Nâng khống giá 1 căn nhà, chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

Như Báo CAND đã đưa thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra Ngân hàng TMCP Đại Tín (nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – VNCB).

Theo kết luận điều tra, từ tháng 6-2010, vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín là 3.000 tỷ đồng, vốn pháp định là 1.000 tỉ đồng. Bị can Hứa Thị Phấn cùng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người thân đứng tên giúp (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín tương đương hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ và giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.

nang khong gia 1 can nha chiem doat hon 1000 ty dong
Bị can Hứa Thị Phấn.

Bị can Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, là cổ đông lớn của ngân hàng để nắm quyền chi phối điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang để lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hành vi nâng khống giá trị bất động sản căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, địa chỉ tại phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh, có diện tích hơn 621m2 đất, diện tích xây dựng nhà là 269m2, rồi bán lại cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng. Đây chỉ là 1 trong 26 bất động sản mà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm đã đầu tư gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 1-2008, bị can Phấn đã mua mảnh đất tại số 5 Phạm Ngọc Thạch, địa chỉ tại phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh với giá 371 tỷ đồng. Đến tháng 10-2008, Phấn bán lại cho Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang (công ty do Phấn làm chủ cho Lâm Kim Dũng đứng tên Giám đốc) với giá 426 tỷ đồng.

Đến tháng 8-2011, Phấn đã chỉ đạo Công ty TrustAsset không có chức năng thẩm định giá để thẩm định giá nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên 1.268 tỷ đồng, trong khi giá thị trường thời điểm tháng 2-2012 của mảnh đất trên được xác định là 154 tỷ đồng (chênh lệch 1.105 tỷ đồng).

Từ biên bản thẩm định giá của Công ty TrustAsset, Phấn đã chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng (tương đương 42% vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín) mà không thông qua Đại hội cổ đông. Đến tháng 2-2012, Ngân hàng Đại Tín đã thanh toán đủ số tiền 1.260 tỷ đồng cho bị can Phấn và đã hạch toán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch vào tài sản của ngân hàng.

Như vậy, bị can Phấn đã chuyển nhượng lại cho Ngân hàng Đại Tín mảnh đất số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá cao gấp 8 lần giá trị thị trường. Số tiền bị can Phấn hưởng lợi từ việc nâng giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là 1.105 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra Ngân hàng Đại Tín ngày 10-7-2012 xác định, thời điểm ngày 29-2-2012, Ngân hàng Đại Tín đã bị lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng, nên số tiền 1.105 tỷ đồng bị can Phấn chiếm đoạt từ việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín là tiền gửi, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng. Hành vi của Phấn đã phạm vào tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999.

Với thủ đoạn tương tự, Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo các cá nhân có quan hệ họ hàng hoặc nhân viên dưới quyền, đứng tên mua 25 bất động sản khác, rồi mua đi bán lại trong nhóm, để nâng khống giá trị bất động sản. Sau đó, bị can Phấn dùng ảnh hưởng của mình, chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín định giá khống cao gấp từ 2 đến 8 lần giá thị trường.

Như vậy, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua lại tổng số 26 bất động sản (với lý do mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản), với tổng giá trị 3.580 tỷ đồng, tương đương với 119% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín. Nhưng thực chất là để bị can Phấn rút ruột và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Đại Tín.

Trong khi Ngân hàng Đại Tín đang vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định; dẫn đến 15/26 bất động sản, với giá trị mà Ngân hàng Đại Tín bỏ ra để đầu tư mua là hơn 2.424 tỷ đồng không thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.

Theo kết quả thẩm định giá trị trường tháng 9-2014, 26 bất động sản mà Ngân hàng Đại Tín đầu tư chỉ có giá trị là 1.369 tỷ đồng. Qua đó, hành vi của bị can Phấn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) hơn 2.129 tỷ đồng.

nang khong gia 1 can nha chiem doat hon 1000 ty dong Xử vụ Phạm Công Danh: HĐXX không chấp nhận luật sư xưng bảo vệ cho ông Trần Bắc Hà

Đại diện ông Trần Bắc Hà đã nộp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc ông đi Singapore điều trị ung thư ...

nang khong gia 1 can nha chiem doat hon 1000 ty dong Đường đi của 4.700 tỷ từ ông Trần Bắc Hà qua Phạm Công Danh

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Công Danh đến Ngân hàng BIDV giới thiệu 12 công ty "ma" vay vốn mua vật liệu xây dựng. ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.