'Ngày 1/6: Mong trẻ luôn được an toàn trong chính gia đình mình'

"Gia đình tưởng là nơi an toàn nhất với đứa trẻ nhưng hóa ra lại là nguy cơ đáng sợ nhất với trẻ em”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nói.

Theo UNICEF Việt Nam, gần 68,4% trẻ em Việt Nam độ tuổi 1-14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà. PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định đây là tỷ lệ rất đáng lo ngại vì cứ 3 đứa trẻ thì sẽ có 2 đứa trẻ bị bạo hành bởi chính gia đình mình. “Chúng ta thử nghĩ mà xem, tỷ lệ trẻ bị bạo hành bởi người ngoài thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trẻ bị bạo hành bởi chính gia đình của đứa trẻ đó. Gia đình tưởng là nơi an toàn nhất với đứa trẻ nhưng hóa ra lại là nguy cơ đáng sợ nhất với trẻ em”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nói. Cùng trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh về bạo hành trẻ em và những quyền trẻ em mà bố mẹ thường lãng quên.

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh.

- Thưa PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, vì sao bà lại cho rằng gia đình là nơi không an toàn với trẻ?

Hôm trước tôi mới đọc bài báo phỏng vấn cô giáo Ngọc, tác giả bức thư gửi học sinh lớp 12 khiến nhiều người xúc động, trong đó cô nói kể có học sinh đã phải chiến đấu với bố mẹ suốt 18 năm để được học ngành mình mong muốn. Ở Việt Nam, đứa trẻ từ khí chào đời luôn phải chiến đấu với bố mẹ và gia đình để được sống đúng con người mình. Khi còn nhỏ, chúng “chống đối” lại bố mẹ để được nghịch ngợm, để được chơi đúng nghĩa là đứa trẻ con. Ngay đến việc ăn uống, chúng cũng không được chọn cách ăn như thế nào, tận hưởng hương vị món ăn ra sao, ăn no rồi nhưng vẫn bị ép ăn thêm để tăng cân, bụ bẫm và bố mẹ sẽ được khen là nuôi con khéo.

Đến khi trẻ lớn, bố mẹ vẫn kiểm soát mọi thứ trong cuộc đời trẻ như không được tự đi học mà phải đưa đi đón về, phải đi học thêm, phải chạy theo các thành tích, phải có giấy khen, bảng điểm đẹp. Nhưng trẻ con chúng đâu cần những thứ đó, chỉ có bố mẹ cần thôi.

Đến khi lớn, chúng vẫn phải thi vào trường bố mẹ thích, đi làm ở cơ quan mà bố mẹ muốn. Có những trường hợp bố mẹ nhất định bắt con về quê làm việc, nếu không thì bố mẹ sẽ tự tử, sẽ từ mặt con. Thậm chí đến chuyện tình cảm cũng bị bố mẹ can thiệp, yêu ai, lấy ai cũng bị bố mẹ quản. “Mày mà lấy nó thì không phải con tao”, hoặc nếu đồng ý cho lấy thì sau đó vẫn “hành” con dâu/rể đủ thứ.

Đa phần bố mẹ Việt không coi con là một con người mà là một tài sản, một thứ trang sức để khoe khoang và làm rạng danh cha mẹ. Thế nên mỗi khi trẻ làm trái ý cha mẹ, rất dễ xảy ra xung đột giữa hai bên. Hơn nữa, quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “hư thì phải đánh”, “đánh đòn thì sẽ ngoan” khiến cha mẹ nhầm lẫn bạo lực có thể nuôi dạy con nên người, nhưng thật ra bạo lực chỉ chứng tỏ sự bất lực của cha mẹ và làm bố mẹ con cái xa cách nhau hơn.

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh
"Bạo lực chỉ chứng tỏ sự bất lực của cha mẹ và làm bố mẹ con cái xa cách nhau hơn".

- Ở Mỹ, nếu trẻ cảm thấy không an toàn, trẻ có thể nói với bố mẹ rằng: “Bố mẹ không được làm thế, nếu đánh con con sẽ gọi 911”, bà nghĩ sao về câu chuyện này, liệu đây có phải là cách bảo vệ trẻ khỏi bạo lực gia đình?

Theo tôi, đây chỉ là trường hợp cực chẳng đã chứ không phải là cách hay để phòng tránh bạo lực trẻ em, tệ hơn nữa nó còn phá hủy tình cảm gia đình, tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Bạn cứ thử nghĩ nếu con bạn nói với bạn như vậy, bạn sẽ tổn thương thế nào.

Tốt nhất là bố mẹ cần ý thức được quyền của trẻ em và trách nhiệm của bản thân để con cái không bao giờ phải nói với mình như vậy. Tương tự như trong mối quan hệ vợ chồng, chồng định đánh vợ và vợ nói: “Anh mà động vào người tôi thì bố tôi sẽ cho anh nhừ đòn/tôi sẽ báo tổ dân phố”. Sau câu nói đó, liệu mối quan hệ vợ chồng còn được nguyên vẹn như xưa?

Quay trở lại câu chuyện bạo hành trẻ, điều làm tôi kinh sợ nhất là cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người tin vào câu “Yêu cho roi cho vọt” mà không hiểu rằng bố mẹ không có quyền làm thế với con cái, làm thế là vi phạm pháp luật về quyền trẻ em.

Sở dĩ bố mẹ đánh trẻ vì bố mẹ biết trẻ ở thế yếu, trẻ không thể đánh lại được mình. Nếu như khi đi ngoài đường, gặp người lạ có hành vi sai với mình, liệu chúng ta có dám đánh người đó không? Vậy mà bố mẹ có thể dễ dàng nặng lời, chửi bới, đánh con. Tại sao chúng ta luôn mồm nói yêu thương con nhưng lại đối xử với con không bằng một người ngoài, một người qua đường?

Đã đến lúc bố mẹ Việt cần hiểu con mình không phải là thứ mình muốn hành thế nào cũng được, nó là một cá thể phát triển độc lập và nó có những quyền không thể xâm phạm.

- Trẻ ở tuổi dậy thì thường rất khó bảo, theo bà, để sống chung với trẻ giai đoạn này, bố mẹ nên làm gì?

Ở tuổi dậy thì, bản thân trẻ không biết trẻ thực sự muốn gì, nhưng luôn muốn mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ nên tâm trạng của chúng thất thường, sáng nắng chiều mưa cũng là điều dễ hiểu. Vì thế muốn giáo dục con ở giai đoạn này bố mẹ cần:

1. Đề ra các nguyên tắc rõ ràng và yêu cầu con không được vi phạm như phải hoàn thành nghĩa vụ học ở trường, ra ngoài phải cho bố mẹ biết rõ địa điểm, không đi chơi về quá muộn, không ngủ lại nhà bạn…

2. Ngoài các nghĩa vụ cơ bản ấy cần bao dung và kiên nhẫn với con. Mỗi khi con lên cơn trái nắng trờ giời thì bố mẹ nên tránh ra và lờ đi, đợi đến khi con bình tĩnh lại sẽ nói chuyện. Không nên đối đầu với con vì rất dễ xảy ra xung đột làm các bên nói những lời khiến cả hai tổn thương.

3. Ngoài ra vợ chồng cũng cần thống nhất trong cách dạy con, quy định rõ những điều được và không được làm. Có nhiều bố mẹ hôm nay bảo thế này là đúng, ngày mai bảo thế này là sai, hoặc mỗi người nói một kiểu thì trẻ sẽ không biết đằng nào mà tuân theo.

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh
"Trong gia đình, điều quan trọng hơn cả là cần xây dựng lòng tin giữa bố mẹ và con cái".

- Vậy có cách nào để hạn chế và phòng tránh bạo hành trẻ nhỏ hay không, thưa bà?

Có một nguyên tắc mà bố mẹ cần phải nhớ, đó là tuyệt đối không để trẻ nhỏ ở một mình với người khác giới mà không phải ruột thịt. Nếu được, bố mẹ và con cái nên sống cùng nhau, hạn chế việc gửi con cho người khác ít nhất đến năm con 18 tuổi vì không ai thay thế được vai trò của bố mẹ với con trong việc hình thành nhân cách.

Trong gia đình, điều quan trọng hơn cả là cần xây dựng lòng tin giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ Việt thường coi thường ý muốn của con và cho chỉ có người lớn là đúng. Nếu mỗi khi con muốn chia sẻ một vấn đề gì với bố mẹ mà lại bị phản ứng ngay kiểu “ai bảo con…thế này thế kia, con thế nào thì mới bị…như vậy chứ”, thì đứa trẻ lần sau sẽ không bao giờ muốn tâm sự với bố mẹ nữa.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

XEM THÊM

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh ‘Bạo lực không phải là giáo dục, bạo lực là bất lực, giận dữ và đau đớn’

Qua bạo lực thể chất và tinh thần, qua những gì mà chúng ta thực hành hàng ngày, chúng ta dạy con rằng bạo lực ...

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh Phải làm gì với con?

Tôi phải làm gì để sửa những thói đó ở con? Tôi không dạy nó thì mai mốt nó sẽ biến thành cái gì? Rõ ...

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh Gắn bó mẹ - con: Đặc điểm quan trọng của những năm đầu đời

Vai trò quan trọng của việc duy trì gắn bó mẹ con trong những năm đầu đời là rất to lớn.

ngay 16 mong tre luon duoc an toan trong chinh gia dinh minh Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng người ta lại coi nó là 'cái tội'

Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng trớ trêu thay, ở loài người, bám mẹ lại bị coi là “cái tội”.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.