Cổ phiếu Công ty cổ phần Masan MeatLife vừa lên sàn đã bị giảm giá khốc liệt. (Ảnh: Masan MEATLife).
Trong phiên giao dịch ngày đầu tiên 9/12, hơn 324,33 triệu cổ phiếu của Công ty CP Masan MeatLife chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM với giá mở cửa nằm mức 80.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá trên, Masan MeatLife có vốn hóa khởi điểm hơn 26.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD).
Song chỉ sau 2 ngày giao dịch, đến hôm nay 10/12, giá cổ phiếu Masan MeatLife giảm đến 14.900 đồng, rơi từ 80.000 đồng xuống chỉ còn 65.100 đồng/cổ phiếu.
Sự sụt giảm này đã khiến vốn hóa thị trường của Masan MeatLife giảm hơn 4.886 tỉ đồng, xuống mức hiện tại xấp xỉ 21.113 tỉ đồng.
Được biết, trong cơ cấu cổ đông của Masan MeatLife có 91,68% cổ đông trong nước và 8,32% cổ đông ngoại. 3 cổ đông lớn của Masan MeatLife nắm giữ trên 5% cổ phần gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) với 79,32%, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan giữ 7,95% cổ phần và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm trong tay 7,14% cổ phần.
Theo Masan MeatLife, doanh nghiệp này áp dụng nền tảng 3F "từ trang trại đến bàn ăn" với chuỗi giá trị tích hợp, nhằm cung cấp các sản phẩm thịt có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh, truy xuất được nguồn gốc và giá cả hợp lí.
Masan MeatLife kì vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50% - 70% doanh thu của công ty, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm thịt có thương hiệu, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, vệ sinh và giá cả hợp lí, thay vì các sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc như trước đây.
Nằm trong chiến lược chuyển đổi sang mô hình FMCG có tốc độ tăng trưởng nhanh, Masan có kế hoạch giao dịch cổ phiếu Masan MeatLife trên thị trường UPCoM nhằm gia tăng sự linh hoạt và khẳng định nền tảng vững chắc của công ty.
Ngoài việc mang đến tính minh bạch cho các cổ đông, việc đưa cổ phiếu lên UPCoM cũng là bước đi chiến lược góp phần đưa Masan MeatLife đạt mục tiêu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2022 - 2023.
Điều này cũng nhất quán với chiến lược tổng thể của Masan Group nhằm niêm yết tất cả các công ty thành viên trên các sàn giao dịch chính trong năm 2022-2023 để đem lại giá trị tối đa cho cổ đông.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, không chỉ riêng cổ phiếu Masan MeatLife, ngay cả cổ phiếu của chính "công ty mẹ" là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cũng giảm còn 56.600 sau khi mất giá hơn 3.900 đồng/cổ phiếu so với phiên hôm qua.
Tính từ ngày 2/12, tức 1 ngày trước khi Masan chính thức thông báo Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) sẽ nắm quyền điều hành hệ thống VinMart, VinMart+ và VinEco từ tay Tập đoàn Vingroup, vốn hóa thị trường của Masan từ con số hơn 80.657 tỉ đồng, sau 8 phiên giao dịch đã giảm xuống con số 70.721 tỉ đồng, "bốc hơi" hơn 14.495 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cũng chung số phận toát mồ hôi khi phiên hôm nay giá cổ phiếu MCH giảm còn 73.100 đồng/cổ phiếu, mất 2.000 đồng/cổ phiếu so với phiên 9/12. Tính từ phiên giao dịch ngày 3/12, tức đúng ngày MCH công bố tham gia thị trường bán lẻ thông qua hệ thống bán lẻ của Vingroup cho đến phiên hôm nay 10/12, vốn hóa thị trường của MCH đã giảm hơn 2.768 tỉ đồng.
Chốt phiên giao dịch 10/12, VN-Index chìm vào sắc đỏ khi mất 5,76 điểm, còn 960,30 điểm. Toàn sàn có khối lượng giao dịch đạt hơn 242,72 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch trên 5.016,34 tỉ đồng. Riêng rổ VN30-Index hôm nay giảm 6,78 điểm, còn 873,16 điểm. Sàn HNX-Index cũng rớt 0,32 điểm, xuống còn 102,04 điểm.