Liên quan đến thu hồi đất, GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định, đối với các dự án vì mục tiêu lợi nhuận, trong vấn đề thu hồi đất cần có quy định để tạo ra sự cân bằng giữa các quyết định hành chính và thỏa thuận thị trường, tạo đồng thuận xã hội.
“Sự thật là ban đầu nhà đầu tư cũng muốn thỏa thuận, nhưng chính sách của chúng ta đã làm hư các nhà đầu tư. Đến bây giờ là chỉ muốn dựa vào nhà nước để có đất. Họ dựa vào thỏa thuận thị trường không thể đạt 100% nên họ biến báo bằng cách đưa dự án vào dạng thu hồi đất”, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã mở rộng thêm 4 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm: dự án khu nhà ở thương mại; dự án không sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư đặc biệt; dự án lấn biển; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu đưa ra tiêu chí, nguyên tắc đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, mang tính khái quát. Dự án Luật đất đai sửa đổi đã mở rộng ra một số trường hợp nhà nước thu hồi đất đối với khu đô thị, nhà ở thương mại.
“Rất nhiều đại biểu đang quan ngại, vì mở rộng thêm so với điều 62 của Luật Đất đai hiện hành”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Đại học Luật Hà Nội cho rằng quy định của dự thảo luật đang tạo cho Nhà nước quyền quá lớn trong việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất phục vụ cho xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị mới.
“Tôi đang sử dụng đất và bị thu hồi một phần, khi bị thu hồi thì được bồi thường bằng giá nhà nước ấn định. Nhưng tôi muốn mua nhà cho con tôi thì bằng giá thương mại, hai giá đó chênh lệch nhau. Tôi không đồng ý phương thức nhà nước có quyền thu hồi đất bằng quyết định hành chính trong khi nghị quyết 18 thì tăng cường cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi thông qua cơ chế nhận chuyển nhượng hoặc cho thuê lại để thực hiện dự án”, PGS.TS Nguyễn Thị Nga bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải quan tâm đến việc dự thảo chưa có quy định đảm bảo quyền lợi cho người dân khi thu hồi đất ở các vùng phụ cận, giáp ranh các dự án như đường cao tốc, hồ thủy điện.
“Ta di dời họ đi mấy chục km, nhưng đất rẫy của họ còn đấy, ta xử lý ra sao? Mực nước của hồ thủy điện thì lên 10 m, 20 m. Rồi toàn bộ đáy thủy điện người ta chỉ quản đến đấy, còn những vệt đất kia chẳng lẽ họ đi thuyền mấy chục cây số. Tôi đã gặp và rất khó nói với người dân. Họ còn 200 - 300 m2 họ kinh doanh, đất của họ từ ngàn xưa, vì vậy đất phụ cận, đất giáp ranh cần thêm vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Liên quan đến quy định giá đất, dự thảo lần này bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. Về bảng giá đất và giá đất cụ thể, có ý kiến cho rằng quy định về thẩm quyền ban hành như dự thảo sẽ gây mâu thuẫn với các nguyên tắc hành chính.
TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đặt vấn đề: “HĐND là cơ quan giao thẩm quyền trong câu chuyện quyết định bảng giá đất, nhưng khi có sự thay đổi giá thì UBND trực tiếp điều chỉnh. Vậy việc điều chỉnh có trình HĐND hay không?".
Người đứng đầu Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng, UBND tỉnh chỉ ban hành hệ số điều chỉnh biến động giá đất, chủ thể xem xét quyết định phải là HĐND tỉnh.