Điện ảnh và làn sóng tôn vinh hồn cốt Việt

Những giá trị văn hóa Việt là cảm hứng cho nhiều nhà làm phim. Nhưng mảnh đất đó lại quá ít người vun xới, dẫu nó vẫn còn trống trải. Bởi hái trái ngọt ở mảnh đất này là thách thức không nhỏ, đòi hỏi cái  tầm và một tình yêu mãnh liệt với di sản cha ông.

dien anh va lan song ton vinh hon cot viet

Điện ảnh hóa cải lương: Đi lên từ sự khốn đốn

Chuẩn bị ra rạp vào ngày 17-8 tới, "Song lang" của đạo diễn Leon Quang Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lấy bối cảnh thập niên 70 của thế kỷ trước - thời kỳ cải lương cực thịnh ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Trên bối cảnh này, những gánh hát với đào, kép được tái hiện sống động. Bên cạnh vai chính là Isaac, "Song lang" còn có sự tham gia của diễn viên Tú Quyên, Kim Phương, Minh Phượng, Kiều Trinh…

Ngày nhỏ, nhà Leon Quang Lê ở cạnh rạp cải lương Minh Châu. Dù ra nước ngoài sinh sống từ năm 13 tuổi, anh vẫn đắm chìm trong nhịp song lang, tiếng đờn kìm qua những băng cát- sét mà hoài vọng cố hương. Mang theo tình yêu ấy, anh trở về với bộ phim đầu tay mình ấp ủ để ra mắt nhân dịp bộ môn cải lương tròn 100 tuổi.

dien anh va lan song ton vinh hon cot viet
Phim "Song lang" tái dựng thời kỳ cực thịnh của cải lương miền Nam

Lúc đầu, Leon dự định mời nghệ sĩ cải lương đóng chính để truyền tải đúng tinh thần bộ phim nhưng ở những phân đoạn điện ảnh, họ lại diễn xuất không đạt nên buộc anh phải để diễn viên đảm nhận và mời nghệ sĩ cải lương dạy họ cách ca. "Tôi khuyến khích các bạn diễn viên trẻ trò chuyện tâm sự với những nghệ sĩ gắn bó một đời với sân khấu để hiểu tâm tư, tình cảm của họ, hình dung về sân khấu một thời. Từ đó mà thổi hồn vào nhân vật, tái hiện lại thuở vàng son mà các bậc tiền bối đã hết lòng nhả tơ" - Leon Quang Lê bộc bạch.

Cũng khai thác một thuở lẫy lừng của cải lương, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sẽ bấm máy bộ phim "Gạo chợ nước sông" vào tháng 9 này. Chọn đề tài xưa cũ khó nhằn để đua chen với dòng phim thương mại thiên về câu chuyện hiện đại, trẻ trung, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vẫn rất tự tin và tâm huyết. Để xây dựng bộ phim một cách chân thực từ bối cảnh, phục trang, âm nhạc, tuồng tích..., anh bỏ một thời gian dài theo các đoàn hát. Chuẩn bị kỹ lưỡng là vậy nên anh đặt rất nhiều kỳ vọng vào "Gạo chợ nước sông": "Thông qua bộ phim, tôi muốn khán giả hiểu về cải lương, tự hào và yêu cải lương hơn" .

Với diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, việc đưa nghệ thuật cải lương lên màn ảnh rộng thực sự là một bài toán khó. Nhưng từ thành công của hai bộ phim tôn vinh giá trị truyền thống do cô sản xuất là "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" (khai thác đề tài cổ tích) và "Cô Ba Sài Gòn" (tôn vinh chiếc áo dài), người ta hy vọng "Song lang", "Gạo chợ nước sông" sẽ làm nên chuyện.

Nếu so với "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Cô Ba Sài Gòn" tạo được hiệu ứng tốt hơn bởi nhờ phim, nhà nhà người người phát sốt với chiếc áo dài. Phong cách mặc áo dài theo phom dáng xưa, trang điểm theo kiểu quý cô Sài Gòn thập niên 60 không chỉ trở thành xu hướng thu hút giới trẻ mà còn chinh phục cả quý bà.

So với các bộ phim điện ảnh khai thác về di sản văn hóa dân tộc thì "Cô Ba Sài Gòn" rất thành công. Bởi ở đó không chỉ tôn vinh áo dài một cách chung chung, hời hợt như các phim giải trí thông thường, cũng không cứng nhắc và đồ sộ tư liệu như phim tài liệu mà nó lồng trong đó câu chuyện xúc động về quá trình trưởng thành và tình yêu áo dài của nhân vật Như Ý.

Bộ phim truyền tải rất nhiều kiến thức thời trang cùng những gì tinh hoa nhất của chiếc áo dài. Cách làm ra một bộ áo dài đẹp ra sao, vai trò quan trọng của nó trong đời sống tinh thần người Việt, quá trình lưu giữ áo dài giữa làn sóng thời trang Âu hóa … được lồng ghép nhẹ nhàng, thuyết phục.

"Mẹ chồng" của đạo diễn Lý Minh Thắng lại chọn vẻ đẹp của chiếc áo bà ba. Phim lấy bối cảnh miền Tây đầu thế kỷ XX, khai thác quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhưng nó là bộ phim thời trang đúng nghĩa. Chiếc áo bà ba trong phim được cách tân, tạo nên màu sắc khác biệt khi giao thoa văn hóa Đông - Tây, kim - cổ. Với cách làm táo bạo này, Lý Minh Thắng ấp ủ tham vọng như phim "Cô Ba Sài Gòn" từng làm được: đưa tà áo bà ba trở lại nhịp sống hiện đại, phối hợp ăn ý cùng các trang phục khác.

Phim Việt ngày càng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Thế nhưng, những điều gần gũi làm nên ngàn năm văn hiến lại rất ít khi xuất hiện trên màn ảnh rộng. Màn bạc vẫn chuộng những khuôn hình hiện đại, sang chảnh và lắm yếu tố ngoại lai. Ở điểm này, chúng ta thua xa nước bạn. Họ có cách để đưa văn hóa, đặc sản xứ mình đến với bạn bè ngoài biên giới.

dien anh va lan song ton vinh hon cot viet
Từ thành công của "Cô Ba Sài Gòn", các nhà làm phim mạnh dạn hơn khi đưa văn hóa truyền thống lên màn bạc.

Xem phim Hàn Quốc, người ta không khỏi ao ước được một lần thử kim chi; xem phim Nhật thì thèm lắm mì udon, món susi trứ danh… Những phim khai thác sâu về ẩm thực hay một di sản văn hóa của riêng đất nước họ đều vô cùng cuốn hút.

Lúc ấy, họ coi quốc hồn quốc túy là xương sống của bộ phim, còn yếu tố hài hước, hành động, tâm lý… chỉ là yếu tố phụ. Còn phim Việt lâu nay vẫn coi yếu tố văn hóa là phụ, làm nền cho nội dung chính hoặc mảng miếng không mấy liên quan hòng hút khách. Nhắc về phở, người ta nhớ nó được nhắc loáng thoáng trong phim truyền hình "Mùi ngò gai" và phim điện ảnh "Kungfu phở".

Thế nhưng cả hai phim đều không khiến người xem ngưỡng mộ và muốn thưởng thức ẩm thực Việt. Cách chế biến một tô phở, phở ngon ở điểm nào, tinh tế ra sao, tại sao phở được chọn là món ăn đặc trưng của dân tộc... đều không được đề cập. Cho nên không lạ khi người trẻ Việt lại am hiểu văn hóa nước bạn trong khi mù mờ văn hóa nước nhà.

Thời gian gần đây, số lượng phim lấy yếu tố truyền thống làm cảm hứng bắt đầu xuất hiện nhiều. Thật ra khán giả không hề thờ ơ với những bộ phim chọn đề tài này. Chỉ là bởi những bộ phim ấy chưa đủ "đô". Thử nhìn "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (Victor Vũ) sẽ thấy rõ sức hút của di sản cha ông dù nó chỉ là điểm xuyết. Đêm trung thu rước đèn ông sao, chuyện cóc gọi mưa, trò chơi dân gian trẻ nhỏ… khiến người ta nhớ một thuở ấu thơ nơi làng quê yên bình. Đầu năm 2017, "Dạ cổ hoài lang" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng in đậm trong tâm trí người xem sự da diết, nỉ non của bản "Dạ cổ hoài lang" của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Người ta xúc động bởi chưa khi nào âm nhạc đậm bản sắc Việt lại hiện rõ trên màn ảnh rộng đến thế.

Tuy nhiên, đề tài này vẫn là lối đi hẹp nhiều thách thức. Nhà sản xuất vốn chuộng phim khai thác thể loại quen thuộc như ngôn tình, hài hước, hành động, kinh dị… vì nó đảm bảo ăn khách chứ không mặn mà phim tâm lý xã hội tôn vinh văn hóa Việt. Bằng chứng là "Song lang", "Gạo chợ nước sông" liên tục bị họ từ chối. Khi gõ cửa nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, Leon Quang Lê bảo mình gần như đã hết hy vọng thì thật may cô đồng ý.

Một chướng ngại vật khó nhằn nữa chính là kịch bản và bối cảnh. Kịch bản hay về di sản văn hóa rất hiếm vì vừa phải đảm bảo cái chất truyền thống nhưng vẫn phải bắt kịp nhịp sống hiện đại. Bối cảnh cũng là bài toán khó. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh rất vất vả khi tìm kiếm không gian để phục dựng Sài Gòn thập niên 70. Cuối cùng anh chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để dựng bối cảnh. Việc dựng bối cảnh khiến kinh phí dự kiến ban đầu là 8 tỉ đồng đội lên đến 14 tỉ đồng.

Dù vậy, trước làn sóng ngoại lai xâm nhập ngày càng mạnh mẽ trong điện ảnh, lòng tự tôn dân tộc đánh vào tự trọng nghề nghiệp của những người làm phim Việt Nam. Đạo diễn Lý Minh Thắng tâm niệm: "Đi nhiều nơi, tôi thấy yếu tố văn hóa truyền thống rất được các nước bạn coi trọng. Thế nên, trở về nước tôi luôn ấp ủ theo đuổi những giá trị truyền thống, bởi lỡ như các bạn trẻ sau này không còn ai nhắc nhớ tới nữa thì uổng phí lắm. Tất nhiên, tôi không xa rời số đông, nhưng phải có định hướng rõ ràng để khán giả có thể chắt lọc và chọn lựa những cái đẹp, cái hay của văn hóa truyền thống. Đưa các yếu tố văn hóa vào điện ảnh là cách gây hiệu ứng khá tốt trong việc chuyển tải những giá trị đó đến công chúng, nhất là giới trẻ".

Cùng con đường, đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh tự hào với mục tiêu trở thành đạo diễn chuyên làm văn hóa của Việt Nam. "Sau phim "Gạo chợ nước sông" khai thác về cải lương, tôi sẽ triển khai các dự án phim về ca trù, ca Huế" - Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

dien anh va lan song ton vinh hon cot viet Điện ảnh Việt hết thời 'ngôi sao phòng vé'

Qua rồi thời “ngôi sao phòng vé” làm bá chủ rạp chiếu. Điện ảnh Việt xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt mới...

dien anh va lan song ton vinh hon cot viet Phim điện ảnh Việt tung nhiều 'chiêu' để tận thu

Giảm giá vé, tung phim lên YouTube là cách mà nhiều nhà làm phim đang áp dụng.

dien anh va lan song ton vinh hon cot viet Điện ảnh Việt Nam nửa đầu 2018: Tiền chưa nhiều và tài vẫn ít

Các bộ phim Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay có một vài điểm sáng về mặt doanh thu. Nhưng không có cái tên ...

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.