Không có khách, công ty du lịch dừng hoạt động, khách sạn cho nhân viên nghỉ 4 tháng, lương sếp bằng lương nhân viên

Do dịch bệnh virus corona bùng phát, nhiều khách sạn, công ty du lịch buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự, cào bằng mức lương từ sếp đến nhân viên để cầm cự trong thời điểm khó khăn này.

Khách sạn đóng cửa nhiều chi nhánh, cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng, lương sếp cũng như nhân viên vì virus corona 

Mới đây, một video quay lại cảnh một nữ quản lí khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel tại Hà Nội buộc lòng phải thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Theo nữ quản lí trong video cho biết, mỗi ngày khách sạn mất ít nhất hơn 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể chi phí điện nước, trả lương cho gần 100 nhân viên của cả hệ thống. Hiện 4 trong tổng số 9 khách sạn mà chị gây dựng đã không hoạt động 2 tháng nay vì vắng khách.

Không có khách, công ty du lịch tạm ngừng hoạt động, khách sạn buộc phải cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng, lương sếp cũng như nhân viên vì dịch virus corona - Ảnh 1.

Nhiều chi nhánh của Hanoi Emerald Waters Hotel phải đóng cửa vì vắng khách trong đợt dịch virus corona. (Ảnh: Hoàng Linh)

Khách du lịch nước ngoài, trong đó đa phần từ châu Âu đã bắt đầu hủy đặt phòng của Hanoi Emerald Waters Hotel từ hơn một tháng trước, khi tin dịch virus corona bùng phát. Khi dịch lan đến châu Âu, số người nhiễm tại Hàn Quốc tăng mạnh, tới 80% khách đã hủy phòng.

Nữ quản lí đưa ra hai phương án cho nhân viên lựa chọn. Phương án thứ nhất, nhân viên tạm nghỉ việc 4 tháng và về quê. "Tất cả những bạn quyết định về quê sinh sống trở lại sẽ được công ty hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, gọi là lương thất nghiệp. Nếu tình hình này diễn ra trong 4 tháng, các bạn sẽ được công ty trả 6 triệu vào ngày mùng 5/8, sau khi các bạn đi làm trở lại.

Tại sao đến tận ngày đó mới trả? Bởi nếu trả ở thời điểm này, nói thật là công ty không đủ tiền. Suốt 10 ngày qua, gom tiền để trả tiền điện thôi mà cũng thực sự khó khăn. Mỗi ngày khách sạn thu được 1 triệu hoặc 3 triệu, riêng tiền điện của toàn công ty đã 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng rồi", nữ quản lí cho biết. 

Đối với những người không thể nghỉ việc, khách sạn sẽ tạo điều kiện để nhân viên làm 18 ngày công và hưởng mức lương 4 triệu đồng/ người/ tháng. 

Không có khách, công ty du lịch tạm ngừng hoạt động, khách sạn buộc phải cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng, lương sếp cũng như nhân viên vì dịch virus corona - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình. (Video: Mạnh Trần See Less)

Nữ quản lí giải thích: "Giờ phút này không còn chức vụ, không còn ranh giới giữa sếp với nhân viên nữa, bây giờ là lúc chúng ta đối xử như nhau. Bếp trưởng bình thường 20 triệu/ tháng nay cũng nhận 4 triệu đồng/ tháng. Hãy cố gắng, vì tình hình khó khăn hiện tại mà mọi người hãy bỏ qua những thắc mắc như tại sao mình đang mức lương 12 triệu mà giờ chỉ còn 4 triệu đồng/tháng? Chính sách này sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/3". 

Nói về ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona, nữ quản lí chia sẻ: "Thật sự chưa từng chứng kiến trong suốt những năm làm nghề. So với đại dịch SARS ngày xưa, Hà Nội không như bây giờ. Lúc đó chỉ có 10 khách sạn mà khách sạn to nhất cũng chỉ có 15 nhân viên. Khi SARS đến, 10 người sẽ nghỉ không lương, 5 người đi làm đủ nhưng nhận 20% lương.

Ngày xưa giá phòng cũng chỉ 6 – 7 usd, thậm chí chỉ 2 usd nhưng mà vẫn không có khách trong 9 tháng trời. Vậy thì ngày hôm nay, với đại dịch này, nó khủng khiếp hơn rất nhiều lần so với SARS vì sự lây lan quá nhanh". 

Theo chị, với nhiều ngành nghề khác, không bán được thì cất trong kho, đợi hết dịch bệnh thì bán tiếp. Nhưng với khách sạn, phòng không bán được, công ty vẫn phải trả nhiều chi phí.

"Một ngày mở mắt ra, phòng không được bán, phòng đó vẫn được chi trả. Nhiều người không làm ngành này nên họ nói rất vô cảm nhưng chúng ta sống trong ngành này phải hiểu, nỗi đau mà chúng ta không thể chia sẻ được", nữ quản lí nghẹn ngào nói. 

Sau khi cắt giảm nhân sự và hỗ trợ tiền lương cho nhân viên, chủ chuỗi khách sạn 3 sao đã phải đóng cửa nhiều chi nhánh, chỉ để lại 1-2 nhân viên lễ tân trông đồ. 

Câu chuyện thiệt hại do dịch virus corona không của riêng ai

Tình trạng vắng khách, buộc phải cắt giảm nhân sự tại khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cũng đang là câu chuyện của rất nhiều doanh nghiệp lữ hàng, khách sạn hiện nay, khi phải đối mặt với ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.  

Theo anh Trần Văn Mạnh, nhân viên của công ty du lịch Big Travel chia sẻ: "Công ty mình vừa mới họp và đưa ra quyết định tạm thời ngưng hoạt động kinh doanh du lịch. Kể từ khi các nước bắt đầu công bố dịch, lượng khách hủy tour ngày càng nhiều. Công ty đang phải đứng trước tình cảnh khó khăn về doanh thu". 

Anh Mạnh cũng cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh là quá lớn, để khắc phục nó ít nhất phải mất đến một năm. Ngành dịch vụ du lịch khó mà sống sót nổi nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong thời gian dài. 

Không có khách, công ty du lịch tạm ngừng hoạt động, khách sạn buộc phải cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng, lương sếp cũng như nhân viên vì dịch virus corona - Ảnh 4.

(Ảnh: Tấn Việt)

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch, dù chưa đầy 2 tháng, tỉ lệ buồng phòng giảm 20-50%. Các điểm đến như Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM sụt giảm mạnh, lên tới 50% lượng khách so với cùng kì. Dự kiến, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 và 3 sẽ giảm trên 60%. Con số này với khách nội địa có thể tới 80%.

Ngành du lịch có thể sẽ phải chịu thiệt hại lên đến 7 tỷ USD chỉ trong 3 tháng vì dịch virus corona. Trong đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch như hệ thống resort - khách sạn, dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.