Đại diện Asanzo: ‘Luật sư chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ khởi kiện báo Tuổi Trẻ’

Theo thông tin từ thư kí ông Phạm Văn Tam, Asanzo đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện báo Tuổi Trẻ vì đăng tải thông tin khiến Asanzo tổn thất nặng nề.

Thư kí của của ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo xác nhận thông tin Asanzo quyết định khởi kiện báo Tuổi Trẻ, và cho biết luật sư của doanh nghiệp đang hoàn thiện các thủ tục khởi kiện.

Trước đó, trả lời trên VTCNews, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo cũng cho biết, đơn vị đang làm việc với luật sư để khởi kiện báo Tuổi Trẻ ra toà án dân sự. Ông Tam cho hay khoảng đầu tuần sau sẽ làm việc với toà án về việc khởi kiện này.

asanzo

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo quyết định khởi kiện báo Tuổi Trẻ vì cho rằng đã đăng tải thông tin khiến doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề. (Ảnh minh họa).

"Sau loạt bài của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã phản hồi và yêu cầu báo Tuổi Trẻ đăng tải thông tin đa chiều, nhưng báo Tuổi Trẻ vẫn tiếp tục đăng tải thông tin một chiều. Vì vậy, xét những tổn thất nặng nề do thông tin sai lệch gây nên, chúng tôi quyết định khởi kiện cơ quan này", ông Tam chia sẻ với báo chí.

Người sáng lập Asanzo cũng nói việc báo Tuổi Trẻ cáo buộc doanh nghiệp giả xuất xứ hàng điện gia dụng và mô tả quá trình sản xuất tivi của doanh nghiệp chỉ là lắp ráp đơn giản 4 khối linh kiện nhập về từ Trung Quốc, sau đó dán tem nhãn xuất xứ Việt Nam, là sai. Điều này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm doanh nghiệp. 

Liên quan nghi vấn không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của Asanzo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin Asanzo nhập khẩu hàng nước khác, gắn mác xuất xứ Việt Nam bán ra thị trường, và làm rõ các vi phạm để xử lí theo quy định pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo kết quả Thủ tướng trước ngày 30/7/2019.

Mới đây, Asanzo cũng gửi thư lên Tổng Cục quản lí thị trường, mong muốn sớm kiểm tra, kết luận xuất xứ sản phẩm.

Cụ thể, ông Tam cho biết trong suốt hai tuần, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đặt nghi vấn Asanzo nhập khẩu sản phẩm điện tử gia dụng từ Trung Quốc, sau đó thay đổi xuất xứ thành Việt Nam để lừa người tiêu dùng. Thực tế từ đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo sản xuất và lắp ráp thành phẩm toàn bộ các sản phẩm điện tử gia dụng của mình mà không nhập khẩu thông qua một bên thứ 3 nào.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, doanh nghiệp có nhập khẩu một số mặt hàng thông qua đối tác, đó là lí do trên thị trường hiện nay đang đồng thời tồn tại hai dòng hàng xuất xứ khác nhau, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và báo chí.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết theo quy định về việc ghi nhãn hàng hoá, bắt buộc doanh nghiệp phải ghi xuất xứ Việt Nam cho tất cả hàng hoá lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam. Điều này sẽ đúng dù linh kiện nhập về từ nhiều nước khác nhau, miễn là sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam.

"Vì thế, không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng khi ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng Tivi do chúng tôi sản xuất. Thế nhưng nghi vấn trên đang khiến người tiêu dùng trong cả nước ngưng mua hàng. Các nhà phân phối ngưng nhập hàng và tất cả tài khoản ngân hàng đều đã bị đóng băng, khiến cho việc kinh doanh đình trệ, khốn đốn", ông Tam thông tin.

Cũng liên quan đến thông tin nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm Asanzo, các siêu thị, trung tâm điện máy lớn đã dừng kinh doanh sản phẩm của Asanzo, đồng thời thông báo đổi sản phẩm tương tự thuộc thương hiệu khác cho người dùng đã mua TV Asanzo nếu có yêu cầu.

Khủng hoảng Asanzo diễn ra thế nào?

Ngày 21/6, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam.

Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch và tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".

Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote…

Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận quy trình này, và cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Ông nói khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật.

Tag:
chọn
Chuyên gia: Đầu tư bất động sản ngày càng khó
Theo chuyên gia, trong bối cảnh giá tăng cao như hiện nay, việc đầu tư bất động sản ngày càng trở nên khó khăn. Nếu lựa chọn đầu tư không hợp lý, người mua có thể sẽ phải mua với giá cao, tức trả tiền cho mức giá của tương lai trong 3 - 5 năm nữa.