Đức Tuấn làm mới 'Dã Tràng Ca' nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Dù là giọng ca thể hiện thành công nhiều tuyệt tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng Dã Tràng Ca sẽ là bản ghi âm chính thức một ca khúc nhạc Trịnh của ca sĩ Đức Tuấn.

Bản gốc Trường ca Tiếng hát Dã Tràng hay Dã Tràng Ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dài hơn 20 phút. Tuy nhiên, với bản ghi lần này, Đức Tuấn cùng với nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã soạn lại cho tác phẩm này gọn gàng hơn với gần 12 phút và cũng nhịp nhàng, hoành tráng, mang hơi thở của âm nhạc đương đại hơn. 

Về hình ảnh, với sự giúp sức từ "nhà Huế học" Nguyễn Đắc Xuân, Đức Tuấn đã có được những bức ảnh vô cùng quý giá của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông còn rất trẻ, ở gần với thời điểm được cho là đã sáng tác nên Dã Tràng Ca

Đức Tuấn làm mới Dã Tràng Ca nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 1.

Ca sĩ Đức Tuấn

Ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ: "Tôi chủ đích chọn một tấm ảnh rất đẹp, rất trẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm bìa đĩa đơn Dã Tràng Ca bởi tôi không chỉ muốn người hâm mộ được nghe một tác phẩm rất tiêu biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trai trẻ mà còn được nhìn ngắm ông trong dung mạo của một thanh niên với ánh mắt ấm áp, cương trực cùng gương mặt thông minh, thanh tú. Tôi tin rằng nhạc Trịnh luôn trẻ, tràn đầy sức sống cùng những lí tưởng và thông điệp không bao giờ xưa cũ mà người nghe sẽ thấy rõ điều đó qua ấn phẩm Dã Tràng Ca lần này".      

Trong danh mục hơn 600 tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác lúc sinh thời, Dã Tràng Ca là một tác phẩm khá bí ẩn. Cho dù đã được biết đến và công khai văn bản từ lâu, đây vẫn là một tác phẩm mà đa số công chúng chưa được biết đến, chưa từng nghe, thậm chí không có một hình dung nào về nó. Trong khi những người đã từng may mắn chứng kiến sự ra đời của tác phẩm này, thì cũng chỉ còn nhớ về Dã Tràng Ca một cách không đầy đủ, và có phần mơ hồ.

Sở dĩ như vậy là bởi Dã Tràng Ca ngay lúc mới được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác, chỉ được trình diễn đúng một lần, mà thời gian trình diễn đến nay cũng được nhớ lại một cách chưa đầy đủ. Có người nhớ là năm 1962, có người nói năm 1964, còn gia đình nhạc sĩ lại cung cấp năm ra đời là 1963. Sự mập mờ về thời gian ra đời ấy lại càng phủ lên tác phẩm này một màn sương huyền thoại. Và từ khi văn bản của Dã Tràng Ca được đưa lên Internet – khoảng năm 2001-2002 – đã có nhiều người hâm mộ nhạc Trịnh mong muốn tác phẩm này được dàn dựng lại, để chân dung âm nhạc của Trịnh Công Sơn được hoàn thiện rõ ràng hơn. 

Vào năm 2009, ca sĩ Ánh Tuyết đã dàn dựng và biểu diễn Dã Tràng Ca tại Nhà hát Hòa Bình trong dịp giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ đó, trường ca này, toàn vẹn hoặc trích đoạn, cũng thường được một số người yêu nhạc Trịnh, người ca hát nghiệp dư thu âm hoặc biểu diễn. Và lần này, với bản thu âm của ca sĩ Đức Tuấn, Dã Tràng Ca đã được thu âm chuyên nghiệp và phát hành đến công chúng.

Đức Tuấn làm mới Dã Tràng Ca nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 2.

Bìa single Dã Tràng Ca của ca sĩ Đức Tuấn

Những mầm mống cho Dã Tràng Ca đã bắt đầu từ thuở thiếu thời của Trịnh Công Sơn ở Huế, khi ông thường xuyên theo mẹ đi chùa Phổ Quang tìm hiểu Phật học. Một thời gian sau, để lập thân, và cũng để tránh quân dịch, Trịnh Công Sơn vào học trường Sư phạm Quy Nhơn. Mảnh đất ven biển tuyệt đẹp này cũng là nơi đã tạo cảm hứng để những bản tình ca hay nhất của Trịnh Công Sơn ra đời như Diễm xưa, Biển nhớ… và đặc biệt là bản trường ca đầu tiên: Tiếng Hát Dã Tràng

Vào lúc đó, trường Sư phạm Qui Nhơn yêu cầu Trịnh Công Sơn soạn một bài hát để trình bày trong Đại nhạc hội. Và bản Dã Tràng Ca ra đời, tên ban đầu là Tiếng Hát Dã Tràng. Đó là một bài hát thơ dài gồm 2 phần với 13 đoản khúc có tựa đề riêng, xoay quanh thân phận con người. Kiếp người là vô nghĩa, con người sinh ra đã đối mặt khổ đau, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi con người. 

Các đoản khúc trong Dã Tràng Ca có độ dài khác nhau. Có bài gần như một ca khúc hoàn chỉnh (Lời biển vọng); có bài chỉ dài 2 câu. Tác phẩm được viết cho dàn đồng ca, có xen kẽ những đoạn lĩnh xướng ngắn với giai điệu giản dị, nhẹ nhàng. 

Dã Tràng Ca đã chất chứa những tinh thần cơ bản nhất của âm nhạc Trịnh Công Sơn, mở đường cho dòng ca khúc thân phận đã làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn, và quen thuộc với chúng ta sau này với tên Ca khúc Da Vàng

Để thực hiện bản thu âm Dã Tràng Ca 2019, Đức Tuấn đã cộng tác với nhạc sĩ Lê Thanh Tâm, người đã cùng anh hoàn tất album Đức Tuấn hát Trần Thiện Thanh (phát hành giữa tháng 3-2019). Nhạc sĩ Thanh Tâm cũng đã thực hiện một phần hòa âm mang hơi hướng nhạc kịch hiện đại, nhiều sắc thái âm nhạc phong phú để mang tác phẩm này đến gần hơn với công chúng hôm nay, những người biết rất ít hoặc gần như không biết gì về bản nhạc này.

Do tác phầm gồm nhiều đoản khúc dài ngắn khác nhau, nên phần hòa âm sẽ giúp làm nổi bật lên từng khúc hát, giúp người nghe có thể hiểu được câu chuyện thông qua âm nhạc, bản phối và giai điệu, từ đó truyền tải một câu chuyện, một thông điệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo một phong cách mới mẻ, thu hút.

Đức Tuấn làm mới Dã Tràng Ca nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh

Cái làm nên sự khác biệt ở bản phối lần này là thủ pháp li điệu/chuyển điệu, thay đổi tiết tấu bất ngờ nhưng hợp lí, giúp người nghe có cảm giác cuốn vào âm nhạc và bất chợt phát hiện những điểm thú vị hết lần này đến lần khác. Cách xử lí này không những giúp cho bản trường ca không trở nên nhàm chán mà còn khiến người nghe thích thú nghe lại để tìm hiểu thêm về câu chuyện mà người nhạc sĩ đã viết.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng đã giúp Đức Tuấn rất nhiều trong việc tìm lại các tư liệu của tác phẩm đặc biệt này. 

Cô bày tỏ sự cảm kích trước thử thách mà Đức Tuấn tự đặt ra cho mình trong việc giới thiệu lại Dã Tràng Ca: "Là một trường ca nên Dã Tràng Ca không dễ để biểu diễn đơn ca hay ở các sân khấu nhỏ. Vì vậy, Dã Tràng Ca đã nhiều năm nằm im trong ngăn kéo của gia đình hay các nhà sưu tầm. 

Với bản thu hoàn chỉnh và chính thức đầu tiên của ca sĩ Đức Tuấn, đã tới lúc bản nhạc này được vang lên rộng rãi hơn, đến với nhiều khán giả hơn để di sản nhạc Trịnh Công Sơn thực sự đầy đủ hơn. Qua bản ghi mang đậm hơi thở của âm nhạc hiện đại của Đức Tuấn, chúng tôi cũng hi vọng Dã tràng ca với thông điệp "con người sinh ra đã đối mặt khổ đau, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi con người" sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ".

Đức Tuấn làm mới Dã Tràng Ca nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 4.

Đức Tuấn làm mới bài hát Dã Tràng Ca nhân kỉ niệm 80 ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Và Đức Tuấn, chàng ca sĩ luôn thích lao vào những gì khó nhất, thử thách nhất, đã chọn Dã Tràng Ca như một sản phẩm âm nhạc đặc biệt cho hành trình đến với nhạc Trịnh Công Sơn của mình. Như phượng hoàng tái sinh từ tro tàn, Dã Tràng Ca sẽ trở lại với dáng vẻ lộng lẫy mà âm nhạc của Trịnh Công Sơn xứng đáng được như thế. 

Đĩa đơn Dã Tràng Ca như một món quà dành cho ngày sinh nhật lần thứ 80 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng là một nỗ lực thầm lặng của Đức Tuấn khi đến với nhạc Trịnh theo cách riêng của mình. Cùng với bản thu âm, những kế hoạch biểu diễn tác phẩm này tới công chúng cũng đang được Đức Tuấn chuẩn bị trong năm nay, năm thứ 18 mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa chúng ta.

Đĩa đơn Dã Tràng Ca sẽ được phát hành trên Spotify, Apple Music và iTunes bên cạnh hình thức phát hành truyền thống là một đĩa đơn vật lí.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.