'Công nghệ' bán bánh bột lọc không giống ai của chàng trai 8X

Không có một cửa hàng thực tế nào nhưng một chàng trai 8X ở TP HCM đã biết cách ứng dụng triệt để công nghệ tiếp thị để bán bánh bột lọc qua mạng, mỗi tuần bán hơn 5.000 chiếc bánh.

"Nguyên con tôm bự chà bá nằm gọn trong bánh", bột bánh rất trong, dai, lượng bột so với nhân vừa phải không quá nhiều như những loại bánh bột lọc khác… được nhiều thực khách ví là đặc điểm nhận dạng bánh bột lọc nhà Bu của chàng trai Nguyễn Duy Vĩ (TP HCM).

Bánh bột lọc giá không đổi

Sự nổi tiếng của bánh bột lọc Ẩm thực nhà Bu không chỉ bởi chất lượng bánh rất riêng so với hầu hết bánh bột lọc khác trên thị trường mà còn ở cách làm marketing rất sáng tạo của chàng trai 8X.

Ngay từ những ngày đầu mở fanpage trên mạng xã hội Facebook để bán bánh bột lọc, Vĩ đã chủ động xây dựng đặc điểm nhận diện cho bánh bột lọc của mình với hashtag #giakhongdoi (giá không đổi). Hashtag này xuất hiện trong các bài viết mang tính hài hước vui vẻ và kèm theo đó là những hình ảnh hấp dẫn về bánh bột lọc trên fanpage.

cong-nghe-ban-banh-bot-loc-khong-giong-ai-cua-chang-trai-8x-2

Kinh doanh bánh bột lọc thời công nghệ của thanh niên 8X mang về doanh thu 5.000 bánh/tuần. (Ảnh: Fanpage Ẩm thực Nhà Bu).

"Khách hàng rất thích thú khi đọc các bài viết, từ đó họ quyết định mua hàng để dùng thử và trở thành khách hàng quen thuộc của mình", Vĩ kể lại thành quả từ chiến lược tiếp thị của mình.

Bên cạnh đó, Vĩ đã áp dụng một chính sách bán hàng vô cùng táo bạo: người mua phải đặt 20 bánh một lần (số lượng có hạn), chỉ đặt hàng được vào 3 ngày trong tuần và không giao hàng.

Lí do của chính sách bán hàng này, theo Vĩ là bởi "thứ nhất, một người không thể ăn hết 20 cái và vì thế khách hàng phải rủ thêm người ăn cùng hoặc cùng nhau mua. Thứ hai, chỉ bán 3 ngày trong tuần để tạo nên một sự mong đợi và náo nức của khách hàng nên khi nhận được bánh khách hàng thường có xu hướng khoe trên Facebook. Từ đó bánh của tôi được nhiều người biết đến hơn. Thứ ba, không giao hàng là vì tôi muốn khách hàng đến nhà mình, tận mắt thấy việc làm bánh sạch sẽ, an toàn từ đó an tâm dùng bánh và các sản phẩm khác của Ẩm thực nhà Bu".

Nhờ đó, dù chỉ bán trực tuyến và chưa có cửa hàng chính thức nhưng thời điểm cao điểm, Ẩm thực nhà Bu đã phục vụ hơn 5.000 bánh 1 tuần và hơn 1.000 cây chả. Doanh thu mỗi tháng lên đến hơn 100 triệu đồng. Mỗi năm Ẩm thực nhà Bu phục vụ cho hơn 10.000 thực khách. Nhiều khách phải đợi đến cả tháng mới có bánh ăn.

Hợp tác bán bánh bột lọc với các dịch vụ giao hàng phổ biến

Theo xu hướng mua bán hàng qua mạng ngày càng phổ dụng hiện nay, Vĩ cho biết sắp tới sẽ áp dụng các nền tảng công nghệ mới của thương mại điện tử vào Ẩm thực nhà Bu. Cụ thể, Ẩm thực nhà Bu sẽ phối hợp với các dịch vụ giao hàng nhanh để phục vụ khách hàng nhanh và tốt hơn.

Khi khách hàng đặt hàng chỉ cần điền tên, địa chỉ, số điện thoại thì hệ thống sẽ tự động tính toán quãng đường từ đại lý gần nhất và đưa ra phí giao hàng. Nếu khách hàng đồng ý thì lúc đó lệnh mua sẽ được chuyển về đại lý gần nhất và khi đại lý xác nhận đơn hàng thì đơn hàng sẽ được chuyển qua đối tác về giao nhận (chẳng hạn như Go-Viet, App Now) để chuyển đến tay khách hàng.

cong-nghe-ban-banh-bot-loc-khong-giong-ai-cua-chang-trai-8x

Người dùng dễ dàng đặt bánh bột lọc Ẩm thực Nhà Bu qua các ứng dụng giao đồ ăn. (Ảnh: D.V).

"Việc hợp tác với Ẩm thực nhà Bu là một trong những chiến lược của Now App nhằm đưa đến khách hàng của mình những món ăn truyền thống chất lượng cao và đa dạng hơn. Nhóm đối tượng khách hàng của Now App là những người có khẩu vị rất phong phú tuy nhiên vẫn luôn đón nhận và ủng hộ những món ăn truyền thống của Việt Nam. Now App luôn mong muốn đồng hành cùng các startup trong ngành ẩm thực để đưa sản phẩm của mình đến với số đông thực khách", Đặng Hoàng Minh, CEO Now App, chia sẻ.

Bà Hà Huệ Chi, giám đốc marketing Go-Viet, cho biết: "Go-Viet luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác muốn tận dụng công nghệ để tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, bận rộn nhưng vẫn muốn được thưởng thức ẩm thực truyền thống như bánh bột lọc Ẩm thực nhà Bu. Chính những đối tác trẻ năng động, biết cách kết hợp giữa sức mạnh công nghệ và món ăn truyền thống đã tạo nên nét đặc sắc của Go-Viet".

"Việc này giúp khách hàng giảm thiểu thời gian chờ đợi và tiết kiệm tối đa chi phí giao cho đơn hàng của mình. Nó cũng đồng thời giúp cho các hệ thống phân phối dễ dàng kiểm soát đơn hàng cũng như khách hàng có thể tiết kiệm được chi phí", Vĩ nhận xét.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.