Đại gia Hà Tĩnh ra Hải Phòng mua 2 chậu lan 3,5 tỉ đồng: Có phải đóng thuế không?

Về nguyên tắc, bất cứ một khoản thu nhập phát sinh nào của tổ chức, cá nhân đều phải nộp thuế thu nhập.

Vài ngày qua, dư luận xã hội xôn xao với clip ghi cảnh một nhóm người ở Hà Tĩnh ra Hải Phòng mua 2 chậu lan có giá 3,5 tỉ đồng. Người mua trao tiền ngay tại điểm giao dịch.

Đoạn clip được đưa lên mạng xã hội khiến không ít người tò mò về giống lan có giá trị và người bỏ ra tiền tỉ để sở hữu.

Theo tìm hiểu, chủ nhân mua 2 chậu lan có giá 3,5 tỉ đồng trên là một nhóm đến từ Hà Tĩnh và Thái Bình. Tại Hà Tĩnh, nhóm người cùng mua có khoảng 8 người, còn một số người khác đến từ Thái Bình. Những người này góp tiền với niềm đam mê, đồng thời mong muốn nhân giống số lan kể trên. Còn người đàn ông đứng ra giao dịch mua bán 2 chậu lan tên là Hùng, thường trú tại Hà Tĩnh.

Từ thương vụ tiền tỉ này, nhiều người đặt ra câu hỏi, việc chuyển nhượng này phải đóng bao nhiêu thuế?

Đại gia Hà Tĩnh ra Hải Phòng mua 2 chậu lan 3,5 tỉ đồng: Có phải đóng thuế không? - Ảnh 1.

Hình ảnh anh Hùng (áo sẫm) bắt tay giao dịch 2 chậu lan trị giá 3,5 tỉ đồng gây sốc. (Ảnh cắt từ clip).

Trồng và kinh doanh cây cảnh, trong đó có hoa lan, là hoạt động kinh doanh rất phổ biến ở nước ta. Lĩnh vực này mang lại nguồn lợi nhuận khá lớn và là thị trường khá sôi động. Nhưng việc mua bán cây cảnh vẫn còn tương đối tự do và chưa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Về nguyên tắc, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Do đó, gốc lan thuộc tài sản của người bán và tại thời điểm đó không có tranh chấp với bất kỳ bên nào khác thì được phép giao dịch mua bán.

Về nguyên tắc, bất cứ một khoản thu nhập phát sinh nào của tổ chức, cá nhân đều phải nộp thuế thu nhập. Các khoản thuế có thể phải nộp ở đây bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Về thuế giá trị gia tăng

Tại Khoản, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại.

Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp.

Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.

Tại khoản 5, Điều 10, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này…

Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại khoản này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mỳ.

Tại khoản 5, Điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại.

Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý Nhà nước cấp.

Ngoài ra, giống cây trồng được quy định, là một quần thể cây trồng đồng nhất về hình thái và có giá trị kinh tế nhất định. Chúng được nhận biết được bằng sự biểu hiện của các đặc tính do kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau.

Giống cây trồng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bao gồm hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm, rong, tảo và vi tảo. Như vậy, với đúng theo quy định pháp luật trên thì cây lan giã hạc là sản phẩm giống cây trồng, thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Về thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định sẽ tính trên toàn bộ các khoản thu phát sinh của cá nhân đó trong một năm. Tuy nhiên, đối với thu nhập của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì nằm trong trường hợp thu nhập được miễn thuế, điều này được quy định cụ thể tại Khoản 5, Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, các quốc gia có ngành sản xuất nông nghiệp phát triển đều có chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại, bền vững.

Đối với bên mua gốc lan này, nếu mua rồi bán lại cho một bên khác có giá trị cao hơn thì không áp dụng quy định trên đây mà phải nộp thuế đối với phần giá bán chênh lệch cao hơn đối với giá mua vào.

Như vậy, nếu chỉ chủ nhân của cây lan tự trồng, ghép thì không phải nộp thuế. Trong trường hợp, người này mua đi, bán lại kiếm lời thì phải nộp thuế chênh lệch.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.