Kiểm duyệt, dán nhãn phim tại Việt Nam vẫn còn lộn xộn

Các bộ phim chiếu rạp được phân loại độ tuổi theo bốn cấp độ từ ngày 1/1. Song, sau một tháng triển khai, chủ đề kiểm duyệt phim tại Việt Nam lại “nóng” với nhiều điều bất cập.

Theo thông tư của Bộ Văn hóa, Thể Thao Du lịch và Cục Điện ảnh, các tác phẩm điện ảnh trình chiếu ngoài rạp tại Việt Nam được chia theo các cấp độ: phổ biến (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18), từ ngày 1/1/2017.

Trước đó, các bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam chỉ được phân loại theo hai mức độ là phổ biến rộng rãi (G) hoặc cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (NC-16).

Tiêu chí để Cục Điện ảnh đưa ra phân loại lứa tuổi mới cho các tác phẩm điện ảnh bao gồm chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim, mức độ cảnh bạo lực, mức độ cảnh khỏa thân hoặc quan hệ tình dục, mức độ cảnh sử dụng ma túy, chất kích thích...

Có tín hiệu khởi sắc, nhưng vẫn còn bất cập

Cuối 2016, ê-kíp phát hành bộ phim Việt Chạy đi rồi tính quyết định “chạy” khỏi mùa phim Tết Nguyên đán, đẩy bộ phim lên chiếu sớm từ 30/12. Tại thời điểm đó, phim vẫn được duyệt theo hai cấp độ cũ, và phải nhận nhãn NC-16 từ Cục Điện ảnh.

kiem duyet dan nhan phim tai viet nam van con lon xon

Diễn viên nhí Trọng Khang và bộ phim Chạy đi rồi tính từng là “nạn nhân” của hệ thống phân loại phim theo độ tuổi cũ. Ảnh: Duy Nam.

Hậu quả là diễn viên nhí Trọng Khang không thể vào rạp để thưởng thức màn trình diễn của bản thân bên cạnh Diễm My 9X - Hứa Vĩ Vănvà bật khóc tại buổi họp báo ra mắt tác phẩm tại TP.HCM. Dĩ nhiên, doanh thu phim cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi một lượng lớn khán giả thiếu niên không được phép chọn mua vé Chạy đi rồi tính khi đến rạp.

Trong suốt một thời gian dài, nhiều đơn vị phát hành từng “đau đầu” khi thấy các bộ phim chỉ bị dán nhãn PG-13 ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam phải chịu nhãn NC-16. Điển hình nhất chính là các tác phẩm siêu anh hùng như Captain America: Civil War, Suicide Squad hay Doctor Strange trong năm 2016.

Do đó, sau khi thông tư mới của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch được thông qua, giới làm phim và phát hành phim tại Việt Nam tạm thời “thở phào nhẹ nhõm” bởi nay có thêm nhãn C13 - cấm phổ biến đến khán giả dưới 13.

Hệ thống phân loại độ tuổi mới lập tức giúp ích cho một số tác phẩm, mà điển hình là Your Name.

Ra rạp từ 13/1, bộ phim hoạt hình Nhật Bản của đạo diễn Makoto Shinkai chứa đựng một số cảnh nhạy cảm liên quan đến giới tính, mà nếu theo hệ thống phân loại cũ thì gần như chắc chắn sẽ bị gắn nhãn NC-16. May mắn thay, việc chỉ bị dán nhãn C13 góp phần không nhỏ trong việc giúp tác phẩm thu hơn 20 tỷ đồng tại Việt Nam.

kiem duyet dan nhan phim tai viet nam van con lon xon

Nội dung Your Name có một số tình tiết liên quan tới chuyện hoán đổi thân xác nam - nữ. Phim có nhãn C13 và thu khoảng hơn 20 tỷ đồng tại Việt Nam sau khi kết thúc trình chiếu. Ảnh: CoMix Wave.

Nhưng câu chuyện trở nên phức tạp hơn với nhiều bất cập trong mùa phim Tết Nguyên Đán 2016. Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 của Châu Tinh Trì khởi chiếu đúng mùng 1 Tết với nhãn P - tức được phổ biến tới mọi đối tượng khán giả.

Nhiều phụ huynh đã “hăm hở” cho con đến rạp những ngày đầu năm để gặp lại bốn thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hay Sa Tăng, mà không ngờ rằng phim chứa đựng nhiều cảnh dung tục, hở hang, không phù hợp với trẻ em.

Trong khi đó, các phim Việt ra rạp cùng thời điểm như Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu hay Nàng tiên có 5 nhà bị dán nhãn C13 dù không nhạy cảm bằng theo đánh giá của nhiều khán giả và khiến doanh thu bị ảnh hưởng.

Câu chuyện gây ra cuộc tranh cãi bất tận trên mạng xã hội về việc liệu Hội đồng duyệt phim Quốc gia đã công tâm trong chuyện dán nhãn phim và kiểm duyệt hay chưa.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, anh Nguyễn Hoàng Phương - giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD - nhận xét: “Hệ thống phân loại độ tuổi mới của Cục Điện ảnh là bước đi cần thiết, dù hơi muộn. Thông tư mới được đưa vào áp dụng hơn một tháng, có lẽ công chúng cần cho Hội đồng duyệt thêm thời gian để họ thích nghi với cách làm việc mới".

"Riêng trường hợp của Mối tình ngoại truyện 2 thì nhãn C13 tại Việt Nam sẽ hợp lý hơn và phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về những phim có nhãn P trước khi đưa con em ra rạp, nhất là với các tác phẩm không phải thuộc thể loại hoạt hình”, anh đánh giá.

Đã có bốn nhãn nhưng vẫn cắt

Một bộ phim để ra rạp tại Việt Nam cần có buổi chiếu kiểm duyệt tại Cục Điện ảnh. Việc phim có cần phải cắt bỏ đoạn nào, gắn nhãn ra sao sẽ được thông báo qua Giấy phép Phổ biến phim do Cục Điện ảnh cung cấp.

Sau đó, nhà phát hành có nhiệm vụ gửi bản copy giấy phép tới các nhà rạp nhận chiếu tác phẩm đó, và các đơn vị rạp sẽ tiếp tục thông báo thông tin rộng rãi tới cho khán giả về nhãn mà bộ phim nhận được.

Trong quá khứ, một bộ phim tuy đã gắn mác NC-16 tại Việt Nam nhưng vẫn có thể bị lược bỏ những trường đoạn bị cho là trái với thuần phong mỹ tục, mà Fifty Shades of Grey - 50 sắc thái (2015) là trường hợp điển hình.

Trên thực tế, khán giả cũng không được biết phim bị cắt cảnh nào cụ thể, mà chỉ có thể so sánh thời lượng phim tại Việt Nam so với bản gốc trên thế giới để áng chừng khoảng thời gian bị cắt là bao nhiêu.

kiem duyet dan nhan phim tai viet nam van con lon xon

Chuyện “cứ cởi là cắt” vẫn xảy ra đối với Fifty Shades Darker tại Việt Nam giống như phần một 50 sắc thái cách đây hai năm. Ảnh: Universal.

Khi Cục Điện ảnh đưa ra bảng tiêu chí phân loại phim mới từ 1/1, không ít khán giả tỏ ra vui mừng khi nhãn C16 và C18 có thể giúp các tác phẩm máu me, bạo lực hoặc nhạy cảm về mặt tình dục vẫn vẹn nguyên khi ra rạp.

Hồi đầu năm, một số thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia phát biểu rằng quy định mới sẽ giúp nhiều bộ phim không bị cấm chiếu, bởi đã có khoảng 30 tác phẩm không lọt vòng kiểm duyệt trong năm 2016.

Song, những trường đoạn, chi tiết, ngôn ngữ… không phù hợp với văn hóa Việt Nam vẫn cần phải bị lược bớt. Nếu số lượng cảnh nóng, cảnh bạo lực trong phim vượt mức quy định cho phép, phim có thể cần bị cắt trước rồi mới được phân loại.

Tuần 10/2 là “liều thuốc thử” cực mạnh dành cho Hội đồng duyệt phim và khiến khán giả hồi hộp chờ đợi bởi có bốn bộ phim nhạy cảm cùng ra rạp: Fifty Shades Darker - 50 sắc thái: Đen (tình dục), John Wick: Chapter 2 (bạo lực), Rings (kinh dị) và Resident Evil: The Final Chapter (vừa bạo lực, vừa kinh dị).

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, chỉ có Resident Evil: The Final Chapter là không bị cắt cảnh nào. Nhóm ba tác phẩm còn lại đều bị lược bỏ ít nhiều. Trước đó, quá trình kiểm duyệt dành cho Fifty Shades Darker, John Wick: Chapter 2 Rings cũng kéo dài hơn dự kiến, và khiến chúng ra rạp chậm hơn khoảng nửa ngày.

kiem duyet dan nhan phim tai viet nam van con lon xon

John Wick 2 cũng bị cắt một số cảnh bạo lực nhưng được xử lý tương đối khéo léo. Ảnh: Summit.

Fifty Shades Darker còn lác đác một số cảnh nóng, nhưng tình trạng “cứ cởi là cắt” của phần một vẫn diễn ra. John Wick: Chapter 2 bị lược bỏ một số cảnh hành động của nhân vật chính, nhưng được biên tập khéo và phải tinh ý mới nhận ra. Còn đoạn kết của Rings cũng không còn được trọn vẹn.

Anh Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ: “Tôi nghĩ đã phân loại đối tượng xem phim mà vẫn cắt phim là điều bất cập. Nếu đó là vì yếu tố chính trị hoặc gây ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, cắt phim là điều dễ hiểu".

"Nhưng nếu vì bạo lực hay tình dục liên quan trực tiếp tới nội dung phim mà vẫn bị cắt, nó sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm, nhất là với các phim có nhãn C18. Khán giả chắc chắn sẽ không thể hiểu hết điều mà tác phẩm muốn truyền tải”, anh nhấn mạnh.

Như vậy, ngay cả khi Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim đã đưa ra bốn nhãn phim, câu chuyện cắt phim vẫn đang tiếp diễn. Lúc này, hệ thống phân loại độ tuổi mới có thể giúp nhà phát hành mạnh tay hơn trong việc lựa chọn các tác phẩm “nặng đô” của điện ảnh thế giới và đem về kiểm duyệt.

Nhưng việc nó còn nguyên vẹn bao nhiêu phần trăm khi ra rạp tại Việt Nam thì hiện vẫn là dấu hỏi lớn.

Từ 1/1/2017, các bộ phim trình chiếu ngoài rạp tại Việt Nam sẽ được chia theo các cấp độ: phổ biến (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 (C18).

Mức G, tức phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng sẽ cấm các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục, sử dụng ma tuý và chất kích thích, gây nghiện, cũng như các cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục.

Các cảnh nhạy cảm sau đó được nới lỏng dần theo lứa tuổi. Với C13, phim bị cấm những hành động bạo lực miêu tả chi tiết, có thời lượng kéo dài; chỉ chấp nhận hình ảnh khoả thân không trực diện phía trước, phía sau hoặc hình ảnh khoả thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu sổ.

Với C16, phim bị cấm các cảnh giết người, gây đau đớn, thương tích, chảy máu thường xuyên, cũng như các hình ảnh khoả thân và hoạt động tình dục được miêu tả chi tiết, kéo dài.

Cuối cùng, với C18, các tiêu chí phân loại được nới lỏng hơn, chỉ cấm các cảnh phim tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh đến người xem; cấm các hình ảnh khoả thân toàn phần hoặc cảnh miêu tả chi tiết bộ phận sinh dục cũng như hoạt động tình dục; cảnh miêu tả chi tiết việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.