Trung Quốc cho phép đồng tiền của mình giảm mạnh vào thứ Hai (5/8), xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỉ, với tỉ giá 7 đồng Nhân dân tệ đổi 1 đồng USD. Và ngày hôm nay, 6/8, Trung Quốc lại tuyên bố, các công ty của họ đã ngừng mua hàng nông sản của Mỹ.
Vào cuối ngày hôm qua, trong một diễn biến có liên quan, chính quyền Trump đã cáo buộc Trung Quốc là một kẻ "thao túng tiền tệ".
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. (Ảnh: AFP).
Sự việc căng thẳng bắt đầu leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cuối tuần trước, rằng sẽ áp đặt đợt thuế thứ 4 lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Theo CNN, xung đột thương mại đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng mới, khó đảo ngược. Rủi ro mà cuộc chiến thương mại đem tới có thể làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu .
Bằng cách đào sâu vào các đòn trả đũa của mình, cả Hoa Kì và Trung Quốc đều làm tăng nguy cơ phá vỡ một nền kinh tế đã bắt đầu rạn nứt.
"Chính sách sử dụng thuế quan như một công cụ để giải quyết vấn đề với người Trung Quốc đã thất bại thảm hại", Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, cho biết.
David Kotok, đồng sáng lập và Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Cumberland Advisors, nói với CNN Business, rằng "cuộc chiến thuế quan ngu ngốc mà chúng ta đang có đã làm tăng nguy cơ suy thoái".
"Mọi thứ đang leo thang và sự leo thang chưa kết thúc", Kotok nói.
Cảm giác rằng cuộc chiến thương mại bước vào giai đoạn mới và nguy hiểm hơn, đã được châm ngòi khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Trung Quốc đang thao túng tiền tệ.
Thông tin này đã thúc đẩy việc bán ra trên thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên suy đoán rằng, Trung Quốc có thể thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để phá giá đồng tiền của mình.
"Nó làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", Lan Winer, thành viên Ban cố vấn tại Drexel Hamilton nói.
Theo CNN, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang hoảng sợ.
Tại Mỹ, chỉ số Dow đã giảm 767 điểm, tương đương 2,9% vào ngày 5/8. Các chỉ số Nasdaq giảm 3,5%, trong khi đó, chỉ số VIX biến động tăng vọt lên 40% co nhất trong bảy tháng đầu năm.
Các nhà đầu tư đang đổ dồn vào trái phiếu chính phủ như một hầm trú ẩn an toàn, đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm lên 1,75%, mức thấp nhất trong gần 3 năm trở lại đây.
Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).
Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại National Securities Corporation, cho biết: "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang chắc chắn sẽ rất tệ cho nền kinh tế Mỹ".
Hogan nói rằng cuộc chiến thương mại càng tồi tệ, suy thoái kinh tế có thể đến Hoa Kỳ càng nhanh
"Trong lịch sử, suy thoái xảy ra do những phản ứng sai lầm với chính sách tiền tệ", ông nói.
Nhiều nhà đầu tư và giám đốc điều hành kinh doanh đồng ý với mong muốn của chính quyền Trump, đưa Trung Quốc vào một sân chơi thương mại công bằng hơn.
Rào cản thương mại phi thuế quan của Bắc Kinh, bao gồm những bắt buộc về chuyển giao công nghệ, từ lâu đã làm tổn thương các doanh nghiệp của Mỹ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc sử dụng thuế quan của Trump như là một cách để có được sự nhượng bộ từ Trung Quốc.
Mức thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới, đối với toàn bộ hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, từ may mặc, giầy dép đến điện tử như điện thoại thông minh.
Khác so với các đợt áp thuế trước đây khi loại trừ đi các hàng hóa thành phẩm, mức thuế 10% cho 300 tỉ USD hàng hóa mới này sẽ đánh trực tiếp vào các hộ gia đình Mỹ - sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Người tiêu dùng bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại. (Ảnh: CNN).
Cổ phiếu của các tập đoàn bán lẻ và công nghệ Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế mới. Chỉ riêng Best Buy, cổ phiếu đã giảm 15% kể từ khi chốt phiên giao dịch vào ngày thứ Tư tuần trước.
Phòng Thương mại Hoa Kì đã đưa cảnh báo rằng mức thuế mới này sẽ chỉ gây ra tác hại to lớn đối với nền kinh tế Mỹ.
Nông dân Mỹ sẽ không được cứu trợ kịp thời. Bộ Thương mại Trung Quốc vào sớm nay (6/8) đã xác nhận rằng các công ty Trung Quốc đã ngừng mua hàng nông sản Mỹ.
Thời gian trước đó, dưới những tác động của cuộc chiến thương mại, Washington đã phải giải cứu người nông dân với các gói viện trợ hàng tỉ USD. Các khoản cho vay nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần từ giữa năm 2015, lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây.
Trung Quốc đã trả đũa đòn áp thuế của Mỹ, bằng cách cho phép đồng Nhân dân tệ trượt giá xuống dưới 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD Mỹ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ lỗi sự việc này cho "chủ nghĩa bảo hộ thương mại và hàng rào thuế quan mới đối với Trung Quốc".
"Đòn trả đũa của Trung Quốc nếu xét trên thang điểm từ 1-10 thì nó phải ở mức 11", Chris Krueger, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Nhóm nghiên cứu Cowen Washington nói.
Đồng Nhân dân tệ trượt giá sâu nhất trong hơn một thập kỉ. (Ảnh: Reuters).
Việc Trung Quốc quyết định không bảo vệ đồng tiền của mình cho thấy Bắc Kinh đang muốn kéo dài cuộc chiến tranh thương mại.
"Trung Quốc đang có cái nhìn đen tối và thiếu thiện cảm hơn về các mục tiêu của Trump đối với họ", Michael Hirson, người đứng đầu Tập đoàn Eurasia tại Trung Quốc và Đông Bắc Á, nói.
"Họ đang ngày càng trở nên bi quan hơn về khả năng lèo lái, thay đổi những quyết định gây leo thang căng thẳng của vị tổng thống Mỹ", Michael cho biết.
Động thái này của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của họ.
"Rủi ro tiền tệ dễ biến động nhất, khó nhìn thấy nhất nhưng lại xảy ra nhanh nhất", Kotok nói. "Đó là đòn hiểm có thể hạ gục một võ sĩ", nhà nghiên cứu này ví von.
Các nhà đầu tư lo lắng đã đổ xô vào mua vàng. Lần đầu tiên kim loại quý hiếm này đạt mức giá 1.460 USD cho một ounce, kể từ tháng 5/2013.
Tuy nhiên, Hirson cho biết Trung Quốc không có ý định "vũ khí hóa tiền tệ". Thay vào đó, ông cho rằng các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đang cố gắng giành quyền quyết định trên bàn đàm phán với Hoa Kì.
Vấn đề là sự leo thang chiến tranh thương mại này xảy ra trong khi nền kinh tế toàn cầu đang có những vết nứt lớn. Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm lại. Khảo sát trên toàn thế giới, sản xuất cũng đã giảm.
Hoạt động của các nhà máy ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 7 kể từ năm 2016. Một số liệu khác cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ tại Mỹ cũng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong ba năm trở lại đây.
Fed bất đắc dĩ phải cắt giảm lãi suất. (Ảnh: Bloomberg).
Và các Ngân hàng Trung ương toàn cầu không có nhiều nguồn lực để bù đắp cho những bất ổn kinh tế. Lãi suất đi vay đã vô cùng thấp. Hạ thấp hơn nữa sẽ không thể bù đắp sự thiếu ổn định của thương mại.
Trong khi đó, châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang có lãi suất âm. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì đã thực hiện một cú đảo ngược ngoạn mục khi lần đầu tiên sau 11 năm, lãi suất đã được cắt giảm.
"Các Ngân hàng Trung ương đang hết đạn", Kotok hóm hỉnh nói.
Vậy câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này bao giờ sẽ kết thúc? Tất nhiên, nếu thị trường bị tác động quá mạnh, bắt buộc cả Mỹ và Trung Quốc phải đảo ngược tình thế.
Nói cách khác, cuộc chiến thương mại sẽ còn tồi tệ hơn nữa trước khi nó trở nên tốt hơn, tờ CNN đưa nhận định.
Kinh doanh 11:03 | 28/11/2019
Tiêu dùng 19:07 | 28/08/2019
Kinh doanh 16:10 | 26/08/2019
Kinh doanh 10:42 | 26/08/2019
Kinh doanh 22:17 | 25/08/2019
Kinh doanh 20:19 | 25/08/2019
Kinh doanh 07:14 | 25/08/2019
Kinh doanh 18:49 | 24/08/2019