Đất nền dự án sắp biến mất tại TP HCM

Thị trường TP HCM ngày càng thiếu vắng nguồn cung đất nền mới, chỉ có các dự án nhỏ lẻ tập trung ở các huyện vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh. Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D tại DKRA Việt Nam dự đoán trong tương lai phân khúc này sẽ biến mất trên thị trường TP HCM.

Theo báo cáo của DKRA về thị trường đất nền tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh gồm Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh, trong năm 2021, có 46 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường hơn 6.200 sản phẩm. Con số này chỉ bằng 47% so với năm 2020. 

Tỷ lệ tiêu thụ là gần 4.700 sản phẩm, đạt gần 76% nguồn cung mới. Số sản phẩm bán ra cũng bằng khoảng một nửa so với năm 2020. Đây là một sự sụt giảm rất lớn đối với phân khúc đất nền.

Đặc biệt, chỉ số nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm rất thấp trong quý III/2021, cho thấy tác động rõ rệt của dịch Covid-19 và các các biện pháp giãn cách xã hội tới thị trường bất động sản.

Nguồn cung đất nền chủ yếu tập trung ở Long An và Đồng Nai. Hai địa phương này chiếm 68% nguồn cung mới toàn thị trường.

Đất nền dự án sắp biến mất trên thị trường TP HCM - Ảnh 1.

Long An và Đồng Nai chiếm đa số nguồn cung đất nền mới, tại các địa phương khác số lượng không đáng kể. (Ảnh minh họa: Rever).

Về giá cả, theo DKRA, có sự trái ngược giữa thị trường thứ cấp và sơ cấp. Cụ thể, mặt bằng giá sơ cấp tăng rất mạnh. Ở thị trường như Long An, Đồng Nai hay Bình Dương đã xuất hiện những dự án đất nền chạm ngưỡng khoảng 50 triệu đồng/m2. 

Trong khi đó, giá sản phẩm trên thị trường thứ cấp lại có sự sụt giảm đáng kể, nhất là trong giai đoạn quý III có những giao dịch bị giảm tới 10% giá. 

Thanh khoản cũng chỉ ở mức trung bình. Dù giá đã có sự phục hồi trong quý IV khi kinh tế mở cửa trở lại nhưng nhìn tổng thể thị trường thứ cấp vẫn có sự sụt giảm trong năm vừa qua. 

Ở góc nhìn tích cực, dịch bệnh thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong bất động sản diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn. Nhiều chủ đầu tư áp dụng công nghệ để bán hàng, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. DKRA nhận định đây là xu hướng phổ biến trong tất cả các phân khúc của thị trường, không riêng gì đất nền trong năm vừa qua và sẽ là xu hướng trong những năm tiếp theo.

"Những dự án đất nền quy mô lớn, pháp lý đầy đủ, hạ tầng giao thông kết nối vùng thuận lợi thì việc bán hàng vẫn khá tốt. Nhìn chung nhu cầu mua đất nền vẫn phổ biến mới người dân", ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D, DKRA Việt Nam nhận định.

Riêng tại TP HCM, phân khúc đất nền không còn quá phổ biến. Quỹ đất tại TP HCM ngày càng khan hiếm, do vậy khi chủ đầu tư có một quỹ đất sạch thì sẽ triển khai những dự án nhà phố, biệt thự hay căn hộ để tối ưu hóa lợi nhuận. 

"Thực trạng này thể hiện ở việc nguồn cung đất nền tại TP HCM liên tục giảm từ năm 2017 đến nay và gần như không còn đáng kể so với nguồn cung toàn thị trường. Trong năm 2021, TP HCM chỉ có hai dự án, cung cấp chưa tới 100 sản phẩm, chỉ bẳng 17% so với năm 2020. Đây là con số rất là thấp.

Số liệu trên chỉ thống kê những dự án có quy hoạch 1/500 và quy mô ít nhất từ hai ha trở lên, không tính những dự án đất nền phân lô nhỏ lẻ. Tại TP HCM, các dự án nhỏ chủ yếu tập trung ở các huyện vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh. Tôi nghĩ phân khúc này sẽ biến mất trong tương lai ở TP HCM", ông Võ Hồng Thắng nói.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.