Môn Hóa học thi THPT quốc gia: Nên học kiến thức trọng tâm nào trong những ngày cuối?

Để giúp các thí sinh ôn thi hiệu quả môn Hóa học, thầy giáo Dương Tiến Tài - giáo viên bộ môn Hóa học thuộc Hệ thống giáo dục trực tuyến Toliha Elearning sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và định hướng lộ trình học tối ưu giúp các sĩ tử tự tin chinh phục kì thi THPT quốc gia 2019 sắp tới.

Lưu ý ôn luyện trong 20 ngày cuối

Trước kì thi THPT quốc gia, điều đầu tiên, các em phải có tinh thần thật khỏe, đừng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân. Có như thế việc ôn thi với những mục tiêu vừa sức và chiến lược cụ thể mới thành công được.

Lên kế hoạch cụ thể cho từng giờ, từng môn học: Ngày hôm nay em phải đạt được những mục tiêu gì là em phải hoàn thành.

Không nên luyện quá nhiều đề và chạy theo những dạng bài mới, độc, lạ lúc này nữa. Luyện ít đề nhưng chất, luyện nhiều lần để bồi đắp kĩ năng.

Cần phân tích và làm lại thật kĩ từ đề thi tham khảo 2019 của Bộ GD&ĐT.

Cơ cấu lí thuyết và bài tập trong đề thi THPT quốc gia chênh lệch không quá nhiều (khoảng từ 21-23 câu lí thuyết). Vậy nên việc nắm chắc lí thuyết, bản chất hóa học là rất quan trọng khi ôn thi.

Môn Hóa học thi THPT quốc gia: Nên học kiến thức trọng tâm nào trong những ngày cuối? - Ảnh 1.

Thầy giáo Dương Tiến Tài - giáo viên bộ môn Hóa học. (Ảnh: NVCC)

Lộ trình học tối ưu giai đoạn nước rút

Theo định hướng thi của Bộ GD&ĐT thì đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ tập trung chủ yếu vào chương trình Hóa học lớp 12 (khoảng 90%), khoảng 10% còn lại sẽ rơi vào chương trình Hóa học lớp 11 và 10.

Thời gian kì thi chính thức diễn ra đang cận kề, thí sinh hãy lập lộ trình học thật hợp lí và cân đối giữa các môn sao cho phù hợp với mục tiêu và năng lực của mình.

- Hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy

+ Đối với Vô cơ tập trung chủ yếu vào một số chủ đề như: Đại cương kim loại (vị trí, tính chất vật lí, dãy điện hóa, điều chế và ăn mòn kim loại); kim loại nhóm IA, IIA và Nhôm (tính chất của đơn chất và hợp chất kim loại nhóm IA, IIA và Nhôm, lưu ý đến các câu hỏi lí thuyết về nước cứng, ứng dụng của đơn chất và hợp chất của chúng); sắt (lưu ý về các cặp oxi hóa – khử của sắt trong dãy điện hóa); bài toán HNO3 (lưu ý dung dịch chứa H+ và NO3- có tính oxi hóa mạnh tương tự như HNO3); lí thuyết các phản ứng xảy ra trong dung dịch; chất lưỡng tính…

+ Đối với Hữu cơ tập trung chủ yếu vào một số chủ đề như: Khái niệm - danh pháp - tính chất vật lí và ứng dụng của este, chất béo, cacbohiđrat, hợp chất chứa nitơ và đặc biệt là polime; tính chất hóa học của mỗi loại hợp chất hữu cơ; bản chất các phản ứng của các chất hữu cơ với những chất thường gặp như dung dịch Br2, dung dịch AgNO3/NH3, dung dịch NaOH, dung dịch HCl, Cu(OH)2… (rất lưu ý những câu hỏi đếm ở nội dung lí thuyết).

Trong hóa hữu cơ có 2 dạng bài tập người ra đề hay khai thác đó là phản ứng thủy phân và phản ứng oxi hóa (oxi hóa không hoàn toàn và oxi hóa hoàn toàn hay còn gọi là phản ứng đốt cháy).

+ "Thuốc chữa" riêng đối với các em học sinh chưa thể lấy lại gốc đó là cố gắng ghi nhớ những bài luyện tập (ở cuối mỗi chương học) trong SGK 12. Sau đó, thực hành vận dụng các kiến thức đó luôn bằng cách trả lời các câu hỏi và giải bài tập tính toán đơn giản trong các đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT từ năm 2007 và các đề thi THPT quốc gia trước đó cho đến đề thi tham khảo 2019. Đây là những nội dung cứu cánh mang lại không ít điểm giúp các bạn học lực môn Hóa học đến thời điểm hiện tại chưa cải thiện nhiều.

Nếu thấy việc ghi nhớ tất cả kiến thức trong SGK là quá tải thì hãy tập trung vào kim loại, este, cacbohiđrat và polime. Thường sẽ có nhiều câu hỏi dễ rơi vào các chủ đề này.

+ Đối với các em học lực khá, giỏi muốn đạt điểm cao môn Hóa học thì trong quá trình luyện đề cần tránh gặp lại các bẫy và lỗi sai trước đó. Rèn luyện thật nhuần nhuyễn các kĩ năng giải toán.

- Vận dụng linh hoạt các định luật bảo toàn

+ Có 4 định luật cơ bản trong Hóa học đó là bảo toàn mol nguyên tố (BTNT), bảo toàn khối lượng (BTKL), bảo toàn mol electron (BTe), bảo toàn điện tích (BTĐT) các em nên hiểu rõ bản chất và biết cách vận dụng chúng khi giải bài tập.

+ Riêng đối với các em lực học trung bình thì hãy tập trung vào một số dạng toán cơ bản thường xuất hiện trong đề thi cụ thể như: Kim loại tác dụng với axit (HCl, H2SO4 loãng); thủy phân este đơn chức; đốt cháy este no đơn chức mạch hở; amin đơn chức tác dụng HCl…

-  Luyện đề

+ Tất cả các em đều phải làm.

+ Thầy khuyên các em ở giai đoạn nước rút chỉ nên luyện thêm khoảng 3 đề nữa thôi nhưng trong 3 đề này hãy mổ xẻ và phân tích thật kĩ, cần biết gắn kết, hệ thống hóa các kiến thức thành một chuỗi xuyên suốt. Cần làm lại các đề này nhiều lần để tạo phản xạ và tăng tốc độ.

+ Ghi lại tất cả những bẫy và lỗi sai nhằm tránh gặp phải khi đi thi.

+ Trong đề thi sắp tới của Bộ GD&ĐT, khi nhận đề các em hãy bao quát đọc lướt 40 câu hỏi sau đó phân chia thời gian hợp lí làm câu dễ trước, khó sau, cần cảnh giác những câu lí thuyết để tránh mất điểm oan. Khoanh được câu nào phải chắc chắn câu đó, trường hợp xấu nhất nếu không kịp thời gian thì khoanh random.

Trên đây là những chia sẻ từ Thầy Dương Tiến Tài trong kì thi THPT quốc gia 2019. Chúc các em thi đạt được kết quả tốt nhất trong kì thi sắp tới!

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.