Cục Hàng không lí giải vì sao tình trạng 'delay' của các hãng bay không thể chấm dứt

Đại diện Cục Hàng không cho rằng việc các hãng bay ồ ạt ra đời là một nguyên nhân gây "delay", huỷ chuyến, do quá tải hạ tầng khiến việc điều phối bay bị ảnh hưởng. Đội tàu bay hiện đã vượt quá các kế hoạch đầu tư nguồn lực của Nhà nước.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 5 năm qua, tính từ năm 2015 đến hết tháng 8/2019, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện tổng cộng hơn 1,24 triệu chuyến bay. Trong đó, số chuyến bay bị chậm chiếm tỉ lệ 14,3% và 5.565 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,4%. 

Lãnh đạo Cục Hàng không thừa nhận tình hình chậm, hủy chuyến đều gây bức xúc cho hành khách, tuy nhiên, nếu so sánh với tỉ lệ chậm, hủy chuyến trung bình của thế giới thì chỉ số bay đúng giờ (OTP - On Time Performance) của các hãng hàng không Việt Nam vẫn ở mức cao hơn.

Hàng không Việt Nam có tỉ lệ đúng giờ cao hơn trung bình thế giới

Báo cáo của Cục Hàng không cho biết, chỉ số bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam hiện đạt 85,3%, trong khi đó, mức trung bình của thế giới là 75%. Như vậy, tỉ lệ bay đúng giờ của các hãng hàng không trong nước đang cao hơn so với mức trung bình của thế giới đến 10,3%.

chuyen-bay-15623758768021641307295-15682856016281073655314

Báo cáo của Cục Hàng không cho biết chỉ số bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam hiện đạt 85,3%, cao hơn 10,3% so với trung bình thế giới. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Thậm chí, nếu so sánh với thị trường hàng không Mỹ, trong năm 2018, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ tại đây cũng chỉ 79,48%, tức trung bình có 5 chuyến bay thì có 1 chuyến bay chậm giờ.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết các kết quả thống kê về tình hình chậm, hủy chuyến bay góp phần đánh giá chất lượng dịch vụ ngành hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Cường thẳng thắn nhìn nhận tình hình kiểm soát chuyến bay chậm, hủy chuyến thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

"Qua 5 năm triển khai, tình hình kiểm soát chuyến bay chậm, hủy chuyến vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều thời điểm diễn ra tình trạng chậm, hủy chuyến với nguyên nhân chính từ lỗi chủ quan của các đơn vị trong ngành hàng không, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới hình ảnh và sức cạnh tranh của toàn ngành", ông Cường thừa nhận.

Các hãng bay ồ ạt ra đời cũng là nguyên nhân gây "delay", huỷ chuyến

Trong khi đó, theo thống kê, các hãng hàng không đều cho rằng nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng chậm, huỷ chuyến chủ yếu là do thời tiết, đặc biệt là khi khai thác mạng đường bay tới các cảng hàng không địa phương. 

Hiện cả nước có 22 cảng hàng không kéo dài từ Bắc đến Nam, từ vùng đồng bằng tới vùng núi, vùng biển, cao nguyên, hải đảo… thời tiết biến động liên tục. 

sanbaybs_zing14-3-crop

Áp lực hạ tầng tại các cảng hàng không đang là nguyên nhân khiến các hãng bay có tỉ lệ chậm huỷ chuyến cao. (Ảnh: Zing).

Do đó, chỉ một cảng hàng không bị ảnh hưởng của thời tiết sẽ chuyến bay bị vòng chờ, chuyển hướng, hạn chế khai thác... sẽ kéo theo hàng loạt các chuyến bay tiếp nối bị ảnh hưởng vì nguyên nhân tàu bay về muộn.

Trong khi đó, tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng cũng khiến việc điều phối bay bị ảnh hưởng. 

Cụ thể, các dự án xây mới nhà ga tại các cảng hàng không cửa ngõ như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng... được thực hiện tại các thời điểm cách xa nhau trong khi đây là các sân bay được các hãng hàng không lựa chọn làm căn cứ. 

Tỉ trọng khai thác trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP HCM hoặc có đường bay quốc tế qua 3 điểm này luôn chiếm trên 90%, là nguyên nhân trực tiếp xảy ra tình trạng quá tải từ điểm nọ sang điểm kia.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh của hãng hàng không tư nhân đã tạo ra xu thế vận chuyển mới, ngành hàng không đạt mức tăng trưởng "nóng" trong nhiều năm liên tiếp (giai đoạn 2014-2018 hàng không đạt mức tăng trưởng trung bình 20,5%/năm). 

Để đón "sóng", các hãng hàng không tư nhân hoàn toàn chủ động về việc kí kết các hợp đồng đầu tư đội tàu bay. Nếu như năm 2014, đội tàu bay cánh bằng của Việt Nam chỉ có 102 chiếc thì hiện con số này đã tăng lên 200 chiếc.

Cục Hàng không cho rằng vai trò của cơ quan quản lí nhà nước trong lĩnh vực đầu tư này chỉ điều chỉnh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước, dẫn đến tình trạng đội tàu bay đã vượt quá các kế hoạch đầu tư nguồn lực của Nhà nước, từ hạ tầng cảng hàng không tới nguồn nhân lực, công cụ quản lí.

"Chậm chuyến, hủy chuyến là vấn đề không thể loại bỏ"

Dù thừa nhận việc chậm, hủy chuyến của các hãng bay gây bức xúc cho hành khách thời gian qua nhưng đại diện Cục Hàng không cho rằng đây vốn là vấn đề không thể tránh được.

"Hiện tượng chậm chuyến, hủy chuyến là vấn đề không thể loại bỏ 100% trong mọi hoạt động nói chung và hoạt động vận chuyển hàng không nói riêng", đại diện Cục Hàng không khẳng định.

tan_son_nhat_10_zing_1-crop

Cảnh tượng thường xuyên vào mùa cao điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Zing).

Giải thích về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết theo quy định của Luật Hàng không dân dụng và Thông tư 14/2015/TT-BGTVT, cũng như các quốc gia, khu vực trên thế giới về chậm, hủy chuyến đã thừa nhận và có quy tắc ứng xử khi đã xảy ra việc chậm, hủy chuyến bay.

Có thể hiểu rằng, chế định về chậm, hủy chuyến bay về cơ bản đã được chuyển hóa áp dụng theo pháp luật về dân sự do Điều lệ vận chuyển là một phần của hợp đồng vận chuyển.

Cụ thể, người vận chuyển phải có nghĩa vụ chăm sóc hành khách về tinh thần (thông báo, xin lỗi) và vật chất (ăn, ngủ, nghỉ) tại sân bay một cách phù hợp. Đồng thời, người vận chuyển phải chịu nghĩa vụ tài chính với hành khách. 

Quy định của pháp luật về các nghĩa vụ của người vận chuyển đã đảm bảo tính nhân văn, văn minh, phần nào hạn chế bức xúc của hành khách (có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng không).

Đại diện Phòng vận tải (Cục Hàng không) cũng cho rằng sở dĩ pháp luật về chậm hủy chuyến hiện hành mới tập trung vào giải quyết, làm hài hòa quyền lợi của hành khách và hãng hàng không mà chưa dùng biện pháp tạo áp lực về kinh tế cho hãng, do chưa thấy yếu tố lợi ích của hãng hàng không từ việc "cố tình" làm chậm, hủy chuyến bay.

Thực tế, việc áp dụng các quy định trên phần nào có giới hạn và không được trọn vẹn. 

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - ông Trịnh Ngọc Thành, cho biết  hành khách đi máy bay có 3 yêu cầu căn bản gồm an toàn, giá cả hợp lí và đúng giờ. 

Tuy nhiên, 3 yếu tố đó không đồng hành cùng nhau. Mặc dù các hãng hàng không đều cố gắng giảm thiểu để cân bằng 3 yếu tố nêu trên nhưng về cơ bản "được cái này, mất cái kia".

Khách sẽ được bồi thường 170 triệu nếu chuyến bay bị 'delay'

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không.

Theo đó, các mức bồi thường đều tăng so với trước đây, nhằm thống nhất giữa quốc nội và quốc tế.

Cụ thể, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho mỗi hành khách là 128.821 SDR (đơn vị tính toán đặc biệt do Quỹ tiền tệ quốc tế quy định), tức tương đương hơn 4 tỉ đồng.

Trường hợp bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường là 5.346 SDR, tương đương 170 triệu đồng.

Đối với với vận chuyển hành lí, gồm cả hành lí kí gửi và hành lí xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1.288 SDR, tương đương 40 triệu đồng.