Mẹ đơn thân nuôi con mắc hội chứng Down: Từng nghĩ ôm con cùng chết


Khoảnh khắc ôm con sợ hãi khi hay tin con mắc hội chứng Down nhanh chóng qua đi. Nhìn đứa con đỏ hỏn thở từng nhịp đều đặn trong vòng tay, bà mẹ trẻ lại có thêm động lực cho những tháng ngày sắp tới…

'Cảm giác lúc đó như người bị tuyên án tử hình, bị ném thẳng xuống hố sâu tăm tối. Mình ôm con sợ hãi vì nghĩ mọi người sẽ xua đuổi, xa lánh cả 2 mẹ con. Đã từng nghĩ hay là cùng con chết đi cho rồi…' - người mẹ trẻ rưng rưng nước mắt kể về giây phút nghe bác sĩ thông báo con trai đầu lòng mắc hội chứng Down sau 2 ngày vượt cạn.

Con trai 2 tuổi, chồng bất ngờ qua đời vì đột quỵ, chị Tô Thị Lan Hương (sinh năm 1985, TP.HCM) bất đắc dĩ trở thành mẹ đơn thân với bao khó khăn, nhọc nhằn. Dù thế, chị chưa từng nghĩ đến chuyện từ bỏ, vì động lực và niềm tin của chị giờ đây đặt trọn vào cậu con trai phát triển chậm về cả thể chất lẫn trí não.

Chị Hương vừa cho con ăn, vừa dạy con tập trò chuyện.

me don than nuoi con mac hoi chung down tung nghi om con cung chet
Chị Hương và cậu con trai gần 3 tuổi nhưng trí tuệ và thể chất ngang với trẻ 15 đến 18 tháng tuổi.

Con dù thế nào vẫn là con của mẹ...

Khi hay tin đứa con đầu lòng là con trai, vợ chồng chị Hương háo hức đếm từng ngày chờ con chào đời. Chưa đến ngày sinh, anh chồng tất bật phụ vợ dọn dẹp, mua sắm đầy đủ các vật dụng cho trẻ sơ sinh. Chị Hương được đưa vào diện 'chăm sóc đặc biệt' với bao nhiêu thức ăn, đồ uống bồi bổ. Gia đình nhỏ lúc nào cũng rộn ràng đoán xem em bé ra đời sẽ giống bố hay giống mẹ.

Ngày thứ 2 sau khi vượt cạn thành công, chị Hương sững người khi hay tin con mắc hội chứng Down. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại giây phút ấy, người mẹ trẻ không biết nên dùng từ ngữ gì để miêu tả cảm xúc của mình cho đúng. Chị ví đó như 'án tử hình'.

Ôm đứa con còn đỏ hỏn vào lòng, chị Hương khóc cạn nước mắt. Suy nghĩ 'ôm còn cùng chết đi cho rồi' thoáng qua trong đầu chị. Lúc này, mẹ chị nói một câu: 'Dù có chuyện gì thì bố mẹ sẽ ở bên cạnh con đến hết đời chứ không bao giờ bỏ con cả. Không sao hết, nếu cần thì ông bà nuôi cháu'. Như người chết vớ được cọc, chị Hương nhận ra trong tình huống tồi tệ nhất vẫn có một điểm tựa tinh thần lớn lao, đó chính là gia đình.

Chị dần bình tâm lại và nhận ra rằng, giọt máu chị đang nâng niu trên tay cần chị hơn lúc nào hết. Chị hít thật sâu rồi thở ra nhẹ nhõm. Hành trình làm mẹ đầy gian nan và thử thách đang chờ chị phía trước, nếu không mạnh mẽ thì con của chị biết dựa vào ai?

'Chồng mình được mẹ thông báo tin dữ ngay sau khi từ nhà lấy đồ mang vào viện cho vợ. Cảm xúc của anh chắc là giống mình, đứa con cả 2 chờ đợi bao nhiêu ngày tháng, đặt bao nhiêu kỳ vọng đẹp đẽ lên đó mà. Chỉ có điều, anh mạnh mẽ hơn, giấu cảm xúc để động viên, an ủi mình. Dù khó khăn thế nào thì mình vẫn có anh bên cạnh' - chị Hương nhớ lại.

me don than nuoi con mac hoi chung down tung nghi om con cung chet
Một suy nghĩ tồi tệ thoáng qua trong đầu chị, hay là cùng ôm con chết đi cho rồi...

Bú mẹ, nhìn mẹ cũng phải tập

Hành trình vượt qua và chấp nhận sự thật rằng con mình sinh ra không giống như những đứa trẻ khác không hề dễ dàng với vợ chồng chị Hương. Chị kể có những lúc vợ chồng giận nhau vì không tìm thấy điểm chung trong việc chăm sóc và nuôi dạy con. Rồi những lần căng thẳng, mệt mỏi vì công việc, về nhà nhìn con phát triển èo uột, chậm chạp, cả 2 cùng buồn nhưng không ai nói ra.

Suốt 2 tháng trời, chồng chị Hương đi làm đến tối mịt, về đến nhà không nhìn mặt con. Chị giận lắm. Nghĩ là đến ba cũng không thèm nhìn con thì người ngoài còn ai yêu thương nữa? Rồi có lần đỉnh điểm giận quá cãi nhau, chị nói chồng vô tâm, cạn tình... Lúc này, chồng chị trách ngược lại chị, cứ cười cười nói nói cả ngày không để ý đến tâm trạng của anh.

'Anh giải thích rằng mỗi lần về nhà là không dám nhìn mặt con, vì cứ nhìn là khóc, nên cứ về nhà là đi thẳng ra sân hút thuốc và khóc 1 mình. Vậy mà mình còn tưởng anh ấy chỉ muốn ngồi chơi game 1 mình cho rảnh thân. Rất may tới Tết, anh ấy mới tự tin đón nhận con. Cũng may, con trai mình cũng có được một cái Tết bên ba, sau đó thì trở thành một đứa trẻ mồ côi...' - chị Hương nói trong nhạt nhòa nước mắt.

me don than nuoi con mac hoi chung down tung nghi om con cung chet
Chị Hương kiên nhẫn dạy con từng tí, hạnh phúc khi thấy con dần nhận thức được mọi thứ xung quanh.

Giấu những cảm xúc buồn bã bất chợt ùa đến ấy, chị Hương vẫn kiên nhẫn dạy con từng chút. 'Nhiều lúc cũng thấy xót cho con, đứa trẻ khác sinh ra chỉ ăn ngoan ngủ yên là được rồi, con mình thì nỗ lực từng ngày. Bú mẹ cũng phải tập, vì cơ mềm, nên bú khó, tập hơn 1 tháng mới bú thành thạo. Nhìn vào mắt mẹ cũng phải tập, người ta vài ngày là nhìn mặt, nhìn mắt mẹ rồi, con mình phải tập hình như 2 tháng mới nhìn. Ngày nào cũng phải nằm sấp để con tập ngóc ngóc cái cổ lên. Muốn cầm nắm hay với tay lấy đồ chơi cũng tập nhiều tháng mới làm được...' - chị Hương kể lại.

Vợ chồng trẻ tìm thấy niềm vui khi con trai đầu lòng dần nhận thức được mọi thứ xung quanh, tự cầm nắm những vật dụng trong nhà, dù chậm chạp, dù mất nhiều thời gian. Một lần nữa, người mẹ trẻ lại rơi nước mắt khi con lớn dần trong sự chăm sóc và dạy dỗ của mình. 'Ngoài việc phát triển chậm chạp thì các chu kì khác của con trai cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Cũng ăn, ngủ, cũng ăn dặm, ăn thô,...' - chị Hương nói.

Điều khiến chị Hương vững lòng là những khi con ốm đau, bệnh tật đều có chồng ở bên cạnh cùng san sẻ. 'Khi mệt mỏi, muốn gục ngã cũng có bờ vai của anh làm điểm tựa. Mặt trời lên, vợ chồng lại có động lực để nuôi nấng và chăm sóc con trai' - chị nghẹn ngào nói.

me don than nuoi con mac hoi chung down tung nghi om con cung chet
Không còn chồng bên cạnh, đứa con là tất cả tài sản với chị Hương. Chính vì thế, tất cả chị làm đều vì cậu con trai nhỏ.

Không tự nguyện làm mẹ đơn thân

Con trai hơn 1 tuổi, mẹ trẻ chưa kịp thực hiện giấc mơ cùng gia đình nhỏ đi du lịch khắp mọi nơi thì chồng bất ngờ qua đời vì đột quỵ. Thêm một lần khóc cạn nước mắt khi nghĩ đến sự mất mát của bản thân. 'Thực ra ban đầu mình chỉ cảm thấy trống rỗng và tuyệt vọng vì mình mất chồng, con mình mất ba. Lúc đó đau buồn quá nên không nghĩ đến khó khăn, chỉ là không có động lực sống tiếp...' - chị Hương nhớ lại quãng thời gian khó khăn ấy mà không giấu nổi những dòng nước mắt rơi lã chã.

Rồi giữa lúc buồn bã khóc lóc, chị Hương hay tin con bị bệnh. Đi khám bác sĩ chẩn đoán viêm phổi phải vào viện chữa trị gấp. Như được thức tỉnh, người mẹ trẻ lại gồng mình lên, cố gắng sống vì con. 'Nếu con mà có mệnh hệ gì thì mình không còn gì để sống. Chưa kể bệnh viêm phổi đối với các bạn nhỏ như con mình là rất nguy hiểm, nên mình nhận ra giờ chị là chỗ dựa lớn nhất của con rồi. Mình không thể quỵ ngã và luôn tự động viên mình phải ráng lên' - người mẹ tâm sự.

Cuộc sống của 2 mẹ con luôn tràn ngập tiếng cười.

Một mình trên hành trình nuôi dạy một đứa trẻ chậm phát triển, chị Hương gặp không ít những khó khăn. Chị tự mình tìm hiểu, đọc sách và học hỏi kinh nghiệm chăm con từ những bà mẹ đồng cảnh ngộ. Một ngày 24h đồng hồ, chị dành hết cho cậu con trai. Chị chọn công việc kinh doanh tại nhà để được ở cạnh con nhiều hơn. Cuối tuần, chị chở con đến khu vui chơi để giao lưu với những bạn nhỏ khác, có bạn cùng cảnh ngộ, có bạn bình thường. Chị nói vì quá bận rộn với con nên chị không còn thời gian để buồn nữa.

Đến thời điểm hiện tại, nhịp sống của chị Hương bên cậu con trai mắc hội chứng Down đã dần ổn định hơn. Đôi lúc nhìn con ngủ ngon lành trong vòng tay mình, chị nghĩ về đoạn đường phía trước và lúc này, chị mới cảm nhận rõ những khó khăn bủa vây. 'Nhưng thực ra mình cũng không nghĩ nhiều quá, chính xác là không dám nghĩ, vì nếu nghĩ tới tương lai, nghĩ tới khó khăn sẽ khiến mình mệt mỏi và lo sợ, rồi sẽ muốn bỏ cuộc. Nên mình luôn nhắc nhở bản thân phải thật mạnh mẽ, phải gắng sống để làm chỗ dựa cho con' - chị Hương nói.

Đôi khi ngồi ngẫm lại, chị Hương vẫn chưa thể chấp nhận được việc phải làm mẹ đơn thân, thậm chí còn cảm thấy oan ức. Nhưng người mẹ này chưa một lần than trách số phận, bởi những mất mát trong quá khứ đang được bù đắp bởi những ngày tháng thấy cậu con trai lớn dần trong sự chăm sóc, yêu thương của mình.

me don than nuoi con mac hoi chung down tung nghi om con cung chet
Cậu con trai khá ngoan ngoãn và nghe lời mẹ.

Là bạn học của chị Hương từ thời đại học, đến lúc ra trường vẫn giữ liên lạc, chị Kim Huế chia sẻ: 'Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, đừng nói đến chuyện một mình chăm sóc và dạy dỗ một đứa trẻ chậm lớn về thể chất và trí tuệ. Ấy vậy mà chưa một lần thấy Hương than trách, khóc lóc. Thậm chí mỗi lần trò chuyện, cô bạn vẫn giữ trên môi nụ cười lạc quan, tin tưởng rằng cậu con trai sẽ nhanh chóng hòa nhập cùng chúng bạn.

Có thể nước mắt đã rơi quá nhiều, nhưng không có sự bất hạnh nào ở đây cả. Hai mẹ con vẫn có muôn vàn điều thú vị, tiếng cười, hạnh phúc. Mỗi lần nghĩ về Hương, tôi luôn tự nhủ bản thân mình: Nếu đã sẵn sàng để làm mẹ, hãy làm một người mẹ tốt, dũng cảm và yêu thương, mọi khó khăn rồi sẽ qua, chỉ có hạnh phúc sẽ luôn bên cạnh'.

Ảnh, clip: NVCC

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.