Đó là tình trạng ghi nhận được đến thời điểm hiện tại khi nhiều thuê bao sẽ bị mất tiền khi thực hiện cuộc gọi, nhất là khi xài gói cước khuyến mãi nội mạng.
Anh Hùng (Hà Nội) - một thuê bao trả sau cho biết, anh đăng ký gói cước miễn phí gọi nội mạng dưới 10 phút. Tuy nhiên, hàng tháng thỉnh thoảng anh vẫn nhận được thông báo cước tính tiền cho cuộc gọi vào đầu số đáng lẽ ra trước đó là miễn phí.
Theo tìm hiểu của anh, thuê bao nhận đã chuyển mạng giữ số sang một nhà mạng khác và cuộc gọi được tính là ngoại mạng.
Chuyển mạng giữ số được cho là có nhiều lợi ích cho thuê bao di động. (Ảnh: Tư liệu).
Cùng trường hợp với anh Hùng, anh Sơn (TP HCM) cũng khá lúng túng với thông báo cước hàng tháng khi có số đáng lẽ trước khi tính tiền thì nay miễn phí và ngược lại. "Dù rằng vấn đề phí không là quá lớn, nhưng cũng khó cho khách hàng khi chọn gói cước phù hợp", anh Sơn cho hay.
Vấn đề trước gọi miễn phí nay bỗng tính tiền được cho là chưa có ngoại lệ khi mà thói quen vẫn chưa thể thay đổi được khi MobiFone mặc định là 090 hay 093, VinaPhone mặc định là 091 hoặc 094, Viettel là 097, 098. Đó là chưa kể hàng loạt đầu số mới sau này mà muốn nhớ cũng rất kì công.
Bên cạnh đó, tình trạng thuê bao nạp tiền không được khi chuyển mạng giữ số cũng đã ghi nhận được mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Theo phản ánh của chị Dương Thủy (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), sau khi chuyển mạng giữ số sang nhà cung cấp mới, chị đã không thể nạp tiền được vào tài khoản khi cả ví điện tử, lẫn ngân hàng đều mặc định số chị thuộc nhà mạng cũ. Điều này khiến chị khó khăn khi sử dụng dịch vụ.
Hướng dẫn chuyển mạng giữ nguyên số tại một nhà mạng. (Ảnh: Tư liệu).
Trong khi vấn đề nạp tiền được cho là nhiêu khê với thuê bao trả trước, thì thuê bao trả sau cũng vất vả không kém khi vấn đề thanh toán hiện vẫn chưa ổn định, khiến gián đoạn liên lạc. Đó là chưa thể còn phải tốn thời gian khi chuyển mạng giữ số do vướng hợp đồng, trường hợp anh Lâm (TP HCM) là một ví dụ.
Dù tình trạng bất cập không phải là không có, nhưng chuyển mạng giữ số cũng giúp thuê bao di động chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt để gắn bó lâu dài.
Đó có thể là tình trạng sóng yếu, hoặc data không mạnh nơi ở, thậm chí là vấn đề chăm sóc khách hàng để tốt hơn.
Cũng có thuê bao chọn chuyển mạng giữ số bởi những quyền lợi hấp dẫn ưu đãi như mua điện thoại giá giảm, gói cước tích hợp dung lượng cao, bên cạnh nhiều yếu tố liên quan khác theo chiều hướng có lợi cho mình.
"Tôi chuyển mạng sang nhà mạng khác để sóng tốt hơn cho vùng huyện đảo này", chị Thủy chia sẻ. Trong khi đó, anh Hùng thì cho hay do gia đình dùng nhiều thuê bao ở mạng mới nên anh chuyển mạng giữ số để có giá cước tốt hơn.
Chuyển mạng giữ nguyên số qua góc nhìn vui của cộng đồng mạng. (Ảnh: Thegioididong).
Với tình trạng sóng yếu chỗ này chỗ kia, một người làm kĩ thuật của một nhà mạng cho hay đó là vấn đề gặp phải của các nhà mạng bởi không phải chỗ nào cũng đặt phát sóng được nên sẽ có vùng lõm, nhất là khu vực thành thị như Phố Cổ Hà Nội, trung tâm TP HCM dù giá thuê khá cao lên đến vài trăm triệu đồng/năm.
Riêng vấn đề nạp tiền thanh toán của chị Thủy, đại diện ví điện tử cho biết với tình trạng này, đội ngũ đang kiểm tra. Còn nhà mạng cho hay khi chuyển mạng giữ số thì đều có thể nạp tiền vào bất kỳ đầu số nào và hiện chưa ghi nhận trường hợp cụ thể.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã có thời gian hơn 9 tháng để triển khai chuyển mạng giữ số. Ghi nhận vào trung tuần tháng 10, tổng cộng đã có hơn 1,2 triệu thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số với 81% trường hợp thành công.
Trong đó, số thuê bao đăng ký chuyển đến/chuyển đi của Viettel là 526.499/513.021, MobiFone là 196.450/223.565, VinaPhone là 473.726/377.819, Vietnamobile là 4.437/86.706. Riêng Gtel không tham gia chuyển mạng giữ số.
Ngoài là nhà mạng có số thuê bao chuyển đi nhiều nhất, Vietnamobile cũng đang đề xuất ngừng thực hiện chuyển mạng giữ số cho riêng nhà mạng này để đảm bảo tình hình kinh doanh.