Khu vực nào đang là điểm nóng bất động sản?

Trong quý III, nhà đất thổ cư dưới 2 tỷ ở Hải Phòng giao dịch tốt; giá đất nền vùng ven Tây Nguyên ghi nhận tăng trưởng; dự án căn hộ ở TP HCM và vùng ven có tỷ lệ hấp thụ cao; bất động sản Hà Nội sôi động với nguồn cung và mức giá tăng trưởng nóng...

Ảnh minh họa: Hoàng Huy.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa cập nhật những diễn biến mới của thị trường nhà đất tại loạt địa phương trên cả nước trong quý III/2024. 

Tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, nguồn cung hạn chế do các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Giá bán đi ngang. Giao dịch tăng không đáng kể do bị gián đoạn bởi cơn bão Yagi và hoạt động rút tiền về Hà Nội của các nhà đầu tư.

Các dự án nhà ở xã hội (NOXH) ghi nhận lượng giao dịch đều ở mức trung bình. Hiện tượng người nước ngoài sinh sống trong các dự án nhà ở xã hội tiếp tục tiếp diễn.

Ở vùng duyên hải Bắc Bộ, thị trường bất động sản Quảng Ninh ghi nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực trong quý III với nhu cầu tăng khoảng 40%.  

Trong khi đó, thị trường Hải Phòng không có nhiều biến động do nguồn cung chủ yếu là các dự án đã mở bán trước đó. Một số dự án chung cư thương mại tăng giá, khó bán do phải cạnh tranh trực tiếp với các dự án NOXH có giá chỉ bằng 1 nửa nhưng chất lượng gần tương đương. Phân khúc đất nền, nhà đất thổ cư có giá dưới 2 tỷ đồng tiếp tục giao dịch tốt, nhất là ở khu vực Thủy Nguyên.

Quý III, bất động sản Hà Nội sôi động với nguồn cung và mức giá tăng trưởng nóng. Các dự án mở bán giá ngày càng tăng nhưng vẫn được hấp thụ tốt. Cùng với đó, một số huyện vùng ven xuất hiện "chảo lửa" đất đấu giá. 

Nhìn sang khu vực vùng phụ cận Thủ đô, bất động sản Hà Nam ghi nhận dự án đại đô thị mới ra mắt, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư miền Bắc, thị trường nhà đất Hải Dương tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Tại Trung Trung Bộ, bất động sản Đà Nẵng tăng tốc phục hồi trong quý III. Các dự án mở bán mới có tỷ lệ hấp thụ tốt, hơn 50% nguồn cung có giá trên 80 triệu đồng/m2. Trên thị trường thứ cấp, giá bán, thanh khoản tiếp tục tăng khoảng 10 - 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, bất động sản Quảng Nam diễn biến ảm đạm khi nhiều dự án vẫn đang chờ tháo gỡ vướng mắc. Chu Lai là khu vực hiếm hoi ghi nhận điểm sáng với thông tin phê duyệt quy hoạch.

Tại Tây Nguyên, giao dịch, giá bán đất nền vùng ven có giá dưới 1 tỷ đồng ghi nhận tăng trưởng, farm nông nghiệp được quan tâm nhiều. Nguồn cung tại Đắk Lắk ghi nhận từ 3 khu đô thị lớn, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 50%. 

Khánh Hòa, thanh khoản sản phẩm đất nền thổ cư, đất nông nghiệp vùng ven trầm lắng. Trái lại, hoạt động cho thuê lại sôi động với mức giá tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ. Tại khu vực trung tâm Nha Trang, thị trường diễn ra tương đối nhộn nhịp. 

Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh tư liệu: Thủy Long). 

Tại khu vực TP HCM và vùng phụ cận, nguồn cung bất động sản trong quý III chủ yếu đến từ Bình Dương và Đồng Nai. Các dự án căn hộ có tỷ lệ hấp thụ tốt. Với phân khúc đất nền, thấp tầng, thanh khoản ghi nhận cải thiện. Riêng ở TP HCM, nguồn cung chủ yếu đến từ giai đoạn chào bán tiếp theo của các dự án cũ. 

Nguồn cung trên thị trường Tây Nam Bộ trong 3 tháng qua chủ yếu là hàng tồn kho. Căn hộ đáp ứng nhu cầu ở thực (khu vực TP Cần Thơ) được khách hàng hướng tới.

Sản phẩm giao dịch chủ yếu là đất thứ cấp bán cắt lỗ trong dân. Về diễn biến giá bán, giá căn hộ tăng 2% so với quý II, còn giá đất nền đi ngang. Số lượng môi giới quay trở lại thị trường chưa nhiều, chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018. 

Bất động sản vẫn kém hấp dẫn

Tại tọa đàm mới đây của Báo Người Lao Động, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam nhìn nhận: "Thị trường bất động sản đã có sự phục hồi nhất định".

Chuyên gia dự báo trong thời gian tới, với điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lãi suất cho vay hấp dẫn (6 - 6,5%/năm), thị trường dự kiến sẽ tiếp tục đà hồi phục từ cuối năm 2023, nhất là ở phân khúc căn hộ và nhà ở vừa túi tiền.

Bên cạnh đó, đất nền tại các khu vực có đầy đủ tiện ích, pháp lý rõ ràng và đất thổ cư vẫn sẽ là điểm sáng, thúc đẩy nguồn cung gia tăng.

Tuy nhiên, đại diện DKRA cũng lưu ý, để chuyển sang một chu kỳ phát triển tích cực hơn, tâm lý nhà đầu tư là yếu tố then chốt. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi tại ngân hàng đang tăng cao, cho thấy một bộ phận lớn người dân vẫn giữ tiền mặt, chờ đợi cơ hội đầu tư phù hợp.

Theo chuyên gia, những vướng mắc pháp lý cần sớm được tháo gỡ để gia tăng nguồn cung.

"Từ sau ngày 1/8, chưa có nhiều dự án được triển khai vì thị trường đang cần thêm thời gian để thẩm thấu các thay đổi về pháp lý. Nếu những vấn đề này được giải quyết, nhiều dự án sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn và thị trường sẽ sôi động hơn, giúp cung - cầu gặp nhau", ông Thắng nói. 

Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, mặc dù lãi suất cho vay đang ở mức thấp, kỳ vọng kích thích dòng tiền chảy vào bất động sản nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Nguyên nhân chính là do giá nhà vẫn neo ở mức cao trong khi thanh khoản thị trường thấp khiến các nhà đầu tư e ngại.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.