Trịnh Công Sơn và âm nhạc sầu muộn

Những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang giai điệu trầm buồn, nói về tình yêu, cuộc sống và cái chết đau thương.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói về nghệ thuật Trịnh Công Sơn mang lại rằng: "Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa". Hơn 600 ca khúc của cố nhạc sĩ sống trong từng ngóc ngách phố thị Sài Thành hay văng vẳng vang lên giữa Hà Nội huyên náo.

Trịnh Công Sơn và âm nhạc sầu muộn - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở sinh thời.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất giàu thơ, tình như Huế, Trịnh Công Sơn được nuôi dưỡng tâm hồn trong những góc nghệ thuật cổ điển Việt Nam. Ông được học vẽ, chơi đàn, tìm hiểu văn hóa quê hương và đất nước thông qua sách báo. Tuy nhiên, âm nhạc là cơ duyên đến muộn của cố nhạc sĩ sau lần tai nạn năm 18 tuổi. Khi ấy, Trịnh Công Sơn bị thương nặng ở ngực vì tập judo, nằm giường bệnh nhiều tháng. Khoảng thời gian ông tìm hiểu dân ca, đọc sách về triết học, văn học…

"Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy", Trịnh Công Sơn từng chia sẻ khoảng thời gian bén duyên với âm nhạc.

Ca khúc đầu tiên trong kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang tựa đề Sương đêm và Sao chiều, được ông sáng tác năm 17 tuổi. Tuy nhiên, ca khúc Ướt mi là tác phẩm đầu tiên cố nhạc sĩ công bố với thính giả qua phần thể hiện của Thanh Thúy.

Ướt Mi - Ca sĩ Thanh Thúy - Nhac Trịnh Công Sơn

Các sáng tác của Trịnh Công Sơn được biết nhiều qua phần thể hiện của danh ca Khánh Ly và Hồng Nhung. Đây được xem là hai "người tình trong âm nhạc" của cố nghệ sĩ vang danh.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận xét về cách hát "có một không hai" của ca sĩ Khánh Ly trong cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé: "Cô ấy hát rất rõ lời, nói một cách nôm na là Khánh Ly hát rất 'tròn vành đủ chữ', không uốn giọng, không nuốt chữ, hồn nhiên như thể con người đã biết hát trước khi biết nói vậy". Từng câu, chữ trong sáng tác của ông Trịnh đều được danh ca thể hiện rõ lời, thể hiện nỗi khắc khoải và dòng tự sự phiền muộn. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét cách hát của Khánh Ly thể hiện sự phóng khoáng, "giải thoát khán giả khỏi sự u uất Sơn mang lại".

Trịnh Công Sơn và âm nhạc sầu muộn - Ảnh 3.

Tên tuổi Khánh Ly gắn liền với những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Hồng Nhung từng được Trịnh Công Sơn ngợi ca về cách hát phá cách, làm mới sự buồn bã đẹp đẽ của ông. 

"Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với thời hiện đại - một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ", Trịnh Công Sơn khen ngợi đàn em.

Trịnh Công Sơn và âm nhạc sầu muộn - Ảnh 4.

Hồng Nhung là ca sĩ thành công với nhạc Trịnh.

Những ca khúc Diễm xưa, Cát bụi, Còn tuổi nào cho em, Em còn nhớ hay em đã quên, Một cõi đi vè, Tuổi đá buồn… đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ khán giả Việt. Trịnh Công Sơn chinh phục người nghe với giai điệu Guitar mơ màng, miêu tả nỗi buồn, cuộc đời, tình yêu bằng ngôn từ đời thường, thật và thẳng.

Ông từng viết về cái chết trong Cát bụi đầy khắc khoải: "Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày". Cố nhạc sĩ luôn ám ảnh bởi cái chết, ông miêu tả sự mất mát và đau thương bi lụy của con người trong khoảng không gian âm nhạc riêng mình.

Những giá trị để đời

Truyền thông và khán giả từng vinh danh Trịnh Công Sơn là "biểu tượng văn hóa đại chúng Việt Nam" trong nhiều năm. Những giá trị ông mang lại không chỉ có âm nhạc, chất thơ, tình và những bức thi họa được công chúng yêu mến rộng rãi.

Trịnh Công Sơn và âm nhạc sầu muộn - Ảnh 5.

Hình ảnh Trịnh Công Sơn xuất hiện trên thanh công cụ tìm kiếm của Google ngày 28/2.

Tình yêu và thân phận cuộc đời là hai chủ đề lớn nhất trong kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Từ Ướt mi (1958) đến Như một lời chia sẻ, Xin trả nợ người thời gian đầu thập niên 90 đều được ông sáng tác, mang chung một phong cách và nỗi buồn vương vấn. Điều này chứng minh tâm hồn nghệ thuật và nhiệt huyết âm nhạc của Trịnh Công Sơn chưa từng mai một theo năm tháng.

Ba bản tình ca Diễm xưa, Một cõi đi về, Cát bụi được nhiều thế hệ công chúng yêu mến với giai điệu nhẹ nhàng, in sâu bởi sự đời và cái tình chân thật. Ông Trịnh sử dụng chất nhạc Acoustic, điệu Slow, Blues hoặc pha chút Boston tạo cảm giác chậm rãi, du dương cho người nghe.

Ca khúc "Diễm xưa" - Khánh Ly

Mỗi sáng tác của Trịnh Công Sơn đều mang chất thơ, nhạc khác lạ với nhiều ca khúc thị trường hiện nay. Cố nhạc sĩ sử dụng văn học với phép ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ hoặc những từ đồng nghĩa, từ phức… miêu tả về cuộc đời. Đôi khi, cố nhạc sĩ pha hơi hướng siêu thực, trìu tượng và quan điểm Phật giáo trong âm nhạc.

Ngoài nhạc tình, Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc về mảnh đất Huế và quê hương Việt Nam thơ mộng. Các tác phẩm như Chiều trên quê hương tôi, Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn – Hà Nội… được đông đảo công chúng yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc thiếu nhi của Trịnh Công Sơn được khán giả yêu thích gồm: Tiếng ve gọi hè, Tuổi đời mênh mông, Tết suối hồng, Em là hoa hồng nhỏ

Nối Vòng Tay Lớn - Sáng tác: Trịnh Công Sơn

Âm nhạc như tiếng lòng bi thương của cố nhạc sĩ về cuộc đời, thơ và họa phác họa cuộc sống giàu tình người, chân chất của Trịnh Công Sơn. Ông ít sáng tác thơ và chủ yếu dùng chất văn học trong âm nhạc phổ biến với khán giả. Các tác phẩm hội họa của cố nhạc sĩ được trưng bày tại triển lãm Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc – Việt Nam, khoảng không gian trong gia đình…

Hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn có giá trị văn hóa to lớn, được dịch nhiều thứ tiếng và các nghệ sĩ trẻ luôn làm mới để hát được nhạc của ông. Nhân dịp 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ, nhiều khán giả nhớ về từng câu chữ ông viết về cuộc đời, nơi "cõi tạm tiều tụy" hay Sài Gòn trong chiều hoàng hôn buông nắng xuống đường.

Âm nhạc, lối sống và giá trị văn hóa của Trịnh Công Sơn ảnh hưởng tới phong cách nghệ thuật của nhiều ca sĩ sau này như Hồng Nhung, Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh… Những giai điệu Diễm xưa, Cát bụi hay Còn tuổi nào cho em vang vọng trong chiếc tai nghe thời hiện đại hay được tua chậm trong quán café nhạc Trịnh vùng ngoại ô Hà Nội.

Ca sĩ Tùng Dương từng chia sẻ trong dịp kỉ niệm 80 năm ngày sinh của Trịnh Công Sơn: "Âm nhạc luôn là mối giao cảm đặc biệt", dù trở về với Cát bụi, giá trị nghệ thuật ông để lại vẫn hiện hữu trong tâm khảm công chúng mến mộ, nghệ sĩ thương yêu và nâng niu nhạc Trịnh.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.