Sở Y tế TP HCM vừa có báo cáo UBND TP HCM về trường hợp Công ty TNHH Pouyuen (quận Bình Tân) có rủi ro lây lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 rất cao, do mật độ công nhân quá đông và các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch chưa tốt như khuyến cáo.
Cụ thể, theo bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp do UBND TP HCM ban hành, Sở Y tế đánh giá rủi ro của Công ty Pouyuen lên đến 91%, tức ở mức rất cao. Và theo quy định, những doanh nghiệp nào có rủi ro từ 80-100% thì buộc không được hoạt động.
Theo Sở Y tế, Công ty Pouyuen hiện có hơn 62.000 công nhân. Thực hiện phòng chống dịch, doanh nghiệp này đã bố trí 800 xe 45 chỗ đưa đón công nhân, đảm bảo mỗi xe không quá 20 người; khám sàng lọc khi công nhân có dấu hiệu bệnh hô hấp; bố trí giờ ăn trưa lệch nhau để không tụ tập đông người.
Tuy nhiên, thực tế khi kiểm tra, Sở Y tế nhận thấy, các xe đưa rước công nhân chưa trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh, nên công nhân chưa thực hiện rửa tay khi lên xuống xe.
Tại mỗi phân xưởng, chưa có nước rửa tay nhanh, chưa bố trí thêm bồn rửa tay và dung dịch rửa tay nhanh cho công nhân.
Xí nghiệp 62.000 công nhân này chưa thực hiện giãn cách tối thiểu 2 mét theo quy định, còn tập trung đông người khi lên xuống xe; vẫn còn tình trạng hội họp đông người tại phân xưởng, tụ tập theo nhóm nhỏ nói chuyện.
Ngoài ra, không đảm bảo khoảng cách 2 mét tại phân xưởng khi làm việc, tại khu vực ăn cơm trưa vẫn còn tình trạng 4-6 người ngồi chung bàn ăn, không đảm bảo khoảng cách tiếp xúc và tập trung trên 1.000 người.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu Pouyuen thực hiện nghiêm việc công nhân đeo khẩu trang, trang bị dung dịch khử khuẩn, bồn rửa tay, nhắc nhở công nhân rửa tay thường xuyên.
Công ty phải tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, công nhân giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2 mét.
Khu vực ăn của công nhân không được sử dụng chung li uống nước mà phải trang bị li sử dụng 1 lần. Công ty phải tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung đông người, khẩn trương tìm các biện pháp để giảm, giãn mật độ công nhân khi ăn cơm, di chuyển khi vào ca, tan ca…
Nhận thấy số lượng công nhân quá đông, doanh nghiệp này không thể thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, và chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 lên đến 91%, Sở Y tế đề xuất tạm dừng hoạt động của Công ty Pouyuen để khắc phục các vấn đề còn tồn tại.
Sở Y tế cho rằng doanh nghiệp này bắt buộc phải giảm ngay quy mô sản xuất, đảm bảo khoảng cách an toàn cho công nhân theo quy định; không tổ chức họp tại phân xưởng, nhà máy, chuyển toàn bộ các cuộc họp sang hình thức trực tuyến; bố trí hình thức cung cấp suất ăn tại các khu, không tập trung tại khu vực nhà ăn nếu không đảm bảo được khoảng cách…
Nếu Công ty Pouyuen không thực hiện được, kiến nghị lãnh đạo TP xem xét việc tạm ngừng sản xuất của công ty để đảm bảo không lây nhiễm dịch Covid-19 trong công nhân và cộng đồng.
Trước đó, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần nhắc về trường hợp Công ty Pouyuen, bởi doanh nghiệp này đang có số lượng công nhân nhiều nhất thành phố.
Ông Nhân nhấn mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất nếu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông yêu cầu các sở ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp. Nếu không đảm bảo an toàn tuyệt đối, thì phải nghiên cứu tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp này.
"Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây gây rủi ro cho an toàn người dân. Khi nào doanh nghiệp khắc phục được các tiêu chí về phòng chống dịch bệnh thì mới được sản xuất", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nói rõ với Công ty Pouyuen, một doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, lượng công nhân tham gia sản xuất lên tới hàng chục nghìn công nhân thì các Sở ngành phải rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn tại doanh nghiệp.
Trong 10 tiêu chí đặt ra, cần rà soát từng tiêu chí để đảm bảo đúng quy định, nếu mức rủi ro trên 80% phải dừng sản xuất để khắc phục. Khi khắc phục được các rủi ro, đạt yêu cầu về các tiêu chí thì doanh nghiệp mới được sản xuất.
10 tiêu chí này nằm trong bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp do UBND TP HCM ban hành.
5 tiêu số đầu tiên gồm số lượng công nhân làm việc tập trung của doanh nghiệp; mật độ người lao động làm việc ở các phân xưởng, bình quân trên 1 m2 mặt bằng phân xưởng; người lao động rửa tay, có xịt nước sát khuẩn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng; tỉ lệ công nhân đeo khẩu trang trong lúc làm việc; số công nhân được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào phân xưởng.
5 chỉ số tiếp theo là khoảng cách công nhân ở nhà ăn; số công nhân đi làm bằng xe đưa rước; số khu vực (địa điểm đón, trả công nhân) công nhân ở trước khi đi làm (mỗi khu vực cách nhau từ 3km trở lên); công ty phát khẩu trang cho công nhân; công ty có làm ca đêm, trừ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước…
UBND TP HCM quy định đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 của Công ty là CRLN, với công thức CRLN = (TP1 + TP2 + … + TP10)/100. Tối đa 10 điểm 1 tiêu chí.
Nếu CRLN từ 10% trở xuống (rất ít rủi ro) thì được hoạt động; nếu dưới 30% (rủi ro lây nhiễm thấp) thì được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kì để khắc phục các hạn chế ở chỉ số thành phần nào cao nhất.
Nếu CRLN từ 30% đến dưới 50% (rủi ro lây nhiễm trung bình) thì có thể được hoạt động với điều kiện không có chỉ số thành phần nào từ 7 điểm trở lên.
Nếu CRLN từ 50% đến dưới 80% (rủi ro lây nhiễm cao) thì buộc phải có giải pháp giảm rủi ro mới được hoạt động.
Riêng các doanh nghiệp có CRLN từ 80-100%, tức rủi ro lây nhiễm rất cao thì không được hoạt động.
Các cơ sở tự đánh giá bộ tiêu chí này tại doanh nghiệp, Sở Y tế kiểm tra, rà soát việc tự đánh giá, đề xuất Chủ tịch UBND TP xử lí nghiêm các trường hợp không đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020