Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu phải ngăn chặn doanh nghiệp thành phố gãy đổ sau Covid-19

Số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và tạm dừng hoạt động tại TP HCM lên gần 10.000 trong 5 tháng đầu năm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh phải ngăn chặn doanh nghiệp gãy đổ sau bão Covid-19.

Gần 10.000 doanh nghiệp TP HCM giải thể, ngưng hoạt động 

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách của UBND TP HCM diễn ra chiều nay, 4/6, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết tính đến ngày 3/6, cơ quan này đã xác nhận tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho 213 doanh nghiệp với gần 19.000 lao động.

Tổng số tiền xin tạm hoãn quỹ hưu trí, tử tuất xấp xỉ 74 tỉ đồng. Theo Bảo hiểm xã hội TP HCM, hiện không còn tồn đọng bất cứ hồ sơ nào đề nghị được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan này. Tuy nhiên, đơn vị vẫn tiếp tục nhận và trả kết quả hồ sơ trực tiếp cho doanh nghiệp có nhu cầu trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Phong: Phải ngăn chặn doanh nghiệp TP HCM gãy đổ sau Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong: Phải ngăn chặn doanh nghiệp TP HCM gãy đổ sau Covid-19. (Ảnh: Thanh Niên).

Tính đến ngày 3/6, đã có 2.067 đơn vị gửi danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, với tổng số trên 209.000 người. Trong đó khoảng 99.000 người đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, và tương đương con số đó đề nghị hưởng trợ cấp. 

Đến nay, Bảo hiểm xã hội TP HCM đã xác nhận hồ sơ với gần 43.000 trường hợp.

Đại diện Cục Thống kê cũng cho biết thêm kết quả khảo sát trên 16.300 doanh nghiệp, chiếm gần 12% tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, có đến 85,47% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tác động tiêu cực của dịch Covid-19. 

Cục đánh giá doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh nhiều ngành nghề càng chịu bị tác động, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất như dệt may, giày da…

Gần 50% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp; 15,32% cho rằng hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước và có đến 42,41% doanh nghiệp không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 5 tháng, có 2.015 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 16,41%; có 7.252 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 40%. 

Trong thời gian này, thành phố có 14.258 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới và 47.841 doanh nghiệp đăng kí thay đổi thông tin doanh nghiệp.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Phải ngăn chặn doanh nghiệp gãy đổ sau Covid-19

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. 

Chương trình phục hồi kinh tế của TP HCM gồm hai giai đoạn, thứ nhất giải pháp tình thế để bám trụ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai là tái cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt tái cơ cấu thị trường.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Viện Nghiên cứu Phát triển và Sở Kế hoạch & Đầu tư có kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong việc ổn định sản xuất, vực dậy nền kinh tế sau dịch. Trong đó, trước mắt cần duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh ngăn chặn phá sản là ngăn chặn mất việc của người lao động. Đa số doanh nghiệp của thành phố có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đây là đối tượng dễ bị gãy đổ sau bão Covid-19. Vì vậy cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường.

Ông Phong đề nghị toàn hệ thống vào cuộc, với các trụ cột là ngân hàng, bảo hiểm, thuế và hải quan… Các ngành phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau dịch.

Mặt khác, cần tối ưu hóa đầu tư công thông qua các biện pháp kích thích tài khóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ngăn chặn mất việc của người lao động. Chủ tịch UBND TP HCM dẫn nhận định của WB, khi giải ngân đầu tư công tăng 10% sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,6%. 

Ngoài ra, doanh nghiệp và đơn vị cần khai thác lợi ích từ chương trình chuyển đổi số, hiện nay thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh với việc thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trực tuyến công, đó là những tín hiệu tích cực cần tận dụng tốt.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề cập nhiều đến việc tái khởi động du lịch sau Covid-19. Hiện ngành du lịch đang có các giải pháp để kích cầu du lịch nội địa, yêu cầu Sở Du lịch tạo các thế liên kết trong nước để vực dậy các doanh nghiệp và ngành. 

Trước mắt, thành phố cần liên kết vùng với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ đang thực hiện, sau đó kí kết liên kết với với miền Đông, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hòa Bình và Quảng Ninh… tập trung thị trường du lịch nội địa, mở các tour, tuyến mới trước khi mở cửa đón lại khách quốc tế.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.