Ít ai ngờ rằng, để có những trận cầu di động trên những chiếc điện thoại, hạ tầng được cho là thách thức với những ứng dụng bóng đá trực tuyến khi lượng người dùng cùng lúc có thể lên đến hàng triệu người. Và bài toán được cho là khá nan giải trong bối cảnh giải trí di động tăng cao.
Chia sẻ tại sự kiện VNG CLOUD Tech Day 2019 vừa được tổ chức tại TP HCM, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Kỹ thuật VTV Digital - đơn vị phát triển ứng dụng VTV Go coi việc phục vụ tốt hơn nhu cầu người dùng là một thách thức khi chuyển đổi số từ PC qua ứng dụng di động.
Đại diện VTV Digital chia sẻ mô hình VTV Go khi phục vụ hàng triệu người dùng cùng lúc trên nền tảng đám mây. (Ảnh: Huy Phạm).
"Đội ngũ VTV Go ban đầu chỉ với 4 kĩ sư, người dùng chỉ đạt 2.000 đến 3.000 cùng lúc. Nhưng đó chưa phải là vấn đề. Chúng tôi đặt mục tiêu là làm sao để phục vụ tốt cho người dùng đến từ nhiều nhà mạng khác nhau. Và với lượng người tăng đột biến thì số lượng máy chủ như thế nào là đáp ứng đủ mới là thách thức", ông Thanh chia sẻ.
Bài toán của VTV Digital khi đám mây chưa được sử dụng rộng rãi tại thời điểm đó được cho là khá tốn kém. Giải pháp lúc đấy được công ty đưa ra là mua hàng trăm server với đội ngũ kĩ sư lớn để vận hành và kiểm soát cho việc chỉ dùng một vài lần trong cao điểm.
Đến thời điểm hiện tại, VTV Digital được cho là một ví dụ điển hình của công nghệ phục vụ vào đời sống, khi đạt 20 triệu lượt tải và 6 triệu người dùng/tháng. Và để có con số này, công ty này đã phải cân đo trên những gì được lợi từ dịch vụ đám mây, đến cả những nhu cầu người dùng để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm.
Trường hợp VTV Digital chỉ là một ví dụ điển hình cho những tiện ích mà dịch vụ đám mây mang lại cho người dùng lẫn doanh nghiệp trong chuyển đổi số, khi bước đầu thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn để có con số như ngày hôm nay.
Trong bối cảnh giải trí di động tăng cao, thì không chỉ bóng đá trực tuyến, mà còn rất nhiều lĩnh vực sẽ cần dịch vụ đám mây để phát triển hơn nữa về sau này, giúp cho thị trường trở nên tiềm năng hơn.
Dịch vụ đám mây cùng hàng loạt công nghệ đi kèm được cho là góp phần tăng chuyển đổi số tại Việt Nam. (Ảnh: Huy Phạm).
Chia sẻ về những lợi ích của dịch vụ đám mây cho doanh nghiệp, ông Vũ Minh Trí – Tổng giám đốc VNG CLOUD cho biết hiện đối tác đã được mở rộng ra nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như truyền thông, bất động sản, sản xuất, bán lẻ…, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số nhanh hơn để hội nhập quốc tế.
Còn với ông Thanh, điều làm ông tự tin nhất đến thời điểm này chính là giúp tăng trải nhiệm người dùng với chất lượng cao nhất, bên cạnh cá nhân hóa khi VTV Go giờ đã có thể tích hợp AI để phục vụ nhiều hơn cho người dùng.
Cùng với dịch vụ đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng được cho là đồng hành khi giúp cho nhiều nhà phát triển ứng dụng thêm nhiều tiện ích.
Ứng dụng bóng đá trực tuyến chuyển mình nhờ chuyển đổi số. (Ảnh: Huy Phạm).
"Sẽ không có ngoại lệ khi gần như tất cả các ngành kinh doanh truyền thống đều sẽ chịu tác động lớn của chuyển đổi số. Nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ rất khó tồn tại, chứ chưa nói tới việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài", ông Vũ Minh Trí – Tổng giám đốc VNG CLOUD, Phó Tổng giám đốc VNG nhấn mạnh.
Theo báo cáo của International Data Corporation (IDC), ước tính trong năm 2019, thế giới sẽ chi 1,18 nghìn tỉ USD cho chuyển đổi số.
Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỉ USD và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu. Điều này cho thấy xu hướng chuyển đổi số có thể tác động nhiều đến doanh nghiệp, mà việc ứng dụng nó là cần thiết ngay từ bây giờ.