Lợi nhuận CII giảm 95% do hụt doanh thu tài chính, gối đầu loạt dự án cho kế hoạch 'nằm im thu tiền'

Quý I, doanh thu thu phí giao thông và bất động sản của CII đều tăng so với cùng kỳ. Song, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, công ty báo lãi sau thuế 34,8 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.

Lãi sau thuế giảm 95% do hụt doanh thu tài chính

Theo báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII), quý I, công ty đạt doanh thu thuần 748 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu trong quý là từ hoạt động thu phí giao thông 348 tỷ đồng và từ hoạt động kinh doanh bất động sản 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,3% và 17,5%. 

 KQKD hợp nhất quý I/2023 của CII. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Song, doanh thu tài chính giảm mạnh, chủ yếu do giảm các khoản lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng đầu tư tài chính từ gần 776 tỷ đồng trong quý I/2022 còn hơn 900 triệu đồng trong quý vừa qua. 

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 34,8 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.

Các dự án gối đầu cho kế hoạch "nằm im thu tiền"

Ngày 26/4 vừa qua, Tổng Giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình đã chia sẻ với các cổ đông công ty rằng trong năm 2022, CII đã hoàn thành hàng loạt các dự án BOT và bất động sản. 

"Và khi chúng ta tập trung hết nguồn lực vào các dự án đó, đến cuối năm 2022 vừa rồi, chúng ta chỉ còn có một cái việc là ngồi thu tiền", ông Bình nói, đồng thời cho biết kế hoạch năm nay sẽ là "tiếp tục nằm im, không làm gì cả".

Tại cuối quý I, tổng tài sản của CII là 29.006 tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm.

Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản phải thu với tổng giá trị 11.234 tỷ đồng, tăng 6,7%, chủ yếu là khoản phải thu do hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên như CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận,...

Ngoài ra, công ty cũng có gần 1.310 tỷ đồng phải thu là lãi vốn chủ ba dự án BOT, gồm mở rộng Xa Lộ Hà Nội; mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Ninh Thuận; mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua Phan Rang - Tháp Chàm. 

Theo CII, trong 12 tháng tới, công ty sẽ giảm trừ khoản phải thu này vào doanh thu thu phí giao thông, với giá trị giảm trừ là hơn 102 tỷ đồng.

 Dự án mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua Phan Rang - Tháp Chàm. (Ảnh: CII). 

Ba dự án BOT nói trên cũng nằm trong danh sách 6 dự án BOT đang thu phí hoàn vốn đầu tư của CII, bên cạnh dự án mở rộng Quốc lộ 60 nối liền tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh; dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 741 và quyền thu phí giao thông cầu Cổ Chiên.

CII cho biết, nguyên giá của 6 dự án này là hơn 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ khấu hao theo doanh thu hiện nay là từ 7,77% - 50%.

Bên cạnh đó, CII có hai dự án BOT đã kết thúc thu phí, đang thực hiện thủ tục quyết toán với cơ quan Nhà nước để thanh lý hợp đồng BOT là cầu Rạch Chiếc mới và cầu Rạch Miễu. Tổng nguyên giá tài sản chờ thanh lý là 1.555 tỷ đồng. 

Các dự án BOT trên được ghi nhận vào mục tài sản cố định của CII. Tại thời điểm cuối quý I, tổng giá trị tài sản cố định (đã trừ giá trị hao mòn lũy kế) đạt 8.423 tỷ đồng, giảm 1,2% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong tổng tài sản của doanh nghiệp, sau các khoản phải thu như đã đề cập. 

Ngoài các dự án BOT, CII cũng có các bất động sản đầu tư với tổng giá trị 965 tỷ đồng, đơn cử như quyền sử dụng đất tại lô đất địa chỉ 29/3 đường D2, phường 2, quận Bình Thạnh, TP HCM với thời hạn sử dụng 50 năm; hay cho thuê tại tòa Cao ốc văn phòng số 152 Điện Biên Phủ, bắt đầu đưa vào vận hành từ quý IV/2021, thời gian khai thác tạm tính là 30 năm;... 

Tại thời điểm cuối quý I, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của CII là 1.435 tỷ đồng, trong đó hơn 776 tỷ đồng là thu tiền theo tiến độ khách hàng mua bất động sản. 

Giá trị tồn kho của CII là 1.338 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong đó là tồn kho thành phẩm bất động sản 793,5 tỷ đồng tại ba dự án The River (lô 3.15 tại Thủ Thiêm), Khu nhà ở chung cứ số 152 Điện Biên Phủ và dự án D'Verano (lô 3.2 tại Thủ Thiêm).

 Dự án The River tại Thủ Thiêm. (Ảnh: theriverin.vn). 

Theo CII chia sẻ tại tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên công bố hồi đầu tháng 4, tồn kho bất động sản này chủ yếu là các sản phẩm đã hoàn tất việc kinh doanh và sẽ bàn giao trong năm nay, tiến độ thu tiền cũng đang được thực hiện theo kế hoạch. 

Dòng tiền thuần âm, tăng vay nợ giữa kế hoạch tái cấu trúc nguồn vốn

Trong quý, công ty cũng chi hơn 3.210 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, mặt khác, thu từ đi vay hơn 3.855 tỷ đồng, dẫn đến dòng tiền từ hoạt động tài chính dương gần 645 tỷ đồng.

Song, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và từ hoạt động đầu tư của CII đều ghi nhận giá trị âm, chủ yếu do các khoản chi trả tiền lãi vay, chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. 

Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm gần 73,2 tỷ đồng.

Tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối quý I qua đó cũng giảm 26% còn gần 203 tỷ đồng, phần lớn dưới dạng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Bên cạnh đó, CII cũng có 634 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm phần lớn là khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh 616 tỷ đồng.

CII cho biết, giá trị trên là giá gốc của hơn 24 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Sài Gòn RiverFront được nắm giữ cho mục đích chuyển nhượng cho bên khác. Hợp đồng chuyển nhượng đã được ký vào tháng 9/2019, giá trị chuyển nhượng hơn 800 tỷ đồng, song vẫn chưa hoàn thành và ghi nhận. 

Về phần nợ tài chính, dư nợ của CII tại thời điểm cuối quý I là 15.232, tăng 4,5% so với đầu năm và cao gấp 1,83 lần vốn chủ sở hữu, trong đó, khoản phát sinh lớn nhất trong quý I là vay ngắn hạn 3.000 tỷ đồng từ HDBank.

Tổng số nợ phải trả trong 12 tháng tới là 1.275 tỷ đồng, trong đó, trái phiếu đến hạn là gần 775 tỷ đồng và vay dài hạn đến hạn trả là gần 500 tỷ đồng. 

 Nguồn: BCTC. 

 

Tag: