Manila tê liệt hoàn toàn sau khi Philippines đóng cửa thị trường tài chính và phong tỏa thủ đô giữa dịch Covid - 19

Theo Nikkei Asian Review, Tổng thống Philippines Duterte đang xem xét thiết lập các biện pháp quyết liệt hơn nữa, để kiểm soát dịch bệnh Covid - 19.

Các biện pháp kiểm dịch quyết liệt đối với thủ đô Manila của Philippines đã khiến nhiều trung tâm mua sắm sầm uất nhất trong thành phố rơi vào cảnh vắng vẻ không một bóng người từ cuối tuần qua. Điều này đã giáng một đòn nặng nề vào ngành kinh tế trị giá 330 tỉ USD của Philippines.

Kể từ thứ Hai (16/3), các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn ở thủ đô đã được lệnh đóng cửa cho đến ngày 14/4. Các cuộc tụ họp đông người cũng bị cấm ngay lập tức.

Hàng trăm chuyến bay vào thành phố đã bị huỷ, hoạt động tại 4 sòng bài nghỉ dưỡng của Manila bị đình chỉ, và các hoạt động giao dịch chứng khoán bị hạn chế. Chỉ trong ngày thứ Hai, sau khi áp dụng các biện pháp trên, thị trường chứng khoán của nước này đã giảm 8%, tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, theo Nikkei.

Và trong sáng nay (17/3), Philippines đã thực hiện thêm một bước đi mới táo bạo, là đóng cửa thị trường tài chính. Tất cả các hoạt động giao dịch chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ đều phải tạm dừng, và chờ đến khi có thông báo mới.

Thị trường Manila đã chứng kiến 14% mức vốn hoá thị trường bị thổi bay trong tuần trước, và tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều được yêu cầu nộp lại kế hoạch giảm thiểu rủi ro trong mùa dịch Covid - 19.

Thành phố Manila bị tê liệt hoàn toàn sau khi Philippines đóng cửa thị trường tài chính và phong toả khu vực thủ đô giữa dịch Covid - 19 - Ảnh 1.

Thành phố Manila bị tê liệt hoàn toàn sau khi Philippines đóng cửa thị trường tài chính và phong toả khu vực thủ đô giữa dịch Covid - 19. (Ảnh: Nikkei).

Các doanh nghiệp Philippines lao đao vì lệnh cấm

Vùng thủ đô Manila đóng góp tới 40% trong nền kinh tế quốc gia, và được liên kết chặt chẽ với các trung tâm sản xuất ở khu vực phía Bắc và phía Nam. “Do đó, quyết định này của chính quyền sẽ khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bị ảnh hưởng nặng nề trong nửa đầu năm nay”, Alvin Ang - Giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế Ateneo, cho biết.

Jonathan Ravelas, Chiến lược gia trưởng tại BDO Unibank, dự báo kinh tế Philippines sẽ giảm một điểm phần trăm trong quý đầu tiên, và cho biết việc đưa ra kết quả dự báo chính xác trong thời điểm này là khá khó khăn.

Tuy nhiên, Jonathan cũng phải thừa nhận rằng quyết định trên của Philippines là một biện pháp cần thiết.

Thành phố Manila bị tê liệt hoàn toàn sau khi Philippines đóng cửa thị trường tài chính và phong toả khu vực thủ đô giữa dịch Covid - 19 - Ảnh 2.

Quán ăn vắng người trong một trung tâm thương mại tại Manila. (Ảnh: Nikkei).

Vài ngày trước khi Manila bị phong toả, Philippines đã ghi nhận số lượng ca nhiễm Covid - 19 tăng đột biến, nâng tổng số lên 140 người, với 12 trường hợp tử vong. 

Chính quyền tại vùng thủ đô, bao gồm 16 thành phố, đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 8h tối đến 5h sáng, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

“Tình hình hiện nay rất khó khăn”, Charo Logarta-Lagamon, người phát ngôn của hãng hàng không giá rẻ Cebu Air, cho biết. 

Cebu Air đã phải huỷ hơn 200 chuyến bay trong nước, và đang phải hoàn trả số tiền vé lên tới 40 triệu USD cho khách hàng. Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines cũng phải tạm dừng hơn 60 tuyến bay hàng ngày.

Cebu Pacific thông báo họ sẽ sa thải hơn 150 nhân viên mới được tuyển dụng.

Các trung tâm lớn ở Manila, nơi người dân thường tụ tập ăn uống, giải trí và tham gia các sự kiện tôn giáo, đều đã phải đồng loạt đóng cửa vào thứ Hai. 

Ayala Land, một công ty con của Ayala Corp, cũng như SM Prime Holdings, Robinsons Land - thành viên của Tập đoàn SM Investments và JG Summit Holdings, đều tuyên bố sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định đóng cửa của chính quyền. 

Một số cửa hàng tạp hoá, hiệu thuốc và ngân hàng vẫn được tiếp tục mở cửa.

Thành phố Manila bị tê liệt hoàn toàn sau khi Philippines đóng cửa thị trường tài chính và phong toả khu vực thủ đô giữa dịch Covid - 19 - Ảnh 3.

Nhân viên dọn dẹp một nhà hàng vắng khách sau khi lệnh phong toả có hiệu lực. (Ảnh: Nikkei).

Với hơn một triệu người lao động đến khu vực thủ đô làm việc mỗi ngày, Bộ Lao động và Việc làm đã kêu gọi các công ty cho phép nhân viên của mình được làm việc từ xa.

Trong khi đó, một trung tâm tổng đài hỗ trợ tại Concentrix, một trong những trung tâm lớn nhất Manila, cho biết công việc làm từ xa của nhân viên "rất phức tạp", và họ đang tìm cách để thực hiện điều đó.

"Chúng tôi phải xem xét khả năng của các nhân viên và tốc độ kết nối internet tại gia đình của họ. Ngoài ra, mức độ bảo mật dữ liệu khổng lồ cũng đặc biệt quan trọng", Hanica Jane Pacis, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của công ty chia sẻ.

Trong ngày Chủ Nhật cuối tuần trước, quân đội và cảnh sát đã dựng các trạm kiểm soát ra vào khu vực vùng thủ đô. Tại đây, người dân được yêu cầu xuất trình thẻ căn cước, chứng minh lí do họ vào thủ đô, và thực hiện việc đo thân nhiệt. 

Những người chống đối không làm theo sẽ bị bắt giữ ngay lập tức.

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân đã đứng lên chống lại các biện pháp kiểm dịch khắc nghiệt của chính phủ. Các quan chức Philippine phải đăng đàn kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch, và cảnh báo rằng tình hình dịch bệnh tại Philippines có thể sẽ leo thang như các nước phương Tây, nếu không có kiểm soát ngay từ bây giờ.

“Chúng tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự như nước Ý hai tháng trước, khi tranh cãi về việc có nên áp dụng lệnh phong toả hay không”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Philippine ông Eduardo Ano - một tướng quân đội đã nghỉ hưu nói với các phóng viên.

“Nếu bạn phải đi làm, hãy đi. Nếu bạn cần điều trị y tế, hãy đi. Nếu bạn muốn mua thực phẩm, hãy đi. Nhưng ngoài những điều đó, hãy ở nhà”, Ano nói.

Thành phố Manila bị tê liệt hoàn toàn sau khi Philippines đóng cửa thị trường tài chính và phong toả khu vực thủ đô giữa dịch Covid - 19 - Ảnh 4.

Bên trong một rạp chiếu phim sau khi bị đóng cửa. (Ảnh: Nikkei).

Elmer Mendivel, người sở hữu một cửa hiệu thực phẩm tại chợ Divisoria - khu vực đông đúc của trung tâm thành phố Manila, cho biết ông đang phải vật lộn để tiêu thụ hết số hàng của mình.

“Đến thời điểm này, đáng lẽ ra tôi đã phải bán hết mọi thứ. Bây giờ rau củ đang mục rữa”, Mendivel nói trong khi vẫn đang loại bỏ những chiếc lá thối trên mấy cây bắp cải. 

“Mọi người sợ ra ngoài nên đã đổ xô tới các siêu thị lớn trong những ngày trước đó, để tích luỹ lương thực”.

Người dân tại Philippine thường hay đi lễ nhà thờ. Tuy nhiên khi thành phố bị phong toả, các hoạt động tôn giáo cũng bị đình chỉ. Những người bán hoa và tràng hạt bên ngoài nhà thờ Baclaran đã cầu xin các vị khách ghé qua mua một vài thứ gì đó.

“Tôi chưa bán được bất cứ thứ gì”, Elvira Alcantara, một người bán hoa nói. “Chúng tôi biết lấy tiền đâu để mua thức ăn”.

Các phương tiện giao thông công cộng cũng được lệnh chở ít khách hơn, trong khi các ứng dụng gọi xe công nghệ trở nên phổ biến.

Emerson Arado - một tài xế xe jeep, loại xe bus mini nổi tiếng của Manila chuyên dùng để chở người trên những đoạn đường ngắn, cho biết các biện pháp “cách li xã hội” đã làm giảm một nửa thu nhập của anh. 

“Chúng tôi không đủ khả năng kiếm sống nữa. Tôi còn phải trả tiền thuê nhà và còn một gia đình để nuôi”, anh than thở.

Trong khi Chính phủ kêu gọi các công ty vẫn trả lương cho nhân viên trong thời gian công việc bị ngừng trệ vì dịch bệnh, thì Chủ tịch Liên đoàn Chủ tịch Philippines Edgardo Lacson lại nói rằng, các công ty được phép hỗ trợ nhân viên trong khả năng của mình.

"Việc áp đặt một hành động nhân đạo hoặc ép buộc phải làm từ thiện là những hành động áp bức, tàn nhẫn và có thể mang lại nhiều tác hại hơn", Lacson nói với Nikkei. "Không ai bị buộc phải chia sẻ nếu họ không muốn".