Chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp Pret A Manger nổi tiếng tại Anh, đã mở cửa lại 10 chi nhánh của mình vào tuần trước. Với các thay đổi để "thích nghi" cùng các qui tắc an toàn sức khỏe. Hiện thực khách đến đây sẽ được trải nghiệm mua hàng rất khác so với chỉ hơn một tháng trước.
Cảnh tượng hàng dài người chờ đợi đến cửa ra vào trước kia đã không còn nữa, thay vào đó là chỉ 5-6 thực khách được phép vào cửa hàng cùng lúc. Đồng thời, trên sàn vẽ sẵn các điểm đứng chờ cho thực khách, đảm bảo mọi người giữ vững khoảng cách an toàn xã hội.
Tại quầy bán hàng, một tấm màn nhựa Perspex được dựng lên, ngăn cách mọi sự tiếp xúc vào phần bên trên cơ thể của cả khách hàng và nhân viên phục vụ. Menu món ăn tại toàn bộ 10 chi nhánh, thường có khoảng 60 món ăn, cũng đã bị cắt xuống chỉ còn 11 món, và chỉ phục vụ mang đi.
"Cách thức điều hành chuỗi Pret sẽ rất khác so với trước đây", ông Pano Christou – CEO Pret A Manger – nhận định.
"Giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, lượng khách đến chuỗi hơn 500 cửa hàng của hãng dự kiến sẽ giảm đáng kể".
Hai ông lớn Burger King và KFC cũng đã mở lại một số cửa hàng ở Anh, nhưng chỉ phục vụ mua mang đi và giao hàng tại nhà, cùng với các các qui tắc giãn cách tương tự như Pret và các qui trình vệ sinh nghiêm nghặt.
Tình hình đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục dự kiến sẽ còn kéo dài vài tuần, cho đến vài tháng nữa, tùy thuộc vào mỗi quốc gia.
Các chủ doanh nghiệp dịch vụ tại nhiều quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp và Đức đã được cảnh báo họ sẽ nằm trong số những người cuối cùng được dỡ bỏ tình trạng phong tỏa.
Alasdair Murdoch, CEO Burger King tại Anh, tiết lộ với Financial Times rằng: "Kịch bản xấu nhất của công ty là sẽ phải tiếp tục đóng cửa trong 24 tuần tới. Tôi nghĩ rằng khả năng cao là tình hình phong tỏa sẽ chỉ kéo dài tệ nhất thêm 12 tuần nữa".
Để chuẩn bị cho đợt "tái hoạt động" sắp tới, nhiều khách sạn tại châu Âu đã tích cực chuẩn bị và xây dựng các qui trình hoạt động "thông thường" mới.
Điển hình như giãn cách các không gian sử dụng chung, nâng tần suất dọn dẹp thường xuyên hơn, cung cấp các công cụ, thiết bị bảo vệ nhân viên và áp dụng công nghệ nhằm hạn chế tương tác trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên phục vụ.
Humphrey Cobbold - CEO Puregym, công ty điều hành chuỗi trung tâm thể hình lớn ở Anh, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Ba Lan, cho biết các cơ sở thuộc công ty sẽ được loại bỏ máy chạy bộ, và hạn chế số lượng thành viên tập luyện tại chỗ cùng lúc.
Công ty Nuova Neon Group 2 của Ý, đã đề nghị chia tách những chiếc ô che nắng và giường tắm nắng sẽ cách nhau 4,5 mét trên các bãi biển, để mọi người có thể tắm nắng an toàn.
Jason Atherton, đầu bếp nổi tiếng thế giới và từng nhận nhiều ngôi sao Michelin, đã chia sẻ trên một chương trình podcast rằng, anh đang cố gắng tìm cách phục vụ rượu vang trong khi vẫn giữ khoảng cách 1,5m.
Các biện pháp phòng ngừa thận trọng này cho thấy mức độ khó khăn và thách thức mà các loại hình doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, sau khi các lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng, lớn đến mức như thế nào.
Với việc các biện pháp giãn cách xã hội có khả năng sẽ vẫn được yêu cầu duy trì sau đó, các chủ doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng, tạo ra các thay đổi phù hợp, để vận hành lại hoạt động kinh doanh.
"Lĩnh vực giải trí và nhà hàng khách sạn là những thành phần của nền kinh tế chịu cú đòn mạnh nhất, và sẽ mất nhiều thời gian nhất để hồi phục", ông Will Hawkley, thuộc Tập đoàn KPMG, nhận định.
Theo Will, ở một cửa hàng quần áo bạn vẫn có thể giao tiếp xã hội, nhưng trong một nhà hàng hay quán rượu, toàn bộ vấn đề là sự tương tác xã hội.
Một nhà hàng ẩm thực Việt ở Thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, đã đăng thông báo về việc giảm một nửa lượng khách được phép vào, và đứng đợi ở phía ngoài nhà hàng, cho dù vẫn chưa mở cửa trở lại.
Đồng thời, chủ nhà hàng cho biết tất cả các nhân viên nhà bếp và phục vụ sẽ luôn sử dụng găng tay dùng một lần, và thay cái khác cứ sau mỗi 30 phút.
Amrit, một chuỗi nhà hàng ở Berlin, Đức cho biết họ đã thực thi các qui trình vệ sinh nghiêm ngặt vào hoạt động kinh doanh mua mang đi tại các nhà hàng của họ.
"Mỗi ngày chúng tôi đều đo và theo dõi nhiệt độ của nhân viên trước khi họ bắt đầu và kết thúc ca làm việc", đại diện chuỗi nhà hàng cho biết. "Bất kì nhân viên nào có nhiệt độ chênh lệch, cho dù rất nhỏ, cũng sẽ được cho về nhà".
Kế hoạch mở cửa lại chuỗi của Amrit đối mặt với một loạt các qui trình làm việc bổ sung.
"Cứ mỗi lần thay đổi lượt khách ở một bàn ăn, chúng tôi sẽ khử trùng bàn, ghế, tờ menu và nến trang trí", đại diện này cho biết thêm. "Các máy thanh toán tự động sẽ được làm sạch cứ sau mỗi 30 phút".
Công ty này cũng cho biết sẽ lập ra một danh sách những khách hàng đã đến dùng bữa tại chuỗi, nhằm hỗ trợ cho việc truy tìm những người có nguy cơ lây nhiễm nếu cần thiết.
Gần đây, Thụy Sĩ cũng đã thông báo sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất sáng tạo có thể cho phép ngành khách sạn sớm mở cửa lại, mặc dù thời gian chính kết thúc tình trạng phong tỏa sẽ vào giữa tháng 6 tới đây.
Gastrosuisse - cơ quan vận động hành lang lĩnh vực thương mại nhà hàng và quán bar của Thụy Sĩ, đã đệ trình một số đề xuất chi tiết cho chính phủ xem xét.
Các đề xuất này gồm có việc sử dụng các bàn phục vụ phụ tạm thời, giúp cho nhân viên phục vụ có thể đặt đồ uống và thức ăn cho khách hàng mà không cần phải nghiêng người hoặc tiến đến gần họ.
Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải trí cũng đang đốc thúc cải tiến công nghệ trong hoạt động kinh doanh.
Tim Richards, chủ chuỗi rạp chiếu phim Vue, cho biết đội ngũ công nghệ thông tin của họ đang tiến hành tái trang bị lại hệ thống đặt vé và sắp xếp ghế ngồi trực tuyến.
Tập đoàn Azzurri, công ty sở hữu các thương hiệu nhà hàng Zizzi và ASK của Anh, cho biết họ đang xây dựng hệ thống cho phép khách hàng đặt bàn trước và tự thanh toán, mà không cần phải gọi nhân viên phục vụ.
Đối với các chuỗi khách sạn lớn có mặt ở qui mô toàn cầu, như Marriott và Accor, thời gian hồi phục trở lại sẽ còn chậm hơn nhiều.
Ông Richard Clarke - nhà phân tích Công ty tư vấn Bernstein, dự báo rằng ngành khách sạn sẽ hoạt động bình thường vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, theo mô hình được nghiên cứu bởi các nhà phân tích tại Morgan Stanley, để trở lại mức hoạt động ghi nhận trong năm 2019, ngành khách sạn phải mất ít nhất 6 năm.
Thực tế, một số chuỗi khách sạn lớn đã bắt đầu có sực khởi sắc do những bước tiến tại thị trường Trung Quốc, sau khi quốc gia tỉ dân dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Theo công ty nghiên cứu STR Global, khoảng 90% khách sạn ở Trung Quốc đang mở cửa. Lượng khách đặt phòng đã tăng trở lại từ mức thấp gần bằng 0 lên tới 31% vào tuần trước.
Gaurav Bhushan - Giám đốc phát triển của Tập đoàn Accor, nhận định rằng: "Nếu nhìn vào những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, bạn sẽ bắt đầu hi vọng về việc nhiều người ở nơi khác cũng sẽ muốn ra ngoài du lịch hơn".
"Tuy nhiên, điều xảy ra ở nơi này không có nghĩa là nó sẽ xảy ra giống hệt như vậy ở một nơi khác", ông nói.
Liam Brown, Chủ tịch khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) của Tập đoàn Marriott, cho biết mọi chi tiết đều đang được xem xét cho thời gian thích hợp, để các khách sạn có thể mở cửa trở lại.
Ông tiết lộ tập đoàn cũng đã thay đổi các hóa chất tẩy rửa trong hệ thống thành các loại có thể tiêu diệt nhiều loại virus hơn, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Graeme Smith - CEO Công ty tư vấn AlixPartners, nói: "Ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn quay trở lại hoạt động, là họ phải hiểu được các chi phí thực sự liên quan đến việc mở cửa lại, và họ có khả năng tiến xa đến mức nào".
"Các công ty trên sẽ phải đào tạo lại đội ngũ nhân viên, sắp xếp và sửa chữa lại các khu vực địa điểm chung, sắp xếp các điểm kiểm tra sức khỏe, trong khi vẫn phải đưa ra các chiến dịch tiếp thị để tiếp cận với khách hàng", ông nói.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020