20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động

Tối 30/3, đêm nhạc Gọi tên bốn mùa diễn ra tại sân vận động Hoa Lư, quận 1, TP HCM. Chương trình tiếp nối chuỗi liveshow ngoài trời được gia đình Trịnh Công Sơn tổ chức định kì hàng năm - vốn bị ngưng vào năm 2017 và 2018 vì thiếu kinh phí, nhân lực. Đêm nhạc mở đầu cho loạt hoạt động tưởng niệm 18 năm cố nhạc sĩ qua đời (1/4/2001), là liveshow nhạc Trịnh lớn nhất trong năm.
20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động - Ảnh 1.

Bằng Kiều - một trong những ca sĩ góp mặt trong đêm nhạc

19h30 đêm nhạc mới bắt đầu song từ 17h, khán giả từ khắp các quận, huyện đổ dồn về địa điểm tổ chức. Càng sát giờ biểu diễn, lượng khán giả càng tăng. Từng dòng xe máy nối đuôi nhau khiến khu vực gửi xe bị tắc nghẽn. Ban tổ chức cho biết 20.000 lượng vé phát miễn phí đã "cháy" từ vài ngày trước. Tại cổng ra vào, những tấm vé được phe đầu nậu rao bán với giá từ 50.000 - 100.000 đồng mỗi chiếc.


20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động - Ảnh 2.

Khán giả quây quần bên nhau ở sân vận động thưởng thức nhạc Trịnh.

Sài Gòn đang vào mùa nóng, không khí cuối giờ chiều chưa bớt oi ả. Trên sân vận động, khán giả bắt đầu tập trung thành những nhóm nhỏ. Những câu lạc bộ nhạc Trịnh khuấy động không khí bằng các ca khúc quen thuộc như Nối vòng tay lớn, Hãy yêu nhau đi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui... Khán giả bắt nhịp, vỗ tay theo những tiết mục văn nghệ với trống thùng và guitar mộc. Nhiều kệ CD, băng cassette nhạc Trịnh của các giọng ca Khánh Ly, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc... cũng níu chân khách tham quan.


Ban tổ chức chỉ bố trí một lượng ghế nhỏ cho khách mời. Khán giả chọn cách trải thảm và ngồi bệt để tận hưởng âm nhạc. Không ai bảo ai, họ đều cố gắng ngồi sát nhau, chừa chỗ cho người tới sau. Khán giả thuộc nhiều độ tuổi, song đa số là trung niên - những người một thời tuổi trẻ đã ăn, ngủ, sống cùng nhạc Trịnh. Hàng năm, họ đến các đêm nhạc, như một cuộc hành hương tìm về những giá trị nguyên bản của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sau nhiều năm ông rời xa "cõi tạm".

20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động - Ảnh 3.

Khán giả bật đèn flash từ điện thoại khắp sân vận động để hưởng ứng ca sĩ

Lấy tay phe phẩy tờ quảng cáo cho bớt nóng, chị Hoàng Yến (quận Bình Tân) kể chị cùng con gái bắt taxi đến với chương trình từ chiều. Nhiều ngày trước, chị phải nhờ con gái đến Nhà văn hóa Thanh niên xin vé. Chị tự nhận là fan của chuỗi chương trình từ năm 2012, lúc sự kiện còn diễn ra ở quận 7. Hai năm gần đây, đêm nhạc bị ngừng, chị vẫn đến dự các buổi diễn quy mô nhỏ ở đường sách Nguyễn Văn Bình.

"Dù vậy, tôi vẫn không thấy 'đã' bằng việc nghe nhạc Trịnh ở không gian lớn. Nhạc Trịnh phù hợp ở mọi không gian, từ phòng trà đến nhà hát, nhưng phải ở sân vận động mới thấy được tính cộng đồng của người hâm mộ Trịnh và sức lan tỏa từ nhạc sĩ tài hoa này", chị Yến tâm sự.

Đêm nhạc kéo dài gần ba giờ với khoảng 25 ca khúc, quy tụ hầu hết ca sĩ từng gắn bó với các chương trình do gia đình Trịnh Công Sơn tổ chức. Phần đầu là sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ. Lân Nhã là một trong những ca sĩ mở màn với lối hát đĩnh đạc, tự sự qua các ca khúc Hoa vàng mấy độ, Đêm thấy ta là thác đổ

An Trần - con gái 15 tuổi của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn - lấy nhiều tiếng vỗ tay khi thổi saxophone bản Còn tuổi nào cho em. Đồng Lan làm mới nhạc Trịnh bằng jazz khi trình diễn song ngữ Việt - Pháp bài Này em có nhớ, Thành phố mùa xuân. Đức Tuấn khuấy động chương trình với liên khúc Xin cho tôi - Ta đã thấy gì đêm nay. Hưởng ứng chương trình Giờ Trái đất, anh nhờ ban tổ chức giảm ánh sáng và "xin" khán giả chiếu đèn flash từ điện thoại để tạo hiệu ứng thị giác.

20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động - Ảnh 4.

Lân Nhã hát 'Hoa vàng mấy độ' (Trịnh Công Sơn sáng tác)

  

Các tiết mục đến từ những nghệ sĩ "đinh" được sắp xếp ở nửa cuối chương trình. Tay kèn Trần Mạnh Tuấn chơi lại nhạc phẩm Em đi bỏ mặc con đường. Nghệ sĩ saxophone được gia đình Trịnh Công Sơn xem như người em trong nhà, đồng thời là giám đốc âm nhạc chương trình năm nay. Quang Dũng - trong bộ áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, em gái cố nhạc sĩ - khoe giọng trầm qua hai nhạc phẩm Chiều một mình qua phố, Ru đời đi nhé. Tự nhận là giọng ca mới trong địa hạt nhạc Trịnh, Lệ Quyên trình bày Ru em từng ngón xuân nồng, Sóng về đâu... với những quãng ngân giọng, bỏ nhỏ. Bằng Kiều níu chân khán giả đến 22h với liên khúc Mưa hồng - Chiếc lá thu phai.

20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động - Ảnh 5.

Lệ Quyên hát 'Ru em từng ngón xuân nồng' (Trịnh Công Sơn sáng tác)

  

Giữa các tiết mục, những đoạn ghi âm giọng Trịnh Công Sơn vang lên như một điểm nhấn. Khi bản thu Em đi bỏ mặc con đường của cố nhạc sĩ được phát, không khí đêm nhạc trầm lại. Một khán giả tấm tắc: "Trong hàng trăm ca sĩ hát Trịnh, người hát hay nhất không ai khác ngoài chính nhạc sĩ".

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, xúc động khi thấy đêm nhạc kết thúc mà khán giả vẫn còn đầy ắp. Nhiều năm thực hiện chuỗi chương trình tưởng niệm anh trai, chị và người nhà không ít lần gặp khó khăn về tài chính. Tuy vậy, họ hạn chế kêu gọi tài trợ vì không muốn đêm nhạc bị thương mại hóa. 

"Sau 18 năm, ngày càng nhiều nhạc phẩm của anh được phổ biến, cho thấy di sản âm nhạc đồ sộ mà anh để lại. Sinh thời, Trịnh Công Sơn dồn tâm huyết để ca ngợi tình yêu, hòa bình. Chúng tôi hi vọng những sáng tác ấy trở thành biểu tượng về khát khao hòa bình từ một công dân Việt", chị chia sẻ.

20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động - Ảnh 6.

Quang Dũng biểu diễn với áo dài do em gái nhạc sĩ thiết kế

Sắp tới, hai đêm Nhớ Trịnh Công Sơn 2019 diễn ra tối 2-3/4 tại Nhà hát TP HCM, có sự tham gia của danh ca Nhật Bản Tokiko Kato, Hồng Nhung, Lệ Quyên, Quang Dũng, Đức Tuấn... 


Như mọi năm, một đêm nhạc Trịnh tại đường sách Nguyễn Văn Bình cũng diễn ra vào ngày 1/4. Gia đình mở cửa nhà riêng của nhạc sĩ ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1) cho khán giả đến thắp hương tưởng niệm, bố trí xe đưa khán giả viếng mộ nhạc sĩ tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức. Gia đình nhạc sĩ đang hợp tác với một hãng phim sản xuất bộ phim xoay quanh mối tình dang dở của ông với cô gái Nhật - Michiko Yoshii, dự kiến ra mắt ngày 1/4/2021 (tròn 20 năm ông mất).



chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.