Ford Việt Nam triệu hồi số lượng xe kỉ lục do lỗi túi khí Takata: Gần 31.000 xe Ford Ranger và Ford Everest bị triệu hồi

Ford Việt Nam ra thông báo triệu hồi 30.859 xe Ford Ranger và Ford Everest để kiểm tra, thay thế do lỗi túi khí Takata.

Ford Việt Nam triệu hồi gần 31.000 xe do lỗi túi khí Takata

521862b6-aed4-46c9-9262-6bd61234f5c4

Ford Việt Nam triệu hồi gần 31.000 xe do lỗi túi khí Takata. (Ảnh: Ford).

Thông báo của Ford Việt Nam cho biết công ty sẽ triệu hồi 30.859 xe Ford Ranger và Ford Everest được sản xuất trong khoảng thời gian từ 2/2004 đến 8/2015, do lo ngại về lỗi túi khí được Takata được trang bị trên hai dòng xe này.

Nguyên nhân gây ra lỗi túi khí Takata được xác định là do chất giãn nở bên trong bộ phận bơm khí của túi khí Takata phía trước bên người ngồi lái, và phía trước bên ghế hành khách, có thể bị biến chất theo thời gian, dẫn đến nguy cơ bộ phận bơm khí có thể bị vỡ nếu túi khí được kích hoạt trong một vụ va chạm. Mảnh vỡ của bộ phận bơm khí bị vỡ có thể văng vào người ngồi trên xe gây thương tích hoặc tử vong.

Do đó, Ford Việt Nam đã ủy quyền cho các đại lí để thực hiện việc kiểm tra, thay thế bộ phận bơm khí túi khí hoặc túi khí và bộ phận bơm khí túi khí hoàn toàn miễn phí.

Ford Việt Nam cho biết đã có 2.711 xe Ford Ranger và 2.053 xe Ford Everest đến tay khách hàng chỉ trong quý II/2019. Trong khi đó, với 5.489 xe được bán ra, Ford Ranger cũng là mẫu xe bán tải được mua nhiều nhất trong nửa đầu năm 2019.

Lỗi túi khí Takata nguy hiểm thế nào?

Theo thống kê của Cục quản lí đường cao tốc và an toàn giao thông quốc gia Mỹ, viết tắt là NHTSA, đến nay trên toàn thế giới đã có 23 vụ tai nạn chết người, gần 300 người bị thương và hàng trăm triệu chiếc ôtô của hơn 19 hãng bị triệu hồi trên toàn thế giới, do lỗi túi khí Takata gây ra.

Lỗi túi khí này xuất hiện trên các xe ôtô được sản xuất từ năm 2002-2015, có trang bị túi khí được cung cấp bởi Takata, nhà cung cấp phụ tùng lớn thứ hai trong ngành ôtô thế giới.

Những túi khí này có thể phát nổ, gây thương tích hoặc thậm chí giết chết người ngồi trong xe. Đã có hàng trăm triệu chiếc xe trên thế giới bị thu hồi do lỗi này mà NHTSA gọi là "Vụ thu hồi lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử".

474401454-15593046198741953177230

Lỗi túi khí Takata. (Ảnh: Fortune).

Theo đó, với những xe bị dính lỗi túi khí, khi xảy ra tai nạn, hệ thống túi khí được kích hoạt, khí trơ được giải phóng có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, khiến cho các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí, gây nguy hiểm cho người lái.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề được xác định là do túi khí sử dụng nhiên liệu dựa trên amoni nitrat mà không có chất làm khô hóa học, theo thời gian sẽ bị giảm chất lượng do nhiệt độ và hơi ẩm xâm nhập, dẫn đến tình trạng trên.

Đến hết năm 2018, theo thống kê đã có hơn 41,6 triệu xe tại Mỹ bị triệu hồi liên quan tới vấn đề này. Hàng triệu phương tiện đã bị NHTSA cấm lưu thông.

Gần đây nhất, 29/3/2019, Honda và NHTSA thông báo rằng một người lái chiếc Honda Civic đời 2002 đã qua đời trong bệnh viện ở Buckeye, Ariz, do lỗi nổ túi khí. Đây là vụ tai nạn chết người thứ 14 trong một chiếc xe Honda liên quan tới túi khí Takata.

Ngày 28/2/2017, Takata thừa nhận đã lừa dối các nhà sản xuất ôtô về sự an toàn túi khí do hãng này cung cấp, chấp nhận mức phạt hơn một tỉ đôla của NHTSA, trong đó dự kiến 25 triệu đô cho tội hình sự và 850 triệu đôla để bồi thường cho các nhà sản xuất.

Kể từ tháng 1/2018, NHTSA cho biết, tình trạng thiếu hụt túi khí thay thế đã giảm đáng kể. Trong thời gian đầu, chủ sở hữu những chiếc xe dính lỗi phải mất vài tuần hoặc vài tháng để có thể được thay linh kiện mới. Tuy nhiên, sau đó Takata đã tăng cường thêm dây chuyền lắp ráp mới, có khả năng sản xuất hơn một triệu bộ túi khí mỗi tháng.

Mặc dù vậy, với qui mô và số lượng xe bị ảnh hưởng quá lớn, các chuyên gia nhận định rằng phải mất nhiều năm liền các nhà sản xuất mới có thể thay thế toàn bộ túi khí ở tất cả các phương tiện trên toàn cầu.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.