Ông Lê Viết Hiếu cho hay có một số lý do dẫn đến việc trễ công bố báo cáo kiểm toán. Trong đó, có đơn trình báo của một vài thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) lên UBCKNN nên Hòa Bình bổ sung hồ sơ giải trình. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán là quốc tế nên cẩn trọng và phải nâng lên kiểm toán vùng để kiểm toán chứ không phải kiểm toán tại Việt Nam.
Tại phần thuyết minh nghiệp vụ với bên liên quan, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận ông Lê Viết Hòa, con trai ông Lê Viết Hải, vay hơn 40 tỷ đồng tại cuối 2022. Con số này tại thời điểm đầu năm 2022 là 11 tỷ đồng. Hòa Bình còn ghi nhận phát sinh khoản phải thu 13,5 tỷ đồng đối với ông Hòa cho tạm ứng mua nguyên, vật liệu.
Về phần Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải, khoản phải thu ngắn hạn đối với vị lãnh đạo tại cuối năm 2022 đạt hơn 313 tỷ đồng, bao gồm 193 tỷ đồng phải thu tiền thoái vốn Hòa Bình Oseven và 120 tỷ đồng tạm ứng mua đất. Khoản phải thu này chưa xuất hiện tại thời điểm đầu năm 2022.
Khoản phải thu về mua đất 120 tỷ đồng của ông Hải đã được vị lãnh đạo thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa diễn ra. Cụ thể, cổ đông đã thắc mắc tại sao BCTC các năm trước cho thấy đất ở quận 12 (TP HCM) là tài sản của công ty nhưng đến năm 2022 mới công bố nghị quyết HĐQT. Trước câu hỏi này, ông Lê Viết Hải cho biết đã hành xử trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cao nhất cho cổ đông dù có khi hi sinh cả quyền lợi cá nhân.
Vị chủ tịch đã nêu ra ba hành động của mình. Thứ nhất là giao dịch cá nhân ông Hải với công ty trong việc chuyển nhượng khu đất 7.000 m2 ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 với giá 120 tỷ đồng. Năm 2020, ông đã có thông báo cho HĐQT về giao dịch này để giảm nợ cá nhân đối với công ty. Khoản tạm ứng của ông Hải cho Hòa Bình lên đến 120 tỷ tại thời điểm đó. Ông có miếng đất cho công ty sử dụng không phải là đất trống mặc dù trên hồ sơ giấy tờ để là đất nông nghiệp.
Thực tế, khu đất này đã được xây dựng làm nhà kho, văn phòng cho các công ty con từ 1993 đến nay. Đó là tài sản cá nhân, chưa đưa vào góp vốn cho công ty. Suốt 30 năm ông không hề thu tiền cho thuê. Theo ông Hải, hiện nay giao dịch đất nền ở khu vực trên cũng ở mức 60 triệu đồng mỗi m2, ước tính giá trị khu đất đạt khoảng 400 tỷ đồng.
Thứ hai, vào đầu năm 2022, khi cổ phiếu HBC đã đạt đỉnh 22.000 đồng/cp, Hòa Bình đã thỏa thuận được với đối tác Nhật Bản với giá 32.500 đồng/cp. Sau đó, theo quy định có 4 ngành nghề tại Hòa Bình mà nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia.
Phía đối tác đề nghị thay vì phát hành cổ phiếu mới thì lấy cổ phiếu của chủ tịch HĐQT. Ông Hải cho biết đã từ chối lời đề nghị đó, mặc dù giá cổ phiếu HBC trên thị trường lúc đó giảm xuống chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/cp (thị giá HBC hiện đang dao động quanh 10.000 đồng/cp). Tiếp theo đó, phía đối tác đề nghị để đảm bảo giao dịch này phải có 5 triệu cổ phiếu của cá nhân ông Hải phong tỏa tại công ty chứng khoán. Ông đã phải tạm ứng 100 tỷ đồng để đạt 5 triệu cổ phiếu đó.
Thứ ba, cổ phiếu của cá nhân vị chủ tịch cũng đã đem thế chấp ở ngân hàng để công ty phát hành trái phiếu, giải quyết vấn đề dòng tiền (của Hòa Bình) lúc khó khăn, khi nhiều dự án, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng hoãn tiến độ, các chủ đầu tư chậm thanh toán cho công ty.
Đáng chú ý khác, báo cáo kiểm toán cũng cho thấy khoản tạm ứng dài hạn cho nhân viên là 622 tỷ đồng. Con số 622 tỷ đồng này bao gồm 3 khoản. Thứ nhất, tạm ứng 266 tỷ đồng để giải chấp 45 triệu cổ phiếu của gia đình chủ tịch tại một số công ty chứng khoán. Thứ hai, tạm ứng gần 100 tỷ đồng để mua 5 triệu cổ phiếu HBC nhằm đảm bảo thực hiện thỏa thuận phát hành cổ phiếu giữa Sanei Architetuce Planning và Hòa Bình. Thứ ba, tạm ứng 138,5 tỷ đồng cho mục đích đầu tư của công ty.
Đến thời điểm 31/3, BCTC hợp nhất quý I (tự lập) ghi nhận khoản phải thu bên liên quan chỉ ở mức 3,7 tỷ đồng. Bên cạnh khoản phải thu với bên liên quan, khoản phải thu ngắn hạn còn bao gồm 630 tỷ đồng ký quỹ, ký cược, 157 tỷ đồng tạm ứng cho nhân viên và 1.084 tỷ đồng phải thu khác.
Quay lại với kết quả kinh doanh 2022 sau kiểm toán, doanh nghiệp xây dựng báo lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng, thấp hơn 1.429 tỷ đồng so với con số lỗ trên 1.140 tỷ đồng tại báo cáo tự lập. Phía Hòa Bình giải trình thay đổi này chủ yếu do kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng khoản trả trước người bán và dự phòng phải thu cho vay trong chi phí doanh nghiệp làm lợi nhuận điều chỉnh giảm 1.306 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại từ việc trích lập thêm chi phí dự phòng đầu tư dài hạn, làm lợi nhuận giảm 198 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế kế hoạch 125 tỷ đồng. Chỉ tiêu trúng thầu trong năm nay đạt 17.000 tỷ đồng, bao gồm 9.000 tỷ đồng trúng thầu dân dụng và 8.000 tỷ đồng trúng thầu công nghiệp và hạ tầng.