Sau khi vừa bị New York Times vạch mặt “chiêu” định hướng dư luận và lấp liếm những sai phạm, nhiều đơn vị quảng cáo thế giới cũng tố cáo Facebook kinh doanh thiếu đạo đức do chỉ nghĩ đến tiền.
Chưa dừng lại, server của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu và nhiều ứng dụng khác trong hệ sinh thái là Instagram và Whatsapp tuần qua lỗi liên tục, khiến người dùng bức xúc. Chuỗi khủng hoảng của Facebook đang khiến các nhà đầu tư nổi giận.
Kể từ khi lập đỉnh vào tháng 7 năm nay, chỉ sau 4 tháng, cổ phiếu hãng mạng xã hội Facebook đã giảm gần 40%, quay về mốc của 2 năm trước.
Theo CNBC, 200 tỷ USD vốn hóa của Facebook bị thổi bay trong ít tháng qua, xuất phát từ đà lao dốc của cổ phiếu công nghệ Mỹ và cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donal Trump. Tuy nhiên, những khó khăn của mạng xã hội này đã bộc lộ từ trước đó, và cổ phiếu Facebook có phần thể hiện kém hơn chỉ số Nasdaq và các hãng công nghệ khác.
Cổ phiếu giảm 40% và ngày càng gây mất niềm tin. |
Tháng trước, công ty báo cáo doanh thu đã gây thất vọng. Dự kiến, chi phí hoạt động của hãng trong năm sau sẽ tăng 40-50%. Ngoài ra, thống kê số lượng người dùng có hoạt động trên mạng xã hội này cũng không mấy khả quan.
Trước khó khăn của Facebook, các nhà phân tích cũng không tin mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này có thể duy trì sự phát triển trong cơn “hoạn nạn” lần này.
Hôm 26/11, Scott Devitt thuộc Stifel Nicolaus trở thành chuyên gia mới nhất bi quan về Facebook. Ông hạ mục tiêu giá cổ phiếu của hãng từ 186 USD xuống còn 150 USD. Trước đó vài ngày, Brian Wieser của Pivotal Research cũng đã thể hiện thái độ hoài nghi của các nhà quảng cáo lo ngại về vấn đề đạo đức trên Facebook.
“Không còn nhiều người dùng quan tâm đến Facebook nữa. Họ đặc biệt mệt mỏi vì nhiều đợt tranh cãi chính trị, các vụ bê bối và nỗ lực quảng cáo ồ ạt. Hỏi một người dùng Facebook về việc họ cảm thấy website thế nào, câu trả lời chỉ là trạng thái ngán ngẩm. Facebook không còn được như trước”, nhà phân tích James Brumley thuộc InvestorPlace nhận định.
“Facebook đã bị mất niềm tin từ người dùng. Hiện các công cụ PR để thiết lập lại mối quan hệ này là không đủ và không thể hiệu quả. Ngoài ra, sự tăng trưởng của hãng cũng đang bị trì trệ. Facebook cần phải làm một điều gì đó quan trọng vào lúc này, để thay đổi tình hình không mấy tốt đẹp đang đối mặt”, nhà phân tích Daniel Newman thuộc Futurum Research nói với CNBC.
Nhiều nhà đầu tư của Facebook khẳng định điều giúp cải thiện tình hình của hãng lúc này là Mark Zuckerberg phải từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị, để tách bạch vai trò Giám đốc điều hành và Chủ tịch do ông đồng nắm giữ.
Phó chủ tịch cấp cao của Trillium - Jonas Kron, người sở hữu khoảng 53.000 cổ phiếu Facebook, cho biết việc làm rõ ràng ghế Chủ tịch hội đồng quản trị độc lập vào lúc này là cần thiết.
Theo ông, vai trò kép của Mark Zuckerberg làm ngăn cản Hội đồng quản trị hành động độc lập và giám sát hoạt động của công ty.
“Zuckerberg không phải lắng nghe hoặc báo cáo ai, để đảm bảo rằng ông ấy không đưa ra những quyết định ngu ngốc”, Julie Goodridge - Giám đốc điều hành của Northstar Asset Management, tức tối.
Đề xuất tách biệt ghế Chủ tịch và CEO của Mark Zuckerberg tại Facebook sẽ được bỏ phiếu tại cuộc họp cổ đông kế tiếp của hãng trong năm sau. Ngoài ra, các vấn đề như Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, bê bối liên quan việc chia sẻ dữ liệu Cambridge Analytica, trầm cảm và tình trạng sức khỏe không ổn định, mà nguyên nhân bắt nguồn từ dịch vụ của hãng, cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
“Hiện tôi nghĩ rằng điều đó không có ý nghĩa”, Zuckerberg nói với CNN vào tuần trước, khi được hỏi ông có cân nhắc từ bỏ vai trò Chủ tịch hay không.
Kể từ khi rời Harvard vào năm 2004, Mark Zuckerberg gần như duy trì hoàn toàn quyền kiểm soát Facebook, khi sở hữu 60% cổ phần quyền biểu quyết. Điều này cho thấy, CEO 34 tuổi vẫn là người có uy quyền nhất Facebook, dù có điều gì xảy ra.
Trước đó, Zuckerberg từng đổ lỗi cho Sandberg, vì cho rằng bà và các nhóm do bà phụ trách gây rắc rối cho công ty. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, CEO của Facebook đã lên tiếng khen ngợi Sandberg, và hy vọng cả hai sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong vài năm nữa.
Việc khẳng định không từ chức ghế Chủ tịch của ông chủ Facebook không phải là lần đầu tiên khi các nhà đầu tư đề cập vấn đề này.
“Tôi thật sự không nghĩ đề xuất đó là đúng đắn”, Zuckerberg nói giữa tháng 11.
Ông cương quyết bác bỏ việc tách bạch hai vị trí Chủ tịch và Giám đốc điều hành tại Facebook. Nguyên nhân là điều này có thể gây ra sự thiếu ổn định, gây nhầm lẫn và kém hiệu quả cho ban quản trị trong việc quản lý và quan hệ.
Dù ông chủ Facebook khẳng định không từ chức, nhưng trước mắt nhà đầu tư thì chính Mark Zuckerberg phải là người chịu trách nhiệm cho những khủng hoảng khiến mạng xã hội lớn nhất toàn cầu bị giảm mạnh doanh thu, cổ phiếu, uy tín dịp cuối năm.
Lý do Steve Job, Mark Zuckerberg thích vừa họp vừa đi bộ
Thay vì ngồi họp với 4 bức tường, những CEO công nghệ thích làm việc đó khi đi bộ để tăng sáng tạo và tập ... |
Facebook bị cú sốc chưa từng có, Mark Zuckerberg trải qua một đêm khủng hoảng
Cổ phiếu lao dốc đã khiến Facebook mất 130 tỷ USD và tài sản ông Mark Zuckerberg cũng “bay” 17 tỷ USD chỉ trong một ... |
Mark Zuckerberg chiếm ngôi giàu thứ 3 thế giới của Warren Buffett
Số tài sản của ông chủ Facebook hiện nhiều hơn huyền thoại đầu tư khoảng 370 triệu USD. |
Tài sản của tỷ phú Facebook, Mark Zuckerberg ra sao sau scandal lớn nhất lịch sử?
Scandal bảo mật lớn nhất trong lịch sử kéo qua Facebook và khiến CEO của họ, tỷ phú Mark Zuckerberg phải ra điều trần nhưng ... |
Mark Zuckerberg ra trước Nghị viện châu Âu vào tuần sau
Sếp Facebook Mark Zuckerberg vừa đồng ý gặp các thành viên cao cấp của Nghị viện châu Âu để thảo luận về việc sử dụng ... |