4 phương pháp gìn giữ làn da không tuổi của người Nhật Bản |
Xu hướng thời trang giày trong suốt và tác hại không ngờ phía sau |
Đầu năm 2008, Carol Decker đã có được cuộc sống mà cô hằng mơ ước: Có công việc làm phụ tá bác sỹ ở thành phố nhỏ Enumclaw của Washington, kết hôn hạnh phúc với người bạn học cùng trường đại học, có 1 bé gái 1 tuổi và chuẩn bị có thêm em bé thứ 2.
Gia đình hạnh phúc của Carol Decker hiện tại |
Tuy nhiên, sau 31 tuần mang thai, Carol bắt đầu trải qua những cơn đau dữ dội ở phía bên trái cơ thể. Tại thời điểm đấy, cô cũng không ngờ rằng đó chính là khởi đầu cho cuộc chiến đấu đầy gian nan với một trong những căn bệnh gây chết người nhất ở Mỹ.
Những dấu hiệu đầu tiên
Cơn đau ở phía bên trái cơ thể trở nên tồi tệ hơn, vợ chồng cô đã đến tìm gặp một chuyên gia khoa sản ở trong phố nhưng không tìm được nguyên do của cơn đau. Sau đó họ di chuyển đến bác sỹ sản ở Seattle, song các bác sỹ quyết định cho cô xuất viện.
Khi về nhà, cơn đau của Decker đã biến mất và mọi thứ đều trở nên bình thường. Tuy vậy, 12 ngày sau đó, Decker thức dậy cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt và đau dữ dội toàn thân. Cô không thể bế con gái từ giường cũi của bé.
Sau khi nghỉ ngơi một lúc, Decter đã thử đo nhiệt độ cơ thể: 102.7 độ F (tương đương 39.3 độ C). Cô ấy đã ngay lập tức gọi điện cho bác sỹ sản cá nhân của mình, người đã khuyên cô không nên quá lo lắng và uống một vài viên Tylenol vì cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của cảm cúm thông thường.
24 tiếng tiếp theo, nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi chị và mẹ chồng đã giúp cô tắm bằng nước lạnh. Khi nhiệt độ tăng tới 40 độ C, Decker bắt đầu bị co giật.
Xác định vấn đề
Khi tới Seattle, Carol đang phải trải qua cơn đau khủng khiếp. Lúc bác sỹ tới kiểm tra, điều đầu tiên cô ấy chú ý là triệu chứng phát ban trên mặt của Decker – dấu hiệu cho thấy đó có thể không phải là cảm cúm.
Trong một khoảnh khắc ngắn, Decker đã cảm thấy thả lỏng và an tâm hơn nhưng bác sỹ cá nhân của cô đã phát hiện thấy huyết áp của cô và thai nhi đều đột ngột giảm mạnh: “Chỉ sau một vài phút, một đội ngũ bác sỹ đã đến và nói rằng họ sẽ phải đưa tôi đến phòng cấp cứu và mổ lấy đứa bé”. Điều cuối cùng cô ấy nhớ là khoảnh khắc hôn tạm biệt với người chồng của mình.
Suốt khoảng thời gian ấy, Decker, gia đình cô và các bác sỹ vẫn chưa hiểu được vấn đề xảy ra bên trong cơ thể của cô. Họ đều không ngờ rằng kể từ thời điểm Decker nhận thấy cơn đau trong cơ thể, hành trình chống chọi với nhiễm trùng huyết, một trong những căn bệnh gây chết người nhất ở Mỹ của cô ấy đã bắt đầu.
Mark Miller, bác sỹ y khoa, nhà vi sinh vật học đồng thời là người điều hành của bioMérieux chia sẻ: “Nhiễm trùng huyết là phản ứng của cơ thể với sự nhiễm khuẩn. Nó có thể bắt đầu từ phổi, đường tiết niệu hay đơn giản từ chứng viêm ruột thừa nhưng về cơ bản, nhiễm trùng huyết là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá dữ dội, dẫn đến suy nội tạng và tổn thương mô trong cơ thể”.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Miller, vấn đề của nhiễm trùng huyết là nhiều người không biết rõ, thậm chí chưa từng nghe về căn bệnh này. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, có hơn 1 triệu ca mắc nhiễm trùng huyết mỗi năm. Thực tế, đây là căn bệnh gây ra nhiều ca tử vong thứ 9 ở Mỹ, thậm chí nhiều hơn tổng số lượng tử vong do ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và AIDS gộp lại.
Ngay cả bản thân Decker cũng không thể ngờ căn bệnh cô mắc phải là nhiễm trùng huyết: “Từng làm việc trong ngành y tế một thời gian dài, tôi chỉ thấy nhiễm khuẩn huyết trên giấy báo tử hoặc ở những người đã rất già”. Cô ấy không sai, nhiễm trùng huyết thường xảy ra ở người lớn ở tuổi 65 trở lên hoặc trẻ em.
Mãi đến gần đây, các bác sỹ của Decker mới phát hiện cô ấy từng bị viêm phổi do vi khuẩn Streptococcus (vi khuẩn phế cầu) nhưng vẫn không biết được nguồn gốc sự xuất hiện của vi khuẩn, vì sao những triệu chứng lại giống với cảm cúm và tại sao sau cùng lại dẫn tới nhiễm trùng huyết.
Cuộc chiến đấu với căn bệnh chết người
Trong phòng phẫu thuật, đội ngũ bác sỹ và y tá đã thực hiện mổ đẻ non cho con gái của Decker, Safiya. Chỉ nặng 1.8kg lúc sinh ra, Safiya sau đó đã lập tức được đưa đến Phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trong lồng ấp còn các bác sỹ tiếp tục cuộc phẫu thuật để cứu lấy mạng sống của mẹ cô bé.
Scott, chồng của Decker, bế con gái mới sinh |
Decker sau đó được kể lại rằng các bác sỹ đã khuyên gia đình cô nói lời tạm biệt và chuẩn bị sẵn tâm lý bởi việc gây mê rất cần thiết để cơ thể lành lại và giúp cô không phải chịu đựng sự đau đớn nhưng họ cũng không biết chắc liệu cô sẽ tỉnh lại hay không. Nhưng Decker đã khiến mọi người ngạc nhiên khi tỉnh dậy chỉ 7 ngày sau ca phẫu thuật và hỏi gặp đứa bé ngay sau đó.
Một y tá đưa đứa bé đến gặp Decker nhưng đã phát hiện điều bất thường ở cô: “Cô ấy phát hiện ra tôi không nhìn thẳng vào người đang nói chuyện với mình. Thuốc gây tê được sử dụng nhiều đến mức tôi hoàn toàn không phát hiện thực tế mình không nhìn thấy gì cả”. Các bác sỹ sau đó đã kết luận Decker bị mù một phần do căn bệnh nhiễm trùng huyết, phần khác do liều lượng thuốc được sử dụng để cứu lấy mạng sống của cô.
Sự tỉnh táo của Decker đã mang lại hi vọng cho mọi người nhưng khi hôn mê, cơ thể của cô đã bị thiếu oxi và dinh dưỡng. Điều này khiến cô bị suy thận, da trở nên đỏ bầm, không có sự lưu thông máu ở tay và chân do các mao mạch bị thắt lại.
Decker chia sẻ: “Tôi không có ý thức ở thời điểm này, nhưng trong giai đoạn đó, bác sỹ đã không bắt được mạch dưới mắt cá chân, những ngón tay của tôi cũng dần chuyển màu đen”.
Carol Decker trong quá trình hồi phục sau cuộc phẫu thuật |
Cơ thể của cô cũng không có dấu hiệu hạ sốt và các bác sỹ cho rằng nguyên do xuất phát từ bàn chân và tay trái của Decker. Tay chân của cô dần bị liệt và cơ thể đang dùng hết năng lượng để chống lại sự lan nhiễm.
Ngày 5/7, các bác sỹ tiến hành cắt bỏ chân của Carol. Một tuần sau đó, họ lấy đi tay trái và ngón áp út của tay phải: “Tôi không có ý thức ở thời điểm đó nhưng cuộc đời của tôi đã hoàn toàn thay đổi”.
Chặng đường hồi phục gian nan
Decker không nhận thức được hiện thực đau đớn cho đến khi cô được về nhà vào tháng 9, gần 100 ngày sau khi sinh đứa bé thứ 2: “Mẹ đang cắt móng tay cho tôi và tôi quay sang nói với bà ‘Mẹ đã cắt thiếu một móng đấy’ nhưng bà đã nói rằng không thiếu. Đó là lúc tôi nhận ra cơ thể của mình đã không giống như trước nhưng điều tồi tệ nhất là tôi không thể thấy được sự khác biệt đó”.
Cô cũng mất đi sự tự lập trong cuộc sống, Decker nói: “Tôi giống như một đứa trẻ sơ sinh, không thể tự di chuyển và luôn cần được bồng bế đặt vào xe lăn. Tôi thậm chí không biết cách tự ăn uống”.
Điều khó khắn nhất trong quá trình hồi phục của Decker là việc mất đi thị lực: “Điều này nghe khá kì quặc nhưng khi bạn không thể thấy những gì cơ thể đã trải qua và thay đổi, sẽ rất khó để bạn hiểu được mức độ trầm trọng của sự việc”.
Tuy vậy, sau vài tuần buồn bã và chìm đắm vào cảm xúc tiêu cực, Decker biết rằng cuộc đời của cô chỉ có 2 lựa chọn: “Tôi có thể đầu hàng trước hoàn cảnh và sống phần còn lại của cuộc đời trong sự đau khổ, tuyệt vọng, hoặc tôi có thể trở nên tích cực hơn, tập luyện chăm chỉ và sống cuộc đời tốt đẹp hơn”.
Vì vậy, cô bắt đầu dùng hết năng lượng để phục hồi và 2 tuần sau đã chuyển vào một bệnh viện phục hồi chức năng. Ở đó, cô được gắn chân giả và từng bước tập di chuyển, đi lại.
Bắt đầu một chương mới của cuộc đời
Decker phải học lại mọi thứ từ việc đi lại, trang điểm hay buộc tóc cho cô con gái nhưng thái độ tích cực của cô chính là điều gây cảm hứng cho hàng ngàn người – một điều cô đã đề cập trong Unshattered, cuốn sách mới của mình.
Nói về việc truyền cảm hứng cho người xung quanh, Decker chia sẻ: “1 năm rưỡi sau khi phẫu thuật cắt bỏ chân tay, tôi được mời tham dự hội nhóm mẹ và bé ở địa phương để nói về việc vượt qua rào cản, thử thách. Tôi chưa từng nói trước đám đông nhưng chồng tôi đã khích lệ và cổ vũ. Tôi rất ngạc nhiên khi có nhiều người xúc động và đồng cảm với câu chuyện của mình”.
Decker và người chồng luôn yêu thương, cổ vũ cô |
Thời gian này, Decker thường có các buổi nói chuyện với những hội nhóm ở các trường đại học, nhà thờ và bệnh viện. Mặc dù không thể tiếp tục sự nghiệp của mình trong ngành y, Carol cảm thấy đã tìm được mục tiêu mới cho bản thân: “Khi biết rằng có nhiều người quan tâm tới những gì tôi chia sẻ và câu chuyện của mình có tác động tích cực tới cuộc đời của những người xung quanh, tôi biết bản thân đã tìm được hướng đi mới”.
Khi trò chuyện với mọi người, cô luôn giữ một thông điệp đơn giản: “Hãy thoải mái, trân trọng và tận hưởng mọi khoảnh khắc”.
Decker sống theo phương châm này và hi vọng sẽ lan truyền nó tới tất cả mọi người, không chỉ riêng những người tàn tật: “Mỗi người đều có quyền để đưa ra lựa chọn. Tôi chọn một cuộc sống vui vẻ và bạn cũng có thể như vậy. Sau tất cả, đó là cuộc đời của bạn và bạn có quyền quyết định những gì xảy ra với đời mình, nó sẽ không quá khó khăn như bạn tưởng”.
Gợi ý thực đơn chay cho dân văn phòng đủ năng lượng, không tăng cân
Nhiều nhân viên văn phòng lựa chọn chế độ ăn chay song chưa biết cách để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Kỹ sư ... |
Người con gái Đông Hà và ước mơ hát vang bài ca tiếp sức cho bệnh nhân ung thư
Đối mặt với căn bệnh ung thư phổi, cô Nguyễn Thúy Hương (TP. Đông Hà, Quảng Trị) vẫn luôn mỉm cười, lạc quan và tiếp ... |
Kính áp tròng mắc kẹt trong mắt 28 năm không hay biết
Một người phụ nữ 42 tuổi ở Dundee, Scotland bị mắc kẹt kính áp tròng trong mí mắt 28 năm sau khi cho rằng nó ... |