Gần 65% khiếu nại năm 2022 liên quan lĩnh vực đất đai

Khiếu nại liên quan lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ 64,6%, chủ yếu trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng,…

Mới đây Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 (số liệu tính từ 1/8/2021 đến 31/7/2022).

Đơn khiếu nại đã giảm 7% so với năm 2021, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 5,3%. Trong đó lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ 64,6% , chủ yếu trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng,…

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp phần lớn cũng là các vụ việc khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm. 

Có những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, các địa phương đã tiến hành rà soát, đối thoại, thông báo chấm dứt thụ lý nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Chính phủ báo cáo Quốc hội, một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên là do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn bản pháp luật và quản lý chưa theo kịp thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đất đai. 

Một số chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn bất cập. Đơn cử như chủ trương về bảo đảm đất đai cho người sản xuất nông nghiệp đi liền với vấn đề giao đất ổn định lâu dài, chủ trương có hạn mức và yêu cầu tăng quy mô canh tác, phát triển kinh tế trang trại, giữa tích tụ, tập trung ruộng đất giải quyết việc làm cho người lao động, …

Một số trường hợp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng nhưng chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. 

Một số vụ việc khiếu nại về nhà đất do lịch sử để lại khó giải quyết dứt điểm khi chính sách, pháp luật đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố. Trong khi đó hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính qua nhiều thời kỳ không được bảo quản, lưu giữ, cập nhật, chỉnh lý biến động một cách thường xuyên, kịp thời, bài bản, có hệ thống cũng gây nhiều khó khăn trong việc ra quyết định quản lý về đất đai.

Chính phủ dự đoán năm 2023, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, nhất là những nơi có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước chưa được giải quyết dứt điểm; những nơi có nhiều dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng chưa quan tâm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi một cách thỏa đáng hoặc quá trình thực hiện thiếu công khai, dân chủ, công bằng, có nhiều vi phạm.

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.