Đà Nẵng đang có 'kịch bản' nào giải quyết bài toán ùn tắc giao thông?

Trước tình trạng TP Đà Nẵng ngày càng nhiều xe lưu thông, gây nên tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông nhất là vào giờ cao điểm. Chính quyền TP Đà Nẵng đã đưa ra các giải pháp để chống ùn tắc.

39 khu vực ùn tắc trong giờ cao điểm

Theo khảo sát của Sở GTVT TP Đà Nẵng, hiện trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm (6h45-7h45, 11h00-12h00 và 16h30-18h30), tập trung tại 39 nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm.

Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng giao thông vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.

Một số nguyên nhân gây ùn tắc giao thông Đà Nẵng hiện nay như: hiện trạng hạ tầng giao thông khu vực trung tâm nhỏ hẹp, tỉ lệ đất giao thông thấp, khó khăn trong việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng; nhiều khu vực được qui hoạch xây dựng cao tầng, tập trung nhiều trung tâm thương mại, nhiều khu vực phân lô, tạo nên nhiều nút giao thông với mật độ lớn và khoảng cách gần...

Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại vòng xoay Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - Ngô Quyền. (Ảnh: Văn Luận).

Người dân cho biết, hầu hết việc ùn tắc giao thông xảy vào giờ cao điểm tại những nút giao thông tại cầu Rồng, đường Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - Ngô Quyền và khu vực gần trường học, gần chợ, bệnh viện…

"Nhà tôi gần trường THPT Thái Phiên đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê. Khoảng 11h15 hoặc 17h hàng ngày học sinh nơi đây tan trường là ùn tắc giao thông xảy ra. Học sinh ùa ra đông, trong khi đó phụ huynh dừng đỗ xe dưới lòng đường không theo trật tự nào. Bởi vậy, xe nào đi qua khu vực này vào giờ cao điểm cũng bị kẹt lại đến 1 tiếng mới thông suốt", anh Bình sống tại quận Thanh Khê cho biết.

Ghi nhận của chúng tôi, tại vòng xoay Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - Ngô Quyền, cũng vào thời gian từ 6h45-7h45, 11h00-12h00 và 16h30-18h30 xảy ra ùn tắc giao thông. Có nhiều xe ô tô đưa đón khách du lịch chạy xuống đường biển, ra vào trung tâm khiến dòng xe máy người dân xê dịch từng chút một.

Theo người dân, việc ùn tắc không chỉ vào giờ cao điểm mà còn do một tuyến đường chuyên về kinh doanh nên có nhiều ô tô đậu bên lề đường, chiếm một phần đường nên xảy ra việc ùn tắc như đường Nguyễn Tri Phương giao Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn..

"Đi đường Nguyễn Văn Linh sẽ thấy một hàng ô tô đỗ xe bên lề đường, chiếm cả đường. Trong khi tuyến đường này có xe gắn máy, xe ô tô, xe chở khách du lịch…lưu thông qua nhiều, có khi còn xảy ra tai nạn. Mong chính quyền đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này", chị Nguyễn Thị My, người dân sinh sống tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu chia sẻ.

Đà Nẵng đang có giải pháp nào hạn chế, chống ùn tắc giao thông?

Trước tình trạng ùn tắc giao thông, Sở GTVT TP Đà Nẵng đề xuất phương án phân luồng theo hướng tổ chức giao thông một chiều trên một số tuyến đường, nhằm phân bổ lại hợp lí lưu lượng giao thông trên mạng lưới, giảm lưu lượng tập trung vào một số tuyến chính, giảm xung đột tại các nút giao, tăng khả năng thông hành, tối ưu hóa năng lực cơ sở hạ tầng đường hiện có.

Theo thống kê, TP Đà Nẵng có gần 74.000 ô tô, hơn 865.000 xe máy, hơn 6.600 xe máy điện. Mỗi ngày tại Đà Nẵng có trên 50 ô tô đăng kí mới, mỗi tháng có hơn 1.500 ô tô. Ước tính đến năm 2020, thành phố có 120.000 ô tô, 1,2 triệu phương tiện giao thông cá nhân.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, tổ chức giao thông 1 chiều hai trục dọc và 4 trục ngang: Trục dọc Lý Thái Tổ - Hùng Vương, đoạn từ nút giao Phan Thanh đến Nguyễn Chí Thanh, hướng từ Tây sang Đông; trục dọc Hải Phòng, hướng từ Nguyễn Chí Thanh về Điện Biên Phủ; trục ngang Ông Ích Khiêm, từ Hùng Vương đi Hải Phòng; trục ngang Hoàng Hoa Thám, từ Hải Phòng đi Lý Thái Tổ; trục ngang Lê Độ, từ Điện Biên Phủ đi Nguyễn Tất Thành; trục ngang Hà Huy Tập, từ Nguyễn Tất Thành đi Điện Biên Phủ.

Giai đoạn đến năm 2022, bổ sung tổ chức giao thông một chiều xen kẽ giữa các tuyến đường ngang kết nối đường Trần Phú và đường Bạch Đằng, phạm vi từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hoàng Văn Thụ. Đồng thời, đầu tư xây mới thêm đoạn đường Hoàng Văn Thụ nối dài, kết nối từ đường Trần Phú đến đường Bạch Đằng.

Giai đoạn đến năm 2025, bổ sung tổ chức 1 chiều tuyến đường Hoàng Diệu (từ Trưng Nữ Vương về Nguyễn Văn Linh), tuyến đường Nguyễn Hoàng theo hướng Ông ích Khiêm về Lê Đình Lý. Đồng thời, mở rộng kiệt K338 thành tuyến đường ngang kết nối giữa đường Hoàng Diệu và Nguyễn Hoàng. Giai đoạn sau năm 2025, đề xuất bổ sung thêm công trình cầu vượt sông Hàn và hầm qua sân bay.

Trước mắt, theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có hơn 20 tuyến đường được UBND TP Đà Nẵng thống nhất với Sở GTVT lắp đặt biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ nhằm hạn chế ùn tắc. Có thể kể đến một số tuyến đường gồm: Đường Phan Thanh (từ Lý Thái Tổ đến Nguyễn Văn Linh), Phạm Văn Nghị (từ Nguyễn Văn Linh đến Nguyễn Tri Phương), Thái Thị Bôi (từ Lê Độ đến Hà Huy Tập), Đỗ Quang (đoạn còn lại từ Nguyễn Văn Linh đến Lê Đình Lý), Nguyễn Hoàng (từ Ông Ích Khiêm đến Lê Đình Lý)…

IMG_3668

UBND TP Đà Nẵng ngày 1/11 cũng cấm dừng, đỗ xe trên đường chính toàn tuyến Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Văn Luận).

UBND TP Đà Nẵng ngày 1/11 cũng cấm dừng, đỗ xe trên đường chính toàn tuyến Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn với chiều dài khoảng 10km. Theo Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày có gần 500 xe container ra vào Cảng Tiên Sa nhận hàng, với khoảng 1.500 – 2.000 lượt xe container chạy tuyến này. Việc dừng, đỗ xe không chỉ ùn tắc giao thông còn là nguyên nhân gây tai nạn.

Liên quan đến việc xe du lịch đi vào tuyến đường trung tâm gây ùn tắc giao thông. UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Du lịch làm việc, yêu cầu các Hiệp hội du lịch, Hội Lữ hành, Hội Vận chuyển du lịch, Chi hội Hướng dẫn viên, các đơn vị lữ hành thực hiện nghiêm túc chủ trương dừng xe khách trên 30 chỗ đón trả khách trên đường Bạch Đằng, khu vực đối diện chợ Hàn với thời gian dừng xe không quá 5 phút.

Đà Nẵng tính thu phí ô tô vào trung tâm thành phố từ năm 2023

IMG_8164

Xe du lịch vào trung tâm TP Đà Nẵng là một trong nhiều nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. (Ảnh: Văn Luận).

Vừa qua, Sở GTVT cũng phối hợp với UB Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức phản biện về dự thảo "Đề án thu phí phương tiện cơ giới cá nhân vào khu vực trung tâm thành phố".

Cụ thể, năm 2023, thu phí theo ranh giới: Nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - 2/9 - Bạch Đằng - 3/2 - Nguyễn Tất Thành - Lê Độ.

Đến năm 2025, đánh giá kết quả thu phí và điều chỉnh theo tình hình thực tế, nghiên cứu mở rộng phạm vi thu phí và năm 2030 sẽ thực hiện thu phí đối với xe máy.

Sau năm 2030, nghiên cứu ứng dụng phương án thu phí theo khoảng cách đi lại trên toàn bộ các tuyến đường thuộc ranh giới thu phí.

Việc thu phí áp dụng đối với ô tô con (cả taxi), xe khách và xe tải (trừ xe buýt và xe ưu tiên theo qui định). Đối với ô tô con của người dân có hộ khẩu trong vùng thu phí, sẽ giảm 75% phí cho 25 lần/tháng.

Đa số ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan ban ngành đều chưa đồng tình với việc sẽ thu phí ô tô, xe máy vào thành phố. Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, việc đưa dự thảo đề án ra nghiên cứu, cho ý kiến bây giờ cũng không quá sớm, bởi không thể đợi nước đến chân mới nhảy sẽ không kịp.

Đà Nẵng vay 45 triệu USD phát triển hạ tầng giao thông phía Tây thành phố

UBND TP Đà Nẵng cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã kí kết hiệp định vay trị giá 45 triệu USD cho dự án "Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng" từ Quĩ Phát triển quốc tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Dự án với mục tiêu phát triển giao thông một cách hiệu quả và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đi lại, hạn chế ùn tắc giao thông ở trung tâm TP Đà Nẵng, hoàn chỉnh kết nối mạng lưới giao thông thành phố, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.