Mười tám năm đã qua đi kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tạ thế (ông mất ngày 1/4/2001), với một di sản để lại cho làng nhạc nước nhà gồm hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi, được công chúng tích cực đón nhận và yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong âm nhạc Việt.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như "Bob Dylan của Việt Nam" và là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh.
Năm 1957, khi 18 tuổi, ông bị một tai nạn, khi đang tập Judo với người em trai, ông bị thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế. Thời gian nằm bệnh, ông đọc nhiều sách về triết học, văn học, tìm hiểu dân ca. Ông từng thổ lộ: "Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy".
Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình từ khi còn rất trẻ, tác phẩm đầu tiên của ông là Ướt mi, được xuất bản An Phú in năm 1959. Hai mảng đề tài lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu và thân phận con người.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Ảnh: internet
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly. Đến năm 1967, nhạc Trịnh Công Sơn lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập ca khúc da vàng.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành album với doanh số hơn 2 triệu bản. Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như: Diễm xưa (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), Ca dao Mẹ, Ngủ đi con.
Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong chương trình âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.
Từ đầu thập niên 1980, ông có viết một số bài có nội dung ca ngợi những chủ trương của chế độ mới như: Thành phố mùa xuân, Ngọn lửa Maxcova, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... được đón nhận rộng rãi.
Những tên tuổi thành công và gắn liền với âm nhạc của Trịnh Công Sơn phải kể đến Khánh Ly, Hồng Nhung, Thanh Thúy, Lệ Thu,...
Cái quyến rũ của nhạc Trịnh có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ ông không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa.
Nhạc của ông chủ yếu tập trung vào tâm trạng mơ hồ, mộng tưởng, lí giải của ông về sự sáng tác của mình, ông bộc bạch: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...".
Tài năng của ông luôn liên tục thăng hoa, ngoài âm nhạc ông còn đóng phim, hội họa. Nhưng ông nhìn nhận cuộc đời và dành tình cảm cho đời một cách rất giản đơn với không hề tham vọng, ông nói một cách thản nhiên về cuộc đời: "Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống. Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa".
Sự xuất hiện của âm nhạc Trịnh Công Sơn như mở ra một cánh cửa khác cho tâm hồn, nó phá vỡ các quy chuẩn, xiềng xích và giải phóng tâm thức của con người. Nó chính là những bông hoa cảm thông, kết nối trái tim tới trái tim. Có lẽ chính những triết lí sống đầy bất cần ấy đã làm nên một nét quyến rũ không thể pha trộn cho các tác phẩm âm nhạc tuyệt vời của Trịnh Công Sơn.
Giải trí 06:00 | 06/04/2019
Giải trí 15:25 | 02/04/2019
Giải trí 10:02 | 01/04/2019
Giải trí 07:00 | 01/04/2019
Giải trí 23:46 | 31/03/2019
Giải trí 20:10 | 01/03/2019
Giải trí 16:23 | 01/03/2019
Giải trí 14:52 | 01/03/2019