Chính người Việt đã phát động tẩy chay ứng dụng AirVisual?

Tài khoản Facebook tên V. K. N. với 350.000 người theo dõi được cho là nơi phát động chiến dịch tẩy chay ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Air Visual, khiến nhà phát triển này phải chặn quyền truy cập ở Việt Nam.
 - Ảnh 1.

Bụi mù bao phủ Hà Nội trong bức ảnh chụp ngày 2/10. (Ảnh: REUTERS)

Theo Hãng tin Reuters, đầu tuần này nhà phát triển ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual thông báo "một chiến dịch tấn công phối hợp" nhằm hạ uy tín ứng dụng này đã diễn ra ở Việt Nam.

Động thái này được cho là diễn ra sau nhiều ngày AirVisual đưa cảnh báo chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM nằm trong top ô nhiễm nhất thế giới.

"AirVisual nhận được nhiều tin nhắn chửi bới, đe dọa trên Facebook và 2 kho ứng dụng Apple App Store, Google Play Store. Do đó, ứng dụng AirVisual và trang Facebook (của app) hiện không thể truy cập được ở Việt Nam" - nhà phát triển AirVisual cho biết.

Trước khi bị cấm truy cập, AirVisual nằm trong top ứng dụng được tải nhiều nhất ở Việt Nam trên Apple App Store, chủ yếu do người dùng lo lắng về chất lượng không khí ở hai thành phố lớn trong những tuần qua.

Được biết, chiến dịch hạ uy tín AirVisual bắt đầu sau khi một tài khoản Facebook tên V. K. N. - trong mô tả ghi là giáo viên dạy hóa - đăng bài viết chỉ trích AirVisual đã chỉnh sửa dữ liệu nhằm bán máy lọc không khí do công ty mẹ IQair sản xuất.

Tài khoản này không đưa ra bằng chứng nào khác, tuy nhiên nhấn mạnh xếp hạng của AirVisual sẽ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam, đồng thời kêu gọi người dùng viết nhận xét chê bai trên các kho ứng dụng.

Bài viết nhận được vài ngàn lượt like và share.

Trong thông cáo, AirVisual cho biết đang làm việc trực tiếp với Apple, Google và Facebook để xác nhận ứng dụng bị phê phán không công bằng, với hi vọng sớm mở lại quyền truy cập cho người dùng ở Việt Nam.

Khoảng 12h ngày 8-10, tài khoản facebook V.K.N. đã đăng lời xin lỗi đối với những hậu quả mà ứng dụng AirVisual vừa phải chịu sau lời kêu gọi tẩy chay được cho là đã phát động từ facebook cá nhân này.

Facebook V.K.N. viết: "... Do chúng tôi chưa được cung cấp thông tin chi tiết về cách thức Airvisual thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo, độ chính xác của thiết bị đo, cách hiệu chỉnh sai lệch giữa các lần đo, cách tính giá trị trung bình, quy trình vệ sinh các đầu do sau khi đo... bên cạnh đó, thông tin về việc "Hà Nội đứng số 1 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới" lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội ở Việt Nam gây ra nhiều hoang mang.

Rất nhiều trang web nhắc lại thông tin này và phần lớn người dân, trong đó có tôi đều hiểu rằng cách sắp xếp đó đưa Hà Nội trở thành "thành phố ô nhiễm nhất thế giới". Do nhận thấy việc sắp xếp này có phần không hợp lý khi bỏ qua nhiều thành phố lớn có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn nhiều so với Hà Nội (thể hiện trên chính các số liệu quan trắc của AirVisual), tôi có phân tích điểm những điểm bất thường đó trên trang cá nhân của tôi.

Việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng trên các trang fanpage và chợ ứng dụng đối với AirVisual.Qua bài viết giải thích trên blog của AirVisual và thông tin trên báo chí, tôi hiểu rằng ở đây đã có sự ngộ nhận về cách thức xếp hạng của AirVisual và Hà Nội sự thực không phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam. Tôi hy vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động tại Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, xác thực và có những đóng góp tích cực trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn của chúng tôi."

Hôm 1-10, Bộ Tài nguyên - Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài trong lúc ô nhiễm không khí gia tăng, bụi mịn ở mức cao tại Hà Nội và TP HCM.

Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi hai thành phố lớn nỗ lực hơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.