Nhiều năm sau tôi và Sài Gòn mới có duyên gặp lại, Sài Gòn đã khác nhiều lắm, còn tôi thì chưa chịu lớn vẫn tìm kiếm những mảnh kí ức xưa. Bỏ mặc các tòa nhà cao chọc trời đang xây dựng ngày đêm, hay vô vàn cửa hàng và nhiều trung tâm thương mại ánh đèn rực rỡ, tôi đi tìm một Sài Gòn xưa cũ nằm ẩn mình lặng thinh dưới sự thay đổi chóng mặt của thành phố không ngủ ngoài kia. |
Lần đầu đến khu cư xá Nguyễn Thiện Thuật tôi ngắm mãi những khu nhà xinh xinh màu xanh nhạt nằm san sát nhau. Từng ngóc ngách trong khu phố vẫn thấp thoáng hình ảnh Sài Gòn của trước năm 1975, như là vài chiếc xe ba gác trở hoa quả bán trong khu chợ Bàn Cờ phía dưới khu cư xá. Hay những “cửa hàng 3m2”- còn gọi là xe bán hàng lưu động, bày bán nhiều món ăn tồn đã vài chục năm nay, nào cơm tấm, hủ tíu, mì xào, nào nước sâm ngọt lịm... |
Lòng vòng trong khu chợ sớm, dừng chân ở quán nhỏ ăn dĩa cơm tấm, xong xuôi qua hàng kế bên thưởng thức bát tàu hũ nóng no đến quá trưa. Món tàu hũ (tào phớ) ở đây khác ngoài Hà Nội, bát tàu hũ nóng bỏng tay, ăn kèm với chút nước cốt dừa mằn mặn và nước gừng nấu kèm mật mía, thơm ngào ngạt, ăn từng thìa nhỏ béo ngậy, đến tận khi ăn xong, bát vẫn còn ấm |
.
---
Sau khi ăn, tôi la cà đến quán cà phê Cheo Leo. Ai từng đến khu Nguyễn Thiện Thuật sẽ chẳng còn lạ gì khu phố với nhiều quán cà phê, một số mang phong cách cũ và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Cheo Leo quán của ba chị em gái nhà cô Sương nổi tiếng với cà phê vợt. Bố mẹ cô Sương trước là chủ quán, sau này ông bà già yếu, giao lại quán cho mấy chị em gái. |
Người Hà Nội thích từng giọt cà phê rơi từ phin, thì người Sài Gòn hay uống bạc xỉu (cà phê sữa đá) hoặc là cà phê đen đá. Cách pha cà phê vợt ở Cheo Leo gồm nhiều công đoạn phức tạp, loại cà phê để pha thuộc loại ngon, thơm nồng, vị đắng đậm mà không bị chua. Mỗi lần pha cà phê, cô Sương múc một phễu nhôm đầy bột cà phê vào cái lưới lọc, xong để lưới vô bình tích bằng sứ dày, có khả năng giữ ấm lâu. Nước cà phê trong bình để độ 5 phút trở nên đậm đặc, mang ra pha chế thành bạc xỉu, sữa tươi ít cà phê, cà phê sữa nóng,…chỉ vài thức uống quen thuộc mà ai cũng nghiện hương vị nồng đậm ấy. |
Cheo leo quán mở cửa từ 5 giờ sáng và đóng cửa lúc 7 rưỡi tối, menu 20 năm trước ra sao thì nay vẫn vậy. Khách đến quán đủ loại người và đủ lứa tuổi, sáng sáng vài cụ già tóc bạc sống trong khu Nguyễn Thiện Thuật vừa uống ly cà phê, vừa đọc báo. |
Trưa, quán luôn ồn ào náo nhiệt bởi dân văn phòng, công sở gần đó hẹn hò, tâm sự. Thi thoảng Cheo Leo đón vài vị khách nước ngoài đến thăm, cô chủ dẫu chẳng biết ngoại ngữ vẫn luôn niềm nở đón tiếp và trò chuyện qua ánh mắt, cử chỉ. Ở Cheo Leo, những người lạ gặp nhau trong một tình mến thương với cà phê trở thành người quen, rồi bằng hữu - không ít! Tôi vẫn nhớ một chiều mưa tháng 9, bàn kế bên là cụ già người xứ Bắc trò chuyện vui vẻ với chàng thành niên Sài Gòn về bao nỗi niềm nhỏ to trong đời. Tôi ngờ ngợ đoán họ là đôi bạn thân thiết từ lâu, nào hay đó mới là lần đầu tiên họ gặp gỡ. Người Sài Gòn xưa thường mặc đồ bộ, những bộ quần áo may bằng vải hoa, thoáng mát. Giờ ít ai còn diện nó nữa, tại Cheo Leo nó trở thành “đồng phục” của ba chị em gái nhà cô Sương. Để tìm quán đâu khó, đến khu Nguyễn Thiện Thuật, chợ Bàn Cờ cứ hỏi quán cà phê vợt ba chị em, bạn sẽ được chỉ dẫn nhiệt tình tới ngay. |
---
...
Chiều muộn, rời quán cà phê, xung quanh cơ man đồ ăn hấp dẫn, nào bánh canh cua, đến quán ốc xào me…, đồ xế chiều mọc lên san sát để bạn nếm thử. Người Sài Gòn dường như ngại nấu cơm, thường ghé hàng quán mỗi chiều muộn. Khu Nguyễn Thiện Thuật này là một trong những điểm ăn uống được yêu thích, luôn đông khách từ giờ tan tầm cho tới đêm khuya. Quán ăn luân phiên liên tục mở, quán này đóng cửa, quán khác lại mở ra. Đồ ăn phong phú, giá rẻ chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng một phần, vì vậy bạn có lỡ muốn nếm thử vài ba món cũng không lo xót ruột và 'xót ví'. |
Có một Sài Gòn yên bình với những nét cũ được gìn giữ và lưu truyền trong phố Nguyễn Thiện Thuật, một nơi khôngxô bồ náo nhiệt, chẳng cần vội vã ngang dọc ngược xuôi. Một nơi để bạn nên ghé chơi và cảm nhận một Sài Gòn thu nhỏ bình dị, thân thương quá chừng! |
---
..........
...
BÀI & ẢNH: P.I.O | TRÌNH BÀY: TRỊNH VĂN THEO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LÝ |