Giá thịt lợn leo thang buộc Trung Quốc kí thỏa thuận với ông Trump?

Chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Yale nhận định cuộc khủng hoảng giá thịt lợn là nguyên nhân quan trọng buộc Trung Quốc phải kí thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ.

Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Nhà Trắng sẽ hoãn tăng thuế lên 30% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đổi lại, Bắc Kinh cam kết mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ, bao gồm thịt lợn, và thay đổi các quy định về tiền tệ cũng như siết chặt bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ở Trung Quốc.

Trên The Diplomat, chuyên gia kinh tế Andy Law thuộc Đại học Yale nhận định có một nguyên nhân quan trọng buộc Bắc Kinh ký thỏa thuận với Washington. Đó là Trung Quốc đang rất khát thịt lợn.

Trên thực tế, trước khi ông Trump công bố thỏa thuận trên, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn Mỹ. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ tháng 1 đến 9/2019, thịt lợn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 300% so với cùng kì năm ngoái, lên 42 triệu kg.

Giá thịt lợn leo thang buộc Trung Quốc kí thỏa thuận với ông Trump? - Ảnh 1.

Giá thịt lợn tăng gần 70% trong tháng 9 ở Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Giá tăng kỉ lục

Trung Quốc phải mua thịt lợn Mỹ bởi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành dữ dội tại nước này. Ngân hàng Hà Lan Rabobank nhận định Trung Quốc có thể mất trắng tới 70% tổng số lợn nước này (khoảng 360 triệu con) trong năm nay.

Hậu quả là giá thịt lợn leo thang chóng mặt tại Trung Quốc trong suốt một năm qua. Hôm 14/10, Tổng cục Thống kê Trung Quốc thông báo giá thịt lợn tăng tới 69,3% trong tháng 9, cao hơn đáng kể so với mức tăng 46,7% của tháng 8.

Giá thịt lợn leo thang đẩy giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng 10% trong tháng 8 và 11,2% trong tháng 9. Theo Reuters, trong tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc vọt lên 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, và thịt lợn chính là nguồn protein quan trọng nhất đối với người tiêu dùng nước này. Do đó, tình trạng giá thịt lợn tăng chóng mặt đã gây nhiều bức xúc.

Giá thịt lợn leo thang buộc Trung Quốc kí thỏa thuận với ông Trump? - Ảnh 2.

Giá thịt lợn tăng cao gây nhiều bức xúc ở Trung Quốc. (Ảnh: WSJ).

Tại các siêu thị, cảnh người tiêu dùng tranh giành từng miếng thịt lợn không còn là điều lạ lùng. Thậm chí không ít người cho rằng giờ ở Trung Quốc, người giàu là người có thịt lợn để ăn. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc chia sẻ video than thở về việc giá thịt lợn tăng quá cao.

Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đã xả khoảng 10.000 tấn thịt lợn từ các kho dự trữ thịt đông lạnh chiến lược để ổn định thị trường. Các trang trại ở nước này còn thử nghiệm nuôi loại lợn khổng lồ, có trọng lượng 500-700 kg/con.

Không kì vọng nhiều vào thỏa thuận thương mại

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ trợ cấp cho các doanh nghiệp để lập trang trại chăn nuôi lợn mới, yêu cầu các ngân hàng cho các trang trại nuôi lợn vay vốn ưu đãi…

Thậm chí chính quyền thành phố Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây còn phát hành tem phiếu mua thịt lợn. Các khái niệm “chính trị thịt lợn”, “kinh tế thịt lợn” và “ngoại giao thịt lợn” lần lượt được nhắc đến.

Nhưng giá thịt lợn vẫn tăng vùn vụt, kéo theo giá tiêu dùng leo thang. Đến mức mà South China Morning Post bình luận “chính trị thịt lợn” là cơn đau đầu rất lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giá thịt lợn leo thang buộc Trung Quốc kí thỏa thuận với ông Trump? - Ảnh 3.

Trung Quốc buộc phải "nhờ" Mỹ trong thời điểm khủng hoảng nguồn cung thịt lợn. (Ảnh: Reuters).

Nguyên nhân quan trọng nhất, theo chuyên gia Andy Law, là nguồn cung thịt lợn thiếu hụt ở thị trường Trung Quốc. Do đó nước này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh nhập khẩu. Và Mỹ là nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ hai thế giới.

Việc nhượng bộ, tăng nhập khẩu nông sản Mỹ, trong đó có thịt lợn, sẽ giúp Trung Quốc tạm thời giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước dù trước đại dịch, nước này đánh thuế tới 72% lên thịt lợn Mỹ.

Theo chuyên gia Andy Law, đây cũng là một yếu tố khiến giới đầu tư không kỳ vọng nhiều vào thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh rơi vào thế khó và buộc phải tăng nhập khẩu nông sản Mỹ. Đó hoàn toàn không phải là một động thái “thiện chí” để mở đường cho một thỏa thuận tổng thể.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.