Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 'Sau Covid-19 là cơ hội vàng cho Việt Nam, nhưng phải đề phòng vàng pha đất sét'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng sau Covid-19, Việt Nam có cơ hội vàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng cần phải xem đất nước có ưu thế gì, tập trung phát triển gì thì mới không lỡ cơ hội, bởi cơ hội vàng không chỉ dành riêng cho Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm: "Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua" diễn ra hôm nay, 22/5, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhắc nhiều đến việc Việt Nam có thể trở thành một trong những mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Bà khẳng định Việt Nam có "cơ hội vàng" để tận dụng niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất lớn, sau khi kiểm soát tốt đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được dịch chuyển về Việt Nam, nhưng "nếu không cẩn thận, vàng sẽ lẫn đất sét".

Cơ hội vàng không chỉ dành cho Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng gần đây cụm từ "cơ hội vàng" được nhắc đến nhiều, có người còn cho rằng cơ hội đến với Việt Nam sẽ là đáng kinh ngạc trong thời gian tới.

"Cơ hội là có nhưng theo tôi cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... nếu không, vàng sẽ lẫn lộn, không cẩn thận vàng sẽ có lẫn đất sét. Cơ hội không dành riêng cho Việt Nam, mà còn cả cho Ấn Độ, Indonesia…", chuyên gia nhấn mạnh.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sau Covid-19 là cơ hội vàng cho Việt Nam nhưng phải đề phòng vàng pha đất sét - Ảnh 1.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sau Covid-19 là cơ hội vàng cho Việt Nam nhưng phải đề phòng vàng pha đất sét. (Ảnh: Báo Giáo dục).

Bà cũng chỉ ra thực tế trước đây Việt Nam đã từng có những cơ hội tương tự như vậy. Người ta cũng kì vọng Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ.

Chỉ ra nguyên nhân vì sao Việt Nam lại bỏ lỡ cơ hội, bà Phạm Chi Lan cho rằng trong khi các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng, thì Việt Nam vẫn đi theo chiến cái gì cũng là mũi nhọn. Bà thẳng thắn cho rằng vì vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không nhìn thực chất, năng lực nên  đã lỡ "cơ hội vàng".

"Phải chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu, phân tích xem cần phải làm gì để thay đổi tình trạng và nắm bắt cơ hội. Ít nhất là xem lại mình có điểm gì bằng hoặc trội hơn nước khác. Trước người ta coi mình là cô gái đẹp, giờ cô gái đã già rồi…", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Bà cho rằng dịch Covid-19 vừa qua, cũng nhờ tập trung thực hiện một mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe người dân, nên các cấp, các ngành đã đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, khiến công tác kiểm soát dịch thành công, tạo được niềm tin cho nhân dân. Vì dịch mà cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp đều họp online, làm việc online, Bộ Y tế cũng kê khai y tế online… Bà khẳng định đây là bài học tốt mà Việt Nam có thể nhận ra, khi tập trung thực hiện một mục tiêu, thay vì dàn trải.

"Nhưng làm sao nuôi dưỡng được tinh thần, cách làm đó trong thời gian tới là điều đáng quan tâm. Vừa rồi rất minh bạch, cập nhật thường xuyên, tạo niềm tin cho nhân dân. Nếu làm được theo cách ta đã làm trong phòng chống dịch thì mọi việc sẽ được thúc đẩy tốt", chuyên gia nhấn mạnh.

Bà nhận định công nghệ cao, ứng dụng 4.0 sẽ là lĩnh vực có cơ hội nhất của Việt Nam sau Covid-19. Thời gian qua, Việt Nam cũng nói rất nhiều về 4.0 nhưng chuyên gia cho rằng không phải vì vậy mà có thể niềm nở đón nhận hết các dự án công nghệ.

"Thực sự, một số dự án đầu tư nhưng giá trị gia tăng tạo ra cho Việt Nam lại rất thấp. Nó không phải là vàng thật. Ông A, ông B, ông C rất to vào Việt Nam nhưng cuối cùng, giá trị gia tăng lại thay đổi không được bao nhiêu", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá.

Nếu thu hút đầu tư FDI mà nhà đầu tư phải mang hết các thứ từ Trung Quốc vào Việt Nam thì Việt Nam cũng chưa được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Doanh nghiệp không nên chờ Nhà nước

Lời khuyên cho doanh nghiệp cần làm gì trong trạng thái "bình thường mới", theo chuyên gia Phạm Chi Lan, các doanh nghiệp cần phải tăng nội lực.

Bà cho biết hiện đã nhìn rõ các doanh nghiệp phía Nam chuẩn bị cho đường đua mới. Họ thấy rằng nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ thành vấn nạn, nên đã chủ động tìm mọi cách để chuyển động.

Tuy nhiên, chỉ bản thân doanh nghiệp không thôi rất khó để làm, hiệp hội có thể vào cuộc hỗ trợ. 

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sau Covid-19 là cơ hội vàng cho Việt Nam nhưng phải đề phòng vàng pha đất sét - Ảnh 2.

Apple đăng tuyển nhiều vị trí làm việc tại Việt Nam hồi cuối tháng 4. (Ảnh chụp màn hình).

Các hiệp hội nên cùng nhau bỏ ra một khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tương lai về thị trường, cách thức kinh doanh, thói quen của người tiêu dùng để xác định nên đi về đâu.

"Cần nhớ rằng thị trường rất khó để hồi phục như cũ, và sẽ là hồi phục trong giai đoạn bình thường mới. Bình thường mới cũng có những bất thường mới. Do đó, cần lo cho việc đó", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Các doanh nghiệp, hiệp hội nên bàn với nhau, đừng trông chờ vào nhà nước. Trên cơ sở yêu cầu của mình, cần đề xuất chính sách cần thiết nào trong tương lai, để hướng đến đầu tư dài hạn thay vì ngắn hạn.

Với đối tác nước ngoài thì nên xem xét đầu tư với ai, chọn ai, bởi đang có nhiều cửa mở ra. 

"Tôi chờ đợi sự chủ động của doanh nghiệp, đừng chờ nhà nước đi chào mời vốn đầu tư. Bản thân doanh nghiệp nên chủ động chào mời, thuyết phục nhà đầu tư vào để làm cùng với họ. Tôi tin ngôn ngữ chung của doanh nghiệp khi đối thoại cùng nhau sẽ dễ dàng hơn so với khi đối thoại với nhà nước", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Theo bà, nếu tự làm được việc này thì doanh nghiệp không chỉ tự cứu mình, mà còn nâng nao, tạo vị thế cho chính bản thân doanh nghiệp, và tạo bước ngoặc cho nền kinh tế.