Đi tìm dòng vốn cho thị trường bất động sản 2024

Bên cạnh vấn đề pháp lý, nguồn vốn chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi của ngành địa ốc lúc này.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

Vốn tín dụng ngân hàng là một trong những dòng tiền chủ chốt giúp sức cho lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tại báo cáo thị trường năm 2023, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 11/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối tháng 10 và tăng khoảng 25% so với thời điểm đầu năm (803.000 tỷ đồng).

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 283.876 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 39.096 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất là 67.557 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn là 59.484 tỷ đồng; dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 45.177 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán cho thuê là 123.083 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 68.694 tỷ đồng; dư nợ đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 335.565 tỷ đồng.

(Đồ hoạ: Di Anh).

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, trong những năm gần đây, vốn tín dụng ngân hàng chính là một trong hai nguồn vốn trung, dài hạn chủ yếu để phát triển thị trường địa ốc (cùng với vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp). Song riêng khoảng 2 năm qua, cơ cấu vốn cho BĐS đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tỷ trọng nguồn vốn tín dụng ngân hàng biến động bởi chính sách cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành. 

“Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS ghi nhận liên tục tăng đều theo thời gian. Tuy nhiên, vốn tín dụng chủ yếu tăng đối với nhà phát triển BĐS, trong khi tín dụng vay mua nhà lại rất thấp. Tín dụng cho người vay mua nhà giảm và chưa có dấu hiệu cải thiện do cơ cấu nguồn cung không phù hợp, lo ngại rủi ro lãi suất tăng sau thời gian ưu đãi và thu nhập sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất trong 11 tháng năm 2023 là 68.694 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở (283.876 tỷ đồng).

Chưa kể, nhìn chung trong năm qua, doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Các thỏa thuận tín dụng chỉ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có quỹ đất lớn với các dự án sạch. 

Lý do bởi tài sản bảo đảm cho khoản vay của nhiều doanh nghiệp BĐS không đáp ứng yêu cầu, trong khi các ngân hàng thận trọng hơn trước quyết định giải ngân và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao trước bối cảnh rủi ro nợ xấu BĐS gia tăng”, VARS cho hay. 

Tại hai hội nghị về tín dụng BĐS do Ngân hàng Nhà nước tổ chức trong năm qua, đa số các chủ đầu tư địa ốc khi đối thoại với phía ngân hàng đều kiến nghị tiếp tục hạ lãi suất, kéo dài thời gian vay vốn và có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường địa ốc. 

 Doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ). 

Bộ phận phân tích Chứng khoán MB (MBS Research) cho rằng, thị trường năm 2024 sẽ trở nên tích cực hơn nhờ những yếu tố như mặt bằng lãi suất về mức thấp tác động tốt đến nhu cầu mua BĐS, Luật Đất Đai (sửa đổi) thông qua góp phần giải quyết vướng mắc pháp lý, rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp giảm khi thực hiện cơ cấu nợ vay. Tuy nhiên, doanh nghiệp địa ốc tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, một trong số đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn còn khó khăn.

“Thị trường đóng băng, các chủ đầu tư không thế mở bán dự án để duy trì dòng tiền dẫn tới mất khả năng trả nợ. Tỷ lệ NPL (tỷ lệ nợ xấu) của các ngân hàng tăng lên mức 2,3% (so với khoảng 1,7% hồi đầu năm) và phần lớn đến từ các khoản vay BĐS. Trong bối cảnh nợ xấu tăng, các ngân hàng có xu hướng thận trọng hơn khi giải ngân, từ đó gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp BĐS”, MBS lý giải. 

Khó kỳ vọng vào trái phiếu năm nay

Cùng với vốn vay ngân hàng thì vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng là một trong những nguồn vốn trung, dài hạn chủ yếu để phát triển thị trường BĐS trong những năm qua. 

Chia sẻ tại một tọa đàm, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã có sự so sánh về quy mô dòng vốn này qua thời gian: "Những năm trước, nguồn vốn từ phát hành TPDN là một trong những nguồn vốn quan trọng để phát triển thị trường BĐS. TPDN từng đạt tỷ trọng rất cao trong cơ cấu vốn cho lĩnh vực này khi chiếm trên 30% vào năm 2021.

Tuy nhiên sau đó, do những "cú sốc" trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN, cộng thêm sự ra đời của Nghị định 65 mà đến năm 2022, tỷ phần vốn phát hành TPDN nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đã sụt giảm đáng kể xuống mức 7,7%.

Đến năm 2023, chỉ số này ở mức khoảng 26%. Sau khi Nghị định 08 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã có những đợt phát hành trái phiếu thành công. Dù xét về tổng thể thì vẫn ở mức thấp so với thời gian trước đó, song nguồn vốn này vẫn được xem là giải pháp cứu cánh cho rất nhiều doanh nghiệp BĐS”. 

Sang năm 2024, từ ngày 1/1, Nghị định 08 hết hiệu lực và thị trường quay trở lại thực hiện theo Nghị định 65. Theo ông Thịnh, rõ ràng đây là khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng. 

“Thực tế mà nói, với Nghị định 65, việc phát hành TPDN riêng lẻ của chúng ta có lẽ gần như ở mức khó nhất trong khu vực. Chính sách rất an toàn cho cả người phát hành lẫn nhà đầu tư. Song, điều này cũng buộc các doanh nghiệp phát hành phải tự nâng mình lên rất cao để đáp ứng các điều kiện (gần tiệm cận với doanh nghiệp niêm yết). 

Trong điều kiện của Việt Nam hiện giờ, tôi cho rằng chưa đến mức độ phải chặt chẽ như vậy. Trước mắt, nên xem xét tiếp tục kéo dài Nghị định 08 thêm một thời gian để từ đó, các doanh nghiệp có điều kiện thích ứng với chính sách và thị trường, có điều kiện phát hành trái phiếu để tiếp tục quay vòng dòng vốn. Cùng với đó, nên chăng chúng ta cân nhắc, suy nghĩ thêm về vấn đề không bắt buộc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm”, chuyên gia nêu kiến nghị. 

Ước tính giá trị TPDN đáo hạn năm 2024 cao nhất trong giai đoạn 2019 - 2025. (Nguồn: Fiin, YSVN).  

Bên cạnh việc khó huy động vốn từ kênh trái phiếu do chính sách thắt chặt thì doanh nghiệp địa ốc còn phải đối mặt với áp lực đáo hạn nợ đạt đỉnh vào năm nay. 

Theo số liệu của Chứng khoán Yuanta, ước tính lượng TPDN đáo hạn năm 2024 đạt giá trị cao nhất giai đoạn 2019 - 2025 với hơn 297.000 tỷ đồng trái phiếu tới hạn. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 123.000 tỷ đồng trái phiếu tới hạn.

Bộ phận phân tích MBS nhìn nhận: “Hiện tại, đang có một số đề xuất về việc gia hạn Nghị định 08 đến hết năm 2024 trong bối cảnh đỉnh điểm đáo hạn của trái phiếu BĐS. Chúng tôi đánh giá, nếu đề xuất này được thông qua sẽ mang lại tác động tích cực đến các chủ đầu tư khi giảm bớt áp lực thanh khoản và tạo điều kiện phát triển cho thị trường trái phiếu”. 

Khoảng 123.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm nay. (Nguồn: Fiin, YSVN).  

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, thị trường trái phiếu 2024 còn phải đối mặt với một rào cản nữa là niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở mức thấp. 

Vị này chia sẻ với người viết: “Năm vừa qua, trái phiếu gần như chỉ là câu chuyện nội bộ giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Chúng ta đang thắt chặt thị trường này, trong khi việc lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, tôi nghĩ thời gian tới vẫn khó có thể kỳ vọng nhiều vào sự tiếp sức của dòng vốn này vào lĩnh vực BĐS. 

Mặc dù vậy, xét về bản chất, đây vẫn là kênh đầu tư nên duy trì. Về lâu dài các chủ đầu tư nên tìm cách dần lấy lại thiện cảm từ người dân, Nhà nước cũng cần có những chế tài cụ thể hơn để bảo vệ nhà đầu tư, có như vậy, dòng tiền từ trái phiếu mới dần phục hồi”. 

Tiền gửi của người dân khó rời nhà băng

Bất chấp lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm mạnh xuống mức thấp nhất lịch sử (dưới 2%/năm) trong năm qua, lượng tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng và đạt kỷ lục. 

Tại hội nghị ngành ngân hàng diễn ra ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước đã công bố cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay. 

Lượng tiền gửi vào ngân hàng trong năm 2023 đã tăng thêm khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức tăng quanh ngưỡng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn trước. 

Tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua các năm. (Đơn vị: triệu tỷ đồng, Nguồn: VnExpress).  

Dước góc nhìn của chuyên gia và doanh nghiệp, dòng tiền nhàn rỗi trong dân sẽ còn tiếp tục trú ẩn ở nhà băng trong thời gian tới. 

TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) lý giải: “Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn nhà đầu tư sẽ chấp nhận lợi nhuận ở mức thấp hơn. Dù lãi suất tiền gửi đang hạ xuống ngưỡng 3 - 5%, song suy đi tính lại, nếu nhìn sang các kênh đầu tư khác thì hầu như cũng đều đang tắc nghẽn, không nhiều triển vọng. 

Đầu tư BĐS còn khó khăn, đầu tư chứng khoán đang nhiều rủi ro, giá vàng vừa rồi đã lên khá nhanh… Nói chung trong năm 2024, nhà đầu tư cũng khó có thể tìm kênh đầu tư thay thế tiền gửi ngân hàng nên có thể họ sẽ chấp nhận mức lãi suất thấp”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê nhận định trong nửa cuối năm 2023, người dân vẫn chủ yếu lựa chọn tiền gửi ngân hàng làm kênh đầu tư ưa thích và điều này có thể còn tiếp diễn đến hết quý I.

“Trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị còn nhiều biến động như hiện tại, sức hấp dẫn từ đầu tư BĐS là chưa đủ để kích thích dòng tiền nhàn rỗi trong dân chảy từ nhà băng sang trú ẩn tại thị trường này.

Từ quý III/2023 đến hết quý I/2024, người dân vẫn sẽ chủ yếu lựa chọn tiền gửi ngân hàng làm kênh đầu tư chính. Có 3 cơ sở để tôi đưa ra dự đoán này.

Thứ nhất, niềm tin của nhà đầu tư vào BĐS chưa hoàn toàn hồi phục. Thứ hai, các biến động, rủi ro liên quan đến yếu tố chính trị trên thế giới vẫn tác động đến nền kinh tế của các quốc gia. Cuối cùng là Fed vẫn chưa thông báo thời gian hạ lãi suất cụ thể mà chỉ dự kiến trong năm 2024 có thể hạ 3 lần.

Khi nào Fed hạ lãi suất, các ngân hàng trên thế giới hạ lãi suất, dòng tiền được bơm ra thị trường, chính trị được ổn định thì chỉ số niềm tin của người dân mới tốt lên. Lúc đấy, mọi người sẽ đầu tư sôi nổi hơn vào hoạt động kinh doanh sản xuất hay các kênh khác như BĐS, chứng khoán,... 

Trong bối cảnh khó khăn, sức hấp dẫn từ đầu tư BĐS là chưa đủ để kích thích dòng tiền nhàn rỗi trong dân chảy từ nhà băng sang trú ẩn tại thị trường này. (Ảnh: Di Anh). 

Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những giải pháp tốt hơn nữa để kích thích dòng tiền trong dân. Thực ra đôi khi không cần trực tiếp đổ vào BĐS mà chỉ cần đổ vào du lịch, tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh là đã có thể giúp cho thị trường chứng khoán, BĐS, xây dựng phát triển. 

Lý do bởi dòng tiền có sự luân chuyển sẽ giúp thu nhập của người dân gia tăng, từ đó nâng cao nhu cầu mua BĐS để ở, để đầu tư. Nói một cách ví von, dòng tiền giống như bình thông nhau, nếu đã tốt thì sẽ chảy về tất cả các lĩnh vực mà không cần định hướng quá nhiều, còn khi đã tắc nghẽn thì giống như cục máu đông bị vón lại. 

Với 1 tỷ đồng tiền nhà rỗi, khi thị trường diễn biến tốt có thể quay vòng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trong thời gian ngắn. Còn nếu trong thời kỳ khó khăn, BĐS không tốt thì sẽ chỉ là 1 tỷ đồng nằm im trong ngân hàng”, theo Chủ tịch G6 Group.

Những thách thức với dòng vốn ngoại

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh BĐS tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm 2022.  

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 1,46 tỷ USD). 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Đồ họa: H.L)

Theo ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Khu Công nghiệp, Avison Young Việt Nam, vốn FDI đăng ký có tăng, nhưng đây là mức tăng so với nền thấp của năm ngoái. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng nhưng tốc độ giải ngân không đáng kể.

Có hai vấn đề lớn của bức tranh thu hút FDI năm qua. Thứ nhất, dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhu cầu thế giới giảm, cùng với đó tồn tại một số vấn đề về ưu đãi thuế quan, con người và hạ tầng tại Việt Nam.

Thứ hai, môi trường đầu tư còn cải thiện chậm, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập hoạt động tại Việt Nam khiến kéo dài thời gian và tăng chi phí, công sức của nhà đầu tư, khiến họ mất đi động lực.

Dưới góc nhìn của chuyên gia này, 2023 là một năm của những nỗ lực ngoại giao kinh tế ở cấp Chính phủ và kêu gọi đầu tư ở cấp tỉnh. Các sự kiện nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật hay Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp BĐS công nghiệp đón làn sóng FDI lần thứ 4 trong 1 - 2 năm tới. Song, cũng không thể chủ quan bởi khó khăn kinh tế toàn cầu được dự báo còn kéo dài và một số điểm yếu về hút vốn ngoại của Việt Nam còn hiện hữu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo: "Sang năm 2024, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đối mặt với một số khó khăn nhất định. Từ ngày 1/1/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chính thức có hiệu lực. Các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Như vậy, việc chúng ta thay đổi môi trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc. Để thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS, cần xem xét đổi mới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận các thủ tục đầu tư, các ưu đãi trong việc giảm chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng công nhân.

Đồng thời, cần đẩy mạnh số hóa hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng kho dữ liệu toàn diện để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định và rút ngắn quá trình xét duyệt đưa ra quyết định đầu tư". 

Cơ hội cho Việt Nam có thể kỳ vọng đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ 4 đang được mở ra. (Ảnh minh họa: Cổng tin tức TP Hải Phòng). 

Còn theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao chi nhánh Hà Nội CBRE Việt Nam, cơ hội cho Việt Nam có thể kỳ vọng đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ 4 đang được mở ra. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Việt Nam phải sẵn sàng đảm bảo các điều kiện, yếu tố, đơn cử như như cơ sở hạ tầng, nguồn lao động trình độ cao, điện, nước,…

Đây là những thách thức cần chuẩn bị trong thời gian ngắn nhất có thể, nếu không các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể rẽ hướng lựa chọn sang những địa điểm khác ngay trọng khu vực Đông Nam Á.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào ngành kinh doanh BĐS tăng mạnh khi đạt hơn 1,27 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ). Trong đó, lượng vốn thực hiện (giải ngân) đạt 147,3 triệu USD.

Vốn kiều hối kỳ vọng khơi thông nhờ chính sách

Theo ước tính của Bộ Ngoại giao, lực lượng người Việt ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000 - 150.000 người mỗi năm. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 ở mức 14 tỷ USD. Còn Ngân hàng Nhà nước ước tính, lượng kiều hối chuyển về nước năm vừa qua sẽ tăng từ 25 - 30% so với năm 2022. 

Riêng tại TP HCM (địa phương chiếm hơn một nửa lượng kiều hối cả nước), lượng kiều hối chuyển về địa phương này trong năm 2023 đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Kiều hối về Việt Nam giai đoạn 2010 - 2023. (Nguồn: VnExpress).

Tại một sự kiện diễn ra vào đầu tháng 1, bà Đinh Lê Hạnh, Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê Group (doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản công nghiệp) đã nhận định kiều hối là dòng vốn rất quan trọng dành cho bất động sản và có sở hữu yếu tố lợi thế hơn cả vốn FDI.

Bà Hạnh đưa ra sự so sánh: “Vốn kiều hối là dòng tiền nhàn rỗi do người lao động tích lũy và gửi từ nước ngoài về quê hương. Trong khi đó, vốn FDI tuy cũng rất quan trọng, song cần lưu ý đó không phải nguồn vốn của chúng ta mà là vốn đầu tư của nước ngoài. Họ hoàn toàn có thể rút vốn bất cứ lúc nào khi không còn muốn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

Tôi cho rằng cần có giải pháp để Việt kiều yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Nếu ở nước sở tại, tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 1 - 2% thì sang Việt Nam là 5 - 8%, đây là yếu tố hấp dẫn giúp thu hút đầu tư.

Bất động sản là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân, chắc chắn ai có tiền cũng sẽ nghĩ đến việc đầu tiên là mua nhà. Do đó phải làm sao để nhà đầu tư cảm thấy an toàn với kênh bất động sản”.

Với Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua trong tháng 1/2024, quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đến BĐS của người gốc Việt Nam định cư tại nước ngoài được Chứng khoán VNDirect đánh giá sẽ giúp tăng khả năng thu hút kiều hối đổ về Việt Nam.

Còn về nội dung bổ sung quy định các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể nhận chuyển nhượng dự án, Chứng khoán MB nhận định sẽ giúp mở rộng quyền cho người Việt Nam định cư có thể mua nhà tại Việt Nam.

Với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua vào tháng 11/2023, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chính sách dành cho Việt kiều của Việt Nam đã có độ mở rất lớn với việc cho phép họ sở hữu, kinh doanh bất động sản.

Thời gian tới, lực lượng này có thể chủ động mua, sở hữu nhà một cách chủ động. Đây là điều tạo ra sự bình đẳng giữa các Việt kiều có hộ khẩu tỉnh ở Việt Nam với người dân trong nước. Lực lượng Việt kiều có tài sản lớn, có thêm sự tham gia của họ sẽ giúp thị trường bất động sản có động lực tăng trưởng.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng nhận định chính sách trong nước đang có xu hướng cởi mở tích cực đối với cộng đồng khoảng 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. 

"Lúc đầu chúng ta chỉ giới hạn mỗi Việt kiều sở hữu một nhà, sau đó lại mở tiếp khi cho phép kinh doanh bất động sản. Còn hiện nay, với luật mới, Việt kiều sẽ được kinh doanh bất động sản như người trong nước, không giới hạn quyền sở hữu, không giới hạn số lượng kinh doanh.

Đây là cơ hội cực tốt để tiếp thu dòng vốn từ Việt kiều. Lưu ý rằng, so với tổng tài sản của khoảng 100 triệu dân trong nước thì 5 triệu Việt kiều ở nước ngoài sở hữu lượng tài sản bằng khoảng 40%", ông Phong nói.