Licogi 14 thua lỗ 9 tháng đầu năm do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 70 tỷ

Theo BCTC quý III, doanh thu thuần của Licogi 14 cao gần gấp đôi so với cùng kỳ, song, giá vốn, chi phí ăn mòn doanh thu khiến lãi giảm. Trong kỳ, công ty phát sinh thêm khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư.

CTCP Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 35 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ.

Giá vốn hàng bán đạt gần 13 tỷ đồng, tăng 225% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 77% xuống 63% trong 9 tháng đầu năm. Các khoản chi phí trong kỳ tăng so với cùng kỳ năm ngoái kéo lợi nhuận sau thuế giảm 7% còn 8 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Licogi 14. Nguồn: BCTC công ty, Quỳnh Anh tổng hợp.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 129 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn gần 69 tỷ đồng kéo Licogi báo lỗ sau thuế 15,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 39 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của công ty âm 116 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 41,3 tỷ đồng, chủ yếu do chi cho các hoạt động kinh doanh và trả cho người cung cấp dịch vụ và hàng hoá đều tăng cao so với cùng kỳ.

Dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp đạt 90 tỷ đồng, chủ yếu do thu hồi các khoản tiền đầu tư gửi ngân hàng có kỳ hạn. Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 3 tỷ đồng do công ty chi gần 9 tỷ đồng trả nợ gốc vay. Kết quả, dòng tiền thuần trong kỳ âm gần 29 tỷ đồng. 

Tổng tài sản tại cuối quý III đạt 553,87 tỷ đồng, giảm 3,5% so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 434,3 tỷ đồng, giảm 5,7%, tài sản dài hạn hơn 119,5 tỷ đồng, tăng 6,2%. Hàng tồn kho đạt 155,88 tỷ đồng, tăng 29,9% so với đầu kỳ, phần lớn là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (155,5 tỷ đồng).

Lượng tiền mặt cũng giảm 28% còn 205 tỷ đồng, trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm hơn 25%, gồm gần 120 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và hơn 105 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh. Trong đó, chứng khoán kinh doanh là khoản phát sinh thêm so với đầu năm, công ty cũng có thêm khoản trích lập dự phòng hơn 68,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư tài chính này. 

Về phần nguồn vốn, dư nợ tài chính tại thời điểm cuối quý III của công ty đạt 18,3 tỷ đồng, tăng gần 70% so với đầu năm, trong đó nợ dài hạn hơn 12 tỷ đồng đều là từ các khoản vay ngân hàng. 

Tag:
chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.