Khu công nghiệp thứ 9 của Hà Nam dự kiến khởi công vào đầu năm 2025

Dự kiến vào quý I/2025, KCN Thái Hà giai đoạn 2 do Hợp Tiến làm chủ đầu tư sẽ bắt đầu triển khai xây dựng. Đây sẽ là khu công nghiệp thứ 9 được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Bản đồ quy hoạch KCN Thái Hà giai đoạn 2. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Công ty TNHH Hợp Tiến vừa qua đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 2 - tỉnh Hà Nam. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Đầu tư và Môi trường Thái Bình Dương.

Dự án này được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 7/2022, đến tháng 3 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầi tư dự án và giao cho Hợp Tiến làm chủ đầu tư.

KCN Thái Hà giai đoạn 2 được thực hiện trên khu đất có diện tích 100 ha, thuộc địa bàn các xã Bắc Lý, xã Trần Hưng Đạo và xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Vị trí của dự án tiếp giáp với KCN Thái Hà giai đoạn 1.

Về hiện trạng, khu vực thực hiện dự án chủ yếu là đất trồng lúa (81,3 ha); đất giao thông chiếm hơn 9,6 ha; còn lại là đất trồng cây hàng năm và một phần là đất trồng cây lâu năm, đất nghĩa trang, mặt nước...

Tiếp giáp dự án ở phía bắc là tuyến ĐT.499 có mặt cắt ngang 12,5 m. Phía nam có tuyến đường bê tông rộng 8,5 m. Giao thông đối nội trong khu vực có tuyến đường liên thôn rộng 7,5 m và các đường đất, bờ ruộng với mặt cắt ngang 2,5 - 3,5 m.

Theo thống kê sơ bộ, để thực hiện dự án phải đền bù đất lúa khoảng 81,3 ha và 0,3 ha nuôi trồng thuỷ sản, 0,3 ha đất trồng trọt khác. Cùng với đó là di dời khoảng 60 ngôi mộ nằm rải rác trong khu vực.

Vị trí của KCN Thái Hà nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 74,8 ha để xây dựng nhà máy, kho tàng; 10,3 ha đất cây xanh; 10,2 ha đất giao thông; 2,4 ha đất mặt nước và 2,3 ha đất xây trung tâm điều hành, dịch vụ.

Về tính chất, đây sẽ là KCN tổng hợp đa ngành, có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tập trung vào một số ngành nghề như cơ khí lắp ráp; công nghệ điện, điện tử; sản xuất hàng tiêu dùng; công nghệ chế biến thực phẩm; các loại hình công nghiệp không ô nhiễm môi trường...

Về các hạng mục, khu trung tâm điều hành kết hợp dịch vụ của dự án được bố trí gần lối vào chính, ngay nút giao thông lớn phía bắc (kết nối với trục đường đô thị Phủ Lý - Thái Bình). Mật độ xây dựng tối đa của khu trung tâm này là 50%, chiều cao tối đa 8 tầng.

Đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp được chia thành các lô có quy mô 1 - 3 ha, lối vào chính của nhà xưởng được mở hướng ra các tuyến đường nội bộ của KCN.

Bãi đỗ xe được quy hoạch tập trung với diện tích khoảng 1,9 ha bố trí tiếp giáp phía tây dự án. Chủ dự án sẽ ký thoả thuận với CTCP Đầu tư KCN và Đô thị Thái Hà về việc sử dụng chung bãi đỗ xe cho cả 2 giai đoạn của dự án.

Về tiến độ, dự kiến từ quý III năm nay, chủ đầu tư sẽ bắt đầu tiến hành thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng tại khu vực dự án. Từ quý IV sẽ bắt đầu rà phá bom mìn, phát quang thảm thực vật. Đến quý I/2024, dự kiến sẽ bắt đầu san lấp mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Từ quý III/2026, dự án có thể thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại KCN.

Tổng mức đầu tư của KCN Thái Hà giai đoạn 2 là gần 977 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng măt bằng chiếm 214 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm 586 tỷ đồng...

Ranh giới KCN Thái Hà. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Chủ đầu tư Hợp Tiến là ai?

Về chủ đầu tư, Công ty TNHH Hợp Tiến được thành lập vào tháng 10/2007, hiện có trụ sở tại huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Tính đến tháng 2/2022, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 350 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm 4 thành viên. Các cổ đông này bao gồm ông Lê Tuấn Tiến (60%); Giám đốc Lê Tuấn Tài (20%); ông Lê Văn Tuyền (10%) và Lê Minh Tú (10%). 

Theo tìm hiểu của người viết, hiện nay Hợp Tiến đang nắm giữ 42% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư Khu công nghiệp và đô thị Thái Hà (tương đương 126 tỷ đồng) - doanh nghiệp đang là chủ đầu tư của KCN Thái Hà giai đoạn 1. Bản thân Hợp Tiến cũng thi công hạng mục san nền cho giai đoạn 1 của dự án.

Nói thêm về Hợp Tiến, lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp này là xây dựng.

Hợp Tiến từng tham gia xây dựng một số dự án hạ tầng quy mô lớn như cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, TP Hải Phòng...

Bên cạnh đó, riêng trên địa bàn Hà Nam, Hợp Tiến từng trúng thầu rất nhiều dự án xây dựng lớn nhỏ: Đường ven hồ Tam Chúc Khu du lịch Tam Chúc; Trường Kinh tế Kỹ thuật Mật mã Thanh Sơn (Kim Bảng); Sửa chữa hư hỏng mặt đường quốc lộ 1 Hà Nam; Cải tạo, sửa chữa đường ĐT.498B (Kim Bảng);...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 8 KCN đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng.

Các dự án này bao gồm KCN Đồng Văn 1, KCN Đồng Văn 2, KCN Châu Sơn, KCN Hoà Mạc, KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn 1, KCN Đồng Văn 4, KCN Thanh Liêm và KCN Thái Hà giai đoạn 1. Đến nay, cơ sở hạ tầng của các KCN này đã được xây dựng cơ bản, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 77%. 

Như vậy, KCN Thái Hà giai đoạn 2 sẽ là KCN thứ 9 được triển khai tại Hà Nam.