Nhiễm giun sán bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do thói quen vệ sinh, ăn uống chưa khoa học.
Giun sán hay còn gọi là bệnh giun sán, nhiễm giun sán, chỉ về những sinh vật đa bào lớn, mà khi trưởng thành thường có thể được nhìn thấy bằng mắt thường.
Bệnh giun sán có rất nhiều loại, trong đó có các loại hay gặp ở Việt Nam là sán lá gan lớn, giun đầu gai, giun lươn, giun đũa, sán máng, sán gạo heo và sán lá phổi.
Nhiễm kí sinh trùng thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính cần đến ngay bệnh viện cấp cứu. Song, bệnh để lâu dài có thể dẫn đến còi cọc, thiếu dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ em hoặc tắc ruột, thiếu chất ở người trưởng thành.
Ở thể nặng hơn, ấu trùng luân chuyển trong máu có thể làm giảm thị lực, co giật chứ không như lời đồn " ăn mắt, ăn não". Tuy nhiên, nó chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Giun sán không phải là bệnh nguy hiểm, có thể điều trị khỏi khi phát hiện sớm. (Ảnh: Soha)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm giun sán, nhưng phần lớn là do thói quen vệ sinh, ăn uống không khoa học như ăn các thực phẩm chưa nấu chín kĩ, uống nước chưa đun sôi. Ngoài ra còn do thói quen chơi đùa cùng các loại thú nuôi cũng là một nguồn lây nhiễm giun sán.
Trứng của các loài giun, sán này được bài tiết qua đường phân của vật nuôi và tồn tại trong môi trường bên ngoài như đất, nước uống, thức ăn, cỏ... trở thành nguồn lây bệnh cho con người.
Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất dễ bị lây nhiễm.
Giun sán có thể nhìn thấy bằng mắt thường, sống kí sinh trong cơ thể con người và động vật (gia súc, gia cầm, vật nuôi).
Đặc biệt trong nhiều ngày gần đây, thông tin giun sán kí sinh trên thịt lợn (sán lợn) và mới đây clip đăng tải trên mạng về việc giun sán kí sinh trên cả thịt bò (sán dây bò) và cá (sán cá) đang khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Hình ảnh thực phẩm thịt lợn bị nhiễm sán.
Biểu hiện của các loại thịt lợn, thịt gà, thịt bò và thịt cá khi bị nhiễm sán thường xuất hiện những đốm trắng to bằng đầu kim (nhiễm giun xoắn), hoặc những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu, màu trắng hoặc vàng xám nằm song song với thớ thịt (nhiễm sán).
Theo thông tin mới nhất đăng tải, tính đến tối ngày 17/3, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thêm 58 trẻ dương tính với sán lợn. Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương thêm 27 trẻ. Sau sự việc phát hiện thịt lợn tại trường mầm non nghi nhiễm sán, khoảng 2000 trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã được gia đình đưa đi xét nghiệm với số ca dương tính là 209 trường hợp.
Hoàn toàn có thể phòng tránh nhiễm giun sán bằng việc ý thức phòng bệnh nhất là đối với trẻ nhỏ, trong việc thực hiện chế độ vệ sinh, ăn uống và thói quen sinh hoạt.
Không nên ăn thịt cá tái, gỏi, chưa nấu chín kĩ.
Vệ sinh môi trường, thường xuyên lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đặc biệt ở môi trường công cộng như trường học.
Cần tẩy xổ giun định kì 6 tháng một lần đối với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Ngoài ra, nên tự trang bị kiến thức và chọn lọc thông tin khoa học, không hoang mang gây rối loạn tâm lí. Nếu sức khỏe có vấn đề bất thường cần đến bệnh viện để điều trị.