý IV, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ lỗ kỷ lục năm 2024.

Hoàng Huy tổng hợp BCTC hợp nhất quý III/2024 Vinahud. (Đơn vị tính: tỷ đồng).

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (mã chứng khoán: VHD) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần 52,5 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng ở mức cao khiến lãi gộp giảm 52% xuống 2,6 tỷ đồng.

Trong quý, Vinahud có 11 tỷ lãi tiền gửi ngân hàng, tuy nhiên chi phí lãi vay lên đến 55 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 51 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 65 tỷ). Theo giải trình của doanh nghiệp, kết quả thua lỗ chủ yếu là do công ty mẹ phát sinh chi phí lãi vay ngân hàng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vinahud đạt 172 tỷ, giảm 23% và lỗ sau thuế gần 162 tỷ đồng. Nếu tiếp tục không có lợi nhuận trong quý IV, nhiều khả năng Vinahud sẽ có năm 2024 lỗ cao kỷ lục. 

Tài sản của Vinahud tại 30/9 là 5.121 tỷ đồng, không nhiều biến động so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm khoảng 1.584 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dở dang tại dự án Grand Mercure Hội An.

Các khoản đầu tư tài chính chiếm 3.422 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư vào 3 công ty con và 2 công ty liên kết. Hai công ty liên kết bao gồm CTCP Đầu tư Bất động sản Viên Nam (hợp tác đầu tư dự án tại TP Hòa Bình) và CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land (đầu tư khu đô thị ở Mê Linh).

Nợ phải trả tại ngày 30/9 là 5.033 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm khoảng 2.623 tỷ đồng, tăng 11%. Khách hàng trả trước mua bất động sản ghi nhận 1.320 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, Vinahud đã nhận trước 158 tỷ đồng từ CTCP VNC Construction liên quan đến việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phát sinh khoản vay 303 tỷ đồng phải trả cho CTCP Tập đoàn R&H.

Chi phí lãi vay mà Vinahud đang nợ là 304 tỷ đồng, tăng 113% so với đầu năm. Dòng tiền kinh doanh kỳ kế toán 9 tháng đầu năm âm hơn 277 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 582 tỷ đồng.

Sẽ bán dự án Mê Linh để cải thiện dòng tiền

Ảnh tư liệu: Hoàng Huy.

Trong quý III, Vinahud đã tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và được cổ đông thông qua phương án chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng. 

Theo đó, Vinahud sẽ chuyển nhượng toàn bộ 659,5 tỷ đồng, tương đương 100% vốn điều lệ của Mê Linh Thịnh Vượng cho đối tác là VNC Construction, một doanh nghiệp xây dựng được thành lập vào tháng 7/2020, có trụ sở tại Hà Nội. Giá chuyển nhượng dự kiến không thấp hơn 980 tỷ đồng.

Số tiền thu về từ việc chuyển nhượng, Vinahud sẽ thanh toán trước hạn một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) phát sinh từ các hợp đồng cho vay.

Trước đó, vào tháng 4/2023, Vinahud đã ký hợp đồng với Tập đoàn R&H để nhận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Mê Linh Thịnh Vượng. R&H Group là một trong những đối tác phát triển các dự án với Vinahud trong nhiều năm, đồng thời cũng là doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch Vinahud Trương Quang Minh.

Thông qua Mê Linh Thịnh Vượng, Vinahud sở hữu gần 40% vốn góp tại CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land - chủ đầu tư dự án Làng Hoa Tiền Phong. Dự án này có diện tích khoảng 40 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 3.864,5 tỷ đồng, nằm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.  

Chia sẻ về việc bán dự án Mê Linh, lãnh đạo Vinhahud cho biết, thị trường bất động sản đang gặp vướng mắc lớn về thủ tục pháp lý, các thay đổi về luật mới khiến thủ tục đầu tư kéo dài và dự án Mê Linh cũng vậy. Theo kế hoạch, doanh nghiệp kỳ vọng dự án này sẽ sớm được đưa vào kinh doanh song không thành.  

Sau khi bán Mê Linh Thịnh Vượng, Vinahud sẽ trả được toàn bộ dư nợ gốc là 760 tỷ tại TPBank và các chi phí tài chính liên quan. Các chi phí tài chính của Vinahud đang không tốt, nên việc bán dự án sẽ giảm dư nợ và cải thiện chỉ số tài chính cho Vinahud rất nhiều, nợ vay trong thời gian tới sẽ giảm. 

Dự án Hội An sẽ là mũi nhọn thời gian tới

Hiện trạng Grand Mercure Hội An tháng 9/2024. (Ảnh: Hoàng Huy).

Với việc rút khỏi Mê Linh, lãnh đạo Vinahud xác định dự án mũi nhọn thời gian tới sẽ là Grand Mercure Hội An.

Hiện tại, chủ đầu tư đang tích cực triển khai dự án, đến quý III/2025 sẽ đưa các căn villas vào vận hành. Đến nay 100% (118 căn villas) đã cất nóc và tiến hành hoàn thiện mặt ngoài. Các căn đã bán cho khách hàng đang hoàn thiện nội thất. Khối khách sạn hiện đã xong móng và nắp hầm, thời gian tới sẽ thực hiện thủ tục pháp lý để thi công phần thân.

Grand Mercure Hội An có quy mô 7,2 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 11/2016 với tên gọi ban đầu là Khu du lịch Xuân Phú Hải. Năm 2020, Xuân Phú Hải được Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends (công ty con Bamboo Capital) mua lại cổ phần, đến cuối 2021 nhượng lại cổ phần cho Vinahud. 

Dự kiến khi thị trường khởi sắc, Vinahud sẽ thúc đẩy các chương trình bán hàng vào cuối 2024 và 2025. Mục tiêu trong năm 2024 của Vinahud là tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện khu thấp tầng (villa) của dự án Grand Mercure Hội An, hoàn tất bàn giao căn hộ cho các khách hàng. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục liên quan để xây dựng khu cao tầng và lên kế hoạch mở bán khi thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc. 

chọn
Khang Điền có thể vượt mục tiêu lãi năm nhờ The Privia
SSI ước tính, trong quý IV Khang Điền sẽ bàn giao tất cả 1.043 căn hộ dự án The Privia và ghi nhận trước doanh thu từ 800 căn. Nhờ đó, lãi ròng năm 2024 của Khang Điền có thể đạt 971 tỷ đồng và vượt mục tiêu đề ra.