Đồng sàng dị mộng ở Trung Nguyên

Những gì ông Vũ phản ứng với bà Thảo tại phiên tòa li hôn của hai vợ chồng từng cùng khổ xây nên đế chế cà phê Trung Nguyên, những gì bà Thảo dù ngậm ngùi hay bực tức "trả đũa" ông Vũ, dễ nhận ra việc "đứt gánh" là sự đồng sàng dị mộng ở doanh nghiệp mà họ dành cả thanh xuân vun đắp.

Sau gần 4 năm tranh chấp, khoảng 10 lần hòa giải, 5 lần mở phiên tòa rồi hoãn vì các bên liên quan vắng mặt, ngày 20/2/2019, phiên tòa xét xử li hôn, tranh chấp tài sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, 2 người sáng lập đế chế cà phê Trung Nguyên, được mở xét xử công khai. Và sau 3 lần hoãn tuyên án, tại phiên tòa ngày 27/3, cuộc hôn nhân 21 năm của họ chính thức dừng lại, khi tòa tuyên bố thuận tình li hôn, bởi cả hai đã không thể hàn gắn mâu thuẫn.

Sau phiên tòa, bà Thảo rớt nước mắt ra về với tâm trạng uất ức. Bà cho rằng phán quyết của tòa là bất công với mình và các con. Dù số tài sản chung trong quá trình hôn nhân của hai vợ chồng, bà được chia 40%, ông Vũ sở hữu 60% căn cứ quá trình tạo lập, đóng góp.

Trung Nguyên và hai nhà điều hành "đồng sàng dị mộng"

Trong các phần tranh luận của mình cũng như trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ thường nhắc câu chuyện Trung Nguyên phải là tập đoàn toàn cầu, có ảnh hưởng lớn như các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Chiến lược ông xây dựng, phát triển Trung Nguyên ngay từ khi thành lập là không chỉ có kinh doanh, mang lại lợi nhuận mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, trả nghĩa cho nông dân trồng cà phê, phát triển ngành cà phê Việt Nam, cũng như hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, làm giàu với chí lớn.

Ông Vũ khẳng định để làm được như vậy thì Trung Nguyên phải thay đổi cách thức vận hành, thoát khỏi cái bóng cũ của mình. Muốn Trung Nguyên phát triển thì người lãnh đạo phải có tầm nhìn, có sách lược điều hành, quản lí doanh nghiệp, không thể kinh doanh theo tư tưởng con buôn, chỉ thấy lợi trước mắt.

Đồng sàng dị mộng ở Trung Nguyên - Ảnh 1.

Sự khác biệt trong tầm nhìn, chí hướng với hoạt động tương lai của Trung Nguyên đã đẩy ông hai người cùng chung vai sát cánh ngày nào sang hai chiến tuyến.

"Làm kinh tế thì phải phụng sự, có cho mới nhận. Nếu không thì giàu có rồi cũng không tồn tại được, vì nó không đúng quy luật phát triển", ông Vũ khẳng định.

Nói điều này, ông thẳng thắn cho rằng chính bà Thảo đã cản trở hướng phát triển của Trung Nguyên, khiến doanh nghiệp này "bị nghẽn" nhiều năm không theo những sách lược đã định. Và đó chính là lí do ông muốn vợ rút lui khỏi Trung Nguyên, để ông toàn tâm toàn ý điều hành doanh nghiệp.

Dễ hiểu sự khó cảm thông, chia sẻ của bà Thảo khi ông Vũ nghĩ lớn và làm lớn. Thời gian đầu khi lập nghiệp, mục tiêu chung của hai người là làm cho Trung Nguyên phát triển. Nhưng khi Trung Nguyên trở nên giàu có, ông Vũ muốn xây dựng Trung Nguyên thành tập đoàn toàn cầu, có ảnh hưởng và phải có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Ông nói mình đi lên từ nghèo khó, nên khi doanh nghiệp lớn mạnh thì khát vọng của ông là giúp đỡ mỗi người, mỗi gia đình, để những người khó khăn, nghèo khổ cùng được hạnh phúc.

"Trung Nguyên kiếm thêm mỗi năm vài trăm tỉ cũng không là gì cả nếu không có trách nhiệm với cộng đồng", ông Vũ khẳng định.

Thực tế mong muốn của ông Vũ không lạ với nguyên lí phát triển của các doanh nghiệp lớn từ xưa nay trên thế giới, và ngay cả các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Nhưng…

Đồng sàng dị mộng ở Trung Nguyên - Ảnh 2.

Vụ li hôn của 2 người sáng lập đế chế cà phê Trung Nguyên với những ồn ào, tranh chấp hơn 3 năm đã khép lại với khối tài sản hơn 8.000 tỉ đồng được tòa tuyên chia theo tỉ lệ 60% cho phần đóng góp của ông Vũ, 40% cho công sức của bà Thảo.

Phụ nữ luôn muốn "nắm chắc", nhìn thấy tài sản mình làm ra một cách cụ thể, hiện hữu chứ không tin vào lợi nhuận có thể có ở tương lai. Ở đây, bà Thảo không muốn nhìn Trung Nguyên thất bại vì cách nghĩ lớn, làm lớn, phụng sự quốc gia, dân tộc của ông Vũ khiến bà thấy mông lung. Trung Nguyên phá sản, thua lỗ bà sẽ trắng tay, các con mất tất cả sản nghiệp do cha mẹ gây dựng.

Trong hướng kinh doanh của mình, bà Thảo muốn biết cụ thể hiện tại doanh nghiệp có bao nhiêu tiền, hàng tháng, hàng năm tạo ra lợi nhuận với con số cụ thể. Và điều này khiến bà không tin vào con đường ông Vũ đi, không chia sẻ với ông Vũ bởi bà thấy mạo hiểm. Bà muốn Trung Nguyên phát triển chắc chắn, tạo ra con số tăng trưởng cụ thể theo thời gian cụ thể. Bà không tin con số hàng tỉ đô mà Trung Nguyên dự kiến bỏ ra cho chương trình "Hành trình từ trái tim – Hành trình lập chí vĩ đại –Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu Thanh Niên Việt", bỏ lợi nhuận hàng nghìn tỉ cho việc xây dựng thủ phủ cà phê..., bởi nó quá lớn.

Nhưng ông Vũ nói rằng số tiền đó để thực hiện những công việc phát triển cụ thể cho cộng đồng trong 5 năm, cho cộng đồng cái cần câu như thế, nếu tính kĩ cho sự phát triển, ảnh hưởng của Trung Nguyên, thì hoàn toàn đáng đầu tư.

Mục đích cuối cùng vẫn là Trung Nguyên?

Nhận định của Hội đồng xét xử, bà Thảo là người tài giỏi, thông minh. Vừa nuôi con, bà vẫn không dừng tham gia điều hành phát triển Trung Nguyên, đồng thời xây dựng, phát triển thương hiệu riêng hiệu quả, lớn mạnh.

Tại tòa, bà Thảo cũng luôn chia sẻ bà lo cho sự phát triển của Trung Nguyên, lo Trung Nguyên bị rơi vào tay người khác. Thậm chí trong phiên xử ngày 21/2, sau khi nghe chủ tọa phân tích, bà Thảo bất ngờ xin rút đơn li hôn, với nhắn nhủ: Nếu ông Vũ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, không mang tài sản, không để Trung Nguyên rơi vào tay người khác.

Đồng sàng dị mộng ở Trung Nguyên - Ảnh 3.

Từ 2015 đến nay, cá nhân bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã và đang phát sinh 18 vụ kiện tụng tại toà án các cấp.

Trong phần tranh luận khi đề nghị phân chia tài sản cổ phần tại các công ty thuộc Trung Nguyên, đại diện bà Thảo cũng chia sẻ việc đề xuất chia như tỉ lệ mong muốn, là để đảm bảo quyền chi phối tại Trung Nguyên. Bà còn nói với ông Vũ: "Đàn ông đại trượng phu là cho hết vợ con, đi xây dựng cái mới".

Trong khi đó, ông Vũ cũng bằng mọi giá không để Trung Nguyên "ra sao thì ra". Trả lời phóng viên, ông nói: "Qua giữ Trung Nguyên như giữ con ngươi của mắt mình". Trả lời bà Thảo, ông khẳng định: "Cô muốn lấy cái gì thì cứ lấy hết đi, nhưng Trung Nguyên phải là của tôi. Cái gì không phải của mình thì dù có giành cũng không giữ được".

Trước khi câu chuyện li hôn của vợ chồng vua cà phê gây sóng gió nhiều năm qua, người ta đã từng nhớ tới Trung Nguyên với niềm tự hào và kiêu hãnh. Đây là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi từ rất sớm đã vươn ra thế giới, đưa cà phê xuất khẩu đi 60 quốc gia, bao gồm cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông. Tập đoàn này đã duy trì vị trí đứng đầu trong mảng cà phê rang xay với mức gia tăng thị phần từ 54% năm 2010 lên 59% năm 2015.

 Năm 2013, ông Vũ từng chia sẻ Trung Nguyên đặt mục tiêu đạt doanh thu tỉ đô năm 2016.

Theo thông tin tại tòa, Trung Nguyên do ông Vũ cùng gia đình sáng lập năm 1996. Từ kinh doanh cà phê, tập đoàn này mở rộng sang một số lĩnh vực khác như du lịch, đầu tư… Hiện Trung Nguyên có 9 công ty trực thuộc, 200 quán cà phê trong chuỗi Trung Nguyên Legend. 

Đứng đầu trong hệ sinh thái Trung Nguyên là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), doanh nghiệp được thành lập năm 2006, do ông Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại liên quan đến thương hiệu Trung Nguyên, như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê hòa tan Trung Nguyên, Trung Nguyên franchise và Trung Nguyên International (Singapore)…

Số liệu kiểm toán trong các năm gần đây cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn, tranh chấp nhưng  Trung Nguyên vẫn tăng trưởng tốt. Tài liệu kiểm toán các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 cho thấy lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên đều ở mức trên 650 tỉ đồng.

Đồng sàng dị mộng ở Trung Nguyên - Ảnh 4.

Không ai chiến thắng trong vụ li hôn nhiều ồn ào nhưng cũng nhiều tiếc nuối của 2 doanh nhân tài giỏi...

Riêng năm 2017, theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận gộp của Trung Nguyên trong năm này vẫn tương đương những năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 11% so với năm 2016, và giảm gần một nửa so với kết quả năm 2014.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Tập đoàn Trung Nguyên thể hiện năm 2017, Tập đoàn Trung Nguyên đã chia cổ tức 1.000 tỉ đồng cho các cổ đông, trong đó 500 tỷ dưới dạng tiền mặt và 500 tỷ đồng cổ phiếu. Báo cáo này cũng cho thấy phần cổ tức ứng với sở hữu của ông Vũ trong năm gần nhất là 200 tỉ đồng, trong khi cổ tức mà bà Thảo nhận được là 100 tỉ đồng (bao gồm một nửa là tiền mặt và một nửa là cổ phiếu).

Qua nhiều năm kiện tụng, Trung Nguyên vẫn là một trong 20 tập đoàn lớn nhất của người Việt hiện nay. Chỉ riêng khối tài sản được xác định hơn 8.000 tỉ đồng cùng hàng chục bất động sản giá trị trải dài khắp nước, được xác định không thế chấp tại bất cứ tổ chức nào, đã thể hiện tiềm lực mạnh mẽ, vững chắc của doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh doanh cà phê.

Bảo vệ cho ông Vũ, luật sư Trương Thị Hoà cho rằng bà thấy rất buồn khi không hoà giải được hai bên. "Bước chân vào nghề luật sư 50 năm, nhưng lần đầu tiên tôi tham gia một vụ án li hôn được rất nhiều người quan tâm. Tôi hi vọng bản án li hôn này có thể giúp cho mọi người là chồng là vợ nhìn nhận lại", luật sư Hòa nói.

Luật sư Hoà cũng gửi gắm mong muốn ông Vũ và bà Thảo là những doanh nhân, sau li hôn này không ngày càng cách xa hơn.


Số phận pháp lí của khối tài sản khủng thuộc "đế chế Trung Nguyên"? Số phận pháp lí của khối tài sản khủng thuộc 'đế chế Trung Nguyên'? Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đã đến tòa rồi thì tranh chấp ở Trung Nguyên phải chấm dứt, kiện mãi không ai làm ăn đượcÔng Đặng Lê Nguyên Vũ: Đã đến tòa rồi thì tranh chấp ở Trung Nguyên phải chấm dứt, kiện mãi không ai làm ăn được Cửa hàng cà phê Trung Nguyên đầu tiên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Sài Gòn giờ ra sao?Cửa hàng cà phê Trung Nguyên đầu tiên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Sài Gòn giờ ra sao?


chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.