Doanh nghiệp bất động sản miệt mài săn đất chờ ngày 'băng tan'

Dù có chung góc nhìn rằng bất động sản chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, từ đầu năm đến nay, giới doanh nghiệp vẫn đang ráo riết tìm kiếm những cơ hội đầu tư trên cả nước nhằm gia tăng quỹ đất cho riêng mình, sẵn sàng bung sức cho “ngày về” của thị trường.

Thị trường BĐS đang ở trong những ngày ảm đạm. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Chưa thể “rã đông” trong ngắn hạn

Sau giai đoạn bùng nổ và tăng trưởng nóng, từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng thấy. Thanh khoản gần như đóng băng, sức khoẻ tài chính của các chủ đầu tư đi xuống khi phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ tín dụng, trái phiếu và khách hàng.

Quý đầu năm 2023, thị trường vẫn trầm lắng song đã có phần dễ thở hơn sau một số động thái hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn ứng xử một cách thận trọng về triển vọng thị trường thời gian tới.

Dưới góc nhìn của những doanh nghiệp đầu ngành như Cenland, Nam Long hay Hà Đô, với bối cảnh như hiện nay, giai đoạn khó khăn của BĐS sẽ còn kéo dài sang 2024 và 2025, bởi các chính sách tháo gỡ cho thị trường sẽ chưa thể hiệu quả ngay lập tức.

Lạc quan hơn, lãnh đạo Vinhomes hay Đất Xanh thì cho rằng từ quý IV năm nay và 1 – 2 năm tới, thị trường sẽ bắt đầu hồi phục… Dù không phải một sớm một chiều, giới doanh nghiệp nhìn chung vẫn có niềm tin vào ngày về của BĐS.

Từ giờ cho đến thời điểm đó, doanh nghiệp không chỉ tìm cách thích nghi với khó khăn, mà còn phải xây dựng cho riêng mình những nền tảng mới để sẵn sàng “bung sức”, bao gồm cả kế hoạch gia tăng quỹ đất.

Khốc liệt cuộc đua tìm quỹ đất

Đất Xanh đã lên kế hoạch tìm kiếm 100 - 200 ha đất để thực hiện dự án trong giai đoạn 2024 – 2025. Phát Đạt cho biết sẽ gom thêm đất tại Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai. Trong khi đó, các tập đoàn đa ngành như Sao Mai, Damsan, PC1… cũng không giấu tham vọng tương tự.

Theo thống kê của người viết, tính từ 1/1 – 15/5, trên cả nước có tổng cộng 65 dự án BĐS đã được các tỉnh thành phát thông báo tìm chủ. Trong đó, có 35 dự án có nhà đầu tư đăng ký thực hiện (chiếm khoảng 54%).

Làn sóng dịch chuyển đầu tư về vùng ven Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Như Hà Nam, từ dầu năm tỉnh này mời gọi 12 dự án và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn như Vegetexco (thành viên T&T), Bitexco, Icon 4, TSG Group hay Mặt Trời Hà Nam.

Ở Thái Bình, 6/7 dự án tìm chủ đã có nhà đầu tư đăng ký, một vài cái tên lớn có thể kể đến là Dragon Group, BID Group, Eurowindow. Tại Bắc Giang, Capital House đăng ký 2 dự án hơn 1.300 tỷ. Các dự án ở Hải Phòng thì lọt tầm ngắm của Vinhomes, Bất động sản Mỹ, PG Invest.

Khu vực Tây Nam Bộ dù không mời đầu tư nhiều, song các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thu hút những thương hiệu như Ecopark hay Mặt Trời Hạ Long.

Trong khi đó, các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ lần lượt đón các ông lớn như Mipec,Đất Xanh, Tân Á Đại Thành và những nhà đầu tư quy mô nhỏ hơn như Địa ốc Kim Thi, Teelhomes hay NNP Invest…

 Đây là giai đoạn lý tưởng để doanh nghiệp mở rộng quỹ đất. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Trước những động thái trên, ông Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc bộ phận Phát triển Kinh doanh Colliers Việt Nam đánh giá, đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất.

“Doanh nghiệp BĐS luôn tìm cách mở rộng quỹ đất, đây là xu hướng bình thường theo quy luật kinh tế thị trường trong mọi giai đoạn. Ngày cả khi thị trường khó, những nhà đầu tư thông minh vẫn sẽ tìm thấy cơ hội.

Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ dần rã đông trong ngắn hạn vào cuối quý III và đầu quý IV/2023, khi một số chính sách hỗ trợ về tiền tệ và pháp lý của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đi vào thực tiễn.

Dòng vốn nước ngoài đang bắt đầu có xu hướng giải ngân sau thời gian dài nghiên cứu cơ hội đầu tư. Khi mà quỹ đất đẹp ngày càng khan hiếm nhiều doanh nghiệp cân nhắc bán bớt tài sản để giải quyết vấn đề thanh khoản thì đây chính là cơ hội tốt để các “tay chơi” mới mở rộng quỹ đất của mình.

Bên cạnh những động lực trước mắt, thị trường BĐS vẫn đầy tiềm năng tăng trưởng về dài hạn. Thành công của những tập đoàn lớn như Vinhomes hay Ecopark tại Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An... cho thấy dư địa phát triển ở những tỉnh ngoài Hà Nội và TP HCM vẫn còn nhiều.

Có thể nói, bất cứ khu vực nào, dù là các đô thị vệ tinh hay những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, hạ tầng giao thông phát triển mạnh thì luôn là nơi tìm về của giới doanh nghiệp”, vị chuyên gia chia sẻ.

Sau cơn “đại hồng thuỷ” sẽ có thêm “cá mập”?

Đồ hoạ: Alex Chu.

Cuộc chơi quỹ đất không dành riêng cho các doanh nghiệp BĐS đầu ngành. 5 tháng đầu năm, thị trường đón nhận làn sóng săn đất từ những công ty đa ngành (vốn không chuyên BĐS) như Hoà Phát, Sao Mai, Mipec, Dầu khí Nam Sông Hậu… hay cả những doanh nghiệp top dưới chưa có nhiều tên tuổi.

Theo ông Hoàng, bối cảnh thị trường khó cũng chính là cơ hội cho tất cả những công ty có dòng tiền ổn định, mô hình quản trị tốt để tiếp tục giành thị phần và phát triển.

“Nền kinh tế luôn chuyển động không ngừng. Nếu các công ty nhỏ hơn hoặc thậm chí ngoài ngành có nền tảng tài chính, quản trị tốt và đặc biệt là có những sản phẩm BĐS tốt, đáp ứng được nhu cầu ở thực của đại đa số người mua nhà thì sẽ dễ dàng cạnh tranh được với các ông lớn khác ở trong ngành.

Tuy vậy, tôi thấy rằng đã qua rồi thời điểm có thể tăng trưởng nóng. Thị trường đang dần tái cấu trúc và thị phần sẽ dành cho những chủ đầu tư nghiêm túc và có chiến lược đầu tư đúng đắn, dài hạn”, lãnh đạo Colliers nhìn nhận.

Đó cũng chính là quan điểm của ông Lương Trí Thìn. Dưới góc độ là doanh nghiệp đầu ngành, Chủ tịch Đất Xanh đánh giá cơn “đại hồng thuỷ” với thị trường BĐS tạo nên sự thanh lọc lớn trong giới doanh nghiệp.

“Năm 2023, thị trường bất động sản nói chung vẫn còn khó khăn, qua đó để chúng ta thấy rằng thị trường có lên - có xuống và sự thanh lọc rất lớn đang diễn ra hiện nay.

Đây cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn nhận lại thị trường, nhìn nhận lại chiến lược phát triển. Khi thị trường thanh lọc cũng là cơ hội để những doanh nghiệp đủ bản lĩnh, đủ khát vọng đi xuyên qua khó khăn. Và đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp kịp thời thích ứng, thay đổi và sáng tạo để đi kịp với xu hướng mới.

Giai đoạn từ cuối quý III - IV/2023 đến 2025 là cơ hội mới cho những doanh nghiệp có chiến lược bền vững”, ông Lương Trí Thìn chia sẻ tại ĐHĐCĐ Đất Xanh mới đây.