Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý dự thảo Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi của Quốc hội.
Dự thảo dự kiến bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS.
HoREA cho hay, quy định này là bước thụt lùi, không phù hợp với các quy định hiện hành và cũng không sát với thực tiễn; có thể sinh ra đặc quyền, đặc lợi cho các sàn giao dịch BĐS; ảnh hưởng quyền tự chủ kinh doanh của các chủ đầu tư dự án và sẽ làm tăng thêm giá bán nhà.
HoREA cho biết, quy định trên từng nằm trong Luật kinh doanh BĐS năm 2006. Thời điểm đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS được thành lập sàn giao dịch hoặc thuê sàn giao dịch của tổ chức, cá nhân khác để phục vụ cho hoạt động kinh doanh BĐS.
Nếu không thông qua sàn giao dịch, chủ đầu tư chỉ được phân chia tối đa cho các hình thức huy động vốn không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án nhưng phải thông báo cho Sở Xây dựng xác nhận.
Đối với 80% số lượng nhà ở còn lại, chủ đầu tư phải thực hiện bán, cho thuê thông qua sàn giao dịch, các sàn giao dịch không được tham gia đầu tư, mua bán, cho thuê nhà ở mà chỉ được làm trung gian để hưởng phí giao dịch.
Với việc chỉ được tự bán 20% số lượng sản phẩm, quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh, tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư dự án đã bị ảnh hưởng.
Trong khi đó: "Sàn giao dịch không bỏ vốn đầu tư vào dự án BĐS, nhưng lại được đặc quyền bán 80% sản phẩm dự án, đây là kiểu "tay không bắt giặc" là không bình đẳng, không công bằng giữa các doanh nghiệp", HoREA nhấn mạnh.
Ngoài ra, 2% giá trị hợp đồng là một khoản chi phí không hề nhỏ mà chủ đầu tư đã phải cộng thêm vào giá bán BĐS, nhà ở và người mua phải gánh chịu khi mua nhà.
Do đó, việc hưởng phí giao dịch trên dưới 2% giá trị hợp đồng cũng là không công bằng giữa các doanh nghiệp, chưa kể sàn giao dịch còn có thể chiếm dụng tiền thanh toán hợp đồng của khách hàng với chủ đầu tư.
Theo HoREA, các sàn giao dịch là rất cần thiết đối với thị trường BĐS, nhưng cần nhận thức rõ đây chỉ là bộ phận giữ vai trò cầu nối giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng, thực giao dịch theo ủy quyền của chủ đầu tư và hưởng phí.
Cũng bởi những bất cập nói trên, quy định chủ đầu tư phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch đã được bãi bỏ trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
"Việc bổ sung quy định này vào dự thảo sắp tới là một bước thụt lùi, không phù hợp với các quy định hiện hành và cũng không sát với thực tiễn, có thể làm tăng giá bán nhà", Hiệp hội nêu rõ.